Đổi thay ở Đầm Bàng

08:45, 28/06/2013

Đầm Bàng vốn là xóm đặc biệt khó khăn của xã Bản Ngoại (Đại Từ), giao thông đi lại khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Nhưng 5 năm trở lại đây, Đầm Bàng đã có nhiều thay đổi. Ấn tượng nhất với chúng tôi là con đường liên xã đi Phú Lạc - Phục Linh đang được đầu tư xây dựng; những căn nhà cao tầng khang trang đang dần thay thế những mái nhà lúp xúp trước kia…

Đưa chúng tôi đi trên con đường mới, đồng chí Nguyễn Thị Thủy, Bí thư Chi bộ Đầm Bàng cho biết: “Nhờ con đường này được đầu tư xây dựng nên đời sống của người dân nơi đây dần được cải thiện. Để làm được con đường này, lúc đầu, chúng tôi gặp không ít khó khăn trong khâu vận động nhân dân hiến đất làm đường nhưng nhờ sự quyết tâm và kiên trì vận động của Chi bộ, các tổ chức đoàn thể cơ sở, 100% người dân trong xóm đã đồng ý hiến đất làm đường”. Dự án làm đường giao thông liên xã Bản Ngoại - Phú Lạc được huyện Đại Từ triển khai từ tháng 4/2012 có tổng chiều dài 10,5km, trong đó Nhà nước đầu tư kinh phí làm đường, còn nhân dân hiến đất. Tuyến đường này đi qua địa phận xóm Đầm Bàng dài 1,2km với 39 hộ dân bị ảnh hưởng. Chi bộ Đầm Bàng đã triển khai họp bàn, xây dựng nghị quyết chuyên đề thực hiện. Đảng viên trong Chi bộ cùng nhau thảo luận và đưa ra những phương hướng tốt nhất để vận động quần chúng nhân dân hiến đất và tự tháo dỡ tài sản trên đất.

 

 

Sau khi Chi bộ ra nghị quyết lãnh đạo, Ban Công tác Mặt trận của xóm tiến hành họp và thành lập Ban vận động, tuyên truyền gồm các đồng chí chi hội trưởng, chi hội phó các tổ chức đoàn thể. Các đồng chí trong Ban vận động, các đồng chí đảng viên bị ảnh hưởng thực hiện ký cam kết trước. Cách làm công khai, dân chủ nên được nhân dân đồng tình ủng hộ. Ông Nguyễn Văn Khánh, một người dân trong xóm cho biết: Lúc đầu do chưa hiểu về dự án nên gia đình băn khoăn, do dự, chưa nhất trí hiến đất và tài sản trên đất. Nhưng sau được Ban Công tác Mặt trận, các ban, ngành đến vận động, các thành viên trong gia đình đã hiểu được lợi ích chung nên đồng ý hiến đất, tài sản trên đất, kịp thời giải phóng mặt bằng bàn giao cho đơn vị thi công. Diện tích đất và tài sản trên đất của gia đình tôi ước tính khoảng 41 triệu đồng. Hay gia đình anh Đặng Văn Hải, gia đình anh Cao Văn Nguyên lúc đầu cũng chưa thông suốt về dự án, còn ngại ngần, sau được tuyên truyền vận động đã đồng ý hiến đất. Chỉ trong 2 tháng, 39 hộ dân nơi đây đã ký cam kết hiến đất, tài sản trên đất để bàn giao mặt bằng sạch cho chủ dự án đúng thời gian quy định.

 

Cùng với phong trào hiến đất làm đường, các phong trào thi đua phát triển kinh tế cũng được người dân Đầm Bàng hưởng ứng. Với 7,5ha trồng lúa là các chân ruộng thụt, bà con xóm Đầm Bàng tích cực đưa một số giống lúa lai cho năng suất, chất lượng vào gieo trồng như: Syn 6, TH 3-3... Điều này đã góp phần đưa năng suất lúa nơi đây đạt từ 55 đến 57 tạ/ha, tăng khoảng 10 tạ/ha so với năm 2009. Đối với cây chè, toàn xóm Đầm Bàng có tổng diện tích trên 40ha, trong đó đã chuyển đổi 15 ha sang trồng giống chè mới. Theo lời ông Trần Văn Việt, Trưởng xóm Đầm Bàng thì trước đây toàn bộ diện tích chè này là giống chè trung du cho năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao. Từ năm 2009, một số hộ gia đình đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng các giống chè cành như Bát Tiên, Phúc Vân Tiên. Anh Trịnh Văn Quyết, một trong những hộ dân của xóm mạnh dạn đi đầu trong phong trào chuyển đổi giống chè cho hay: Từ năm 2009, gia đình tôi từng bước chuyển đổi sang trồng chè Kim Tuyên có chất lượng cao với diện tích ban đầu khoảng 3 sào. Điều đặc biệt là với loại chè giống mới này ngay từ những năm đầu đã cho thu hoạch. Sau một thời gian thấy hiệu quả, gia đình tôi đã chuyển toàn bộ diện tích chè trung du sang trồng chè cành. Chè Kim Tuyên có giá bán cao gấp 2-3 lần so với chè trung du. Với 10 sào chè cành, mỗi năm cho gia đình tôi thu nhập từ 70 triệu đồng trở lên…

 

Nhờ năng động trong phát triển kinh tế, đời sống của người dân xóm Đầm Bàng đã từng bước được cải thiện. Số hộ nghèo của xóm hiện chỉ còn 8 hộ, giảm 16 hộ so với năm 2010. Chia sẻ kinh nghiệm để Đầm Bàng có diện mạo mới như ngày nay, đồng chí Bí thư Chi bộ cho biết: Điều quan trọng nhất là chúng tôi khuyến khích người dân lựa chọn những giống cây, con phù hợp cho hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất để làm những mô hình điểm rồi sau đó nhân ra diện rộng. Trong công tác vận động, chúng tôi tập trung tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của từng phong trào, không những vậy còn phải kiên trì, vận động từng bước và phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể; kết hợp vận dụng ưu thế của những người có uy tín trong cộng đồng dân cư, trong dòng họ, người cao tuổi có uy tín…