Hiện nay, doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNV&N) trên địa bàn chiếm trên 90% trong tổng số DN thuộc mọi thành phần kinh tế. Trong thời gian qua, các DNV&N đã có nhiều đóng góp cho nền kinh tế và giải quyết việc làm cho nhiều người lao động.
Tuy nhiên, do tác động của khủng hoảng kinh tế trong và ngoài nước làm cho hoạt động của các DNV&N còn gặp nhiều khó khăn và bộc lộ những yếu kém: khả năng cạnh tranh thấp, trình độ năng lực của đội ngũ công nhân, người lao động, cán bộ chưa đáp ứng; đặc biệt là thiếu nguồn vốn để hoạt động. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp (DN) có dự định, ý tưởng đầu tư dây chuyền sản xuất, mở rộng kinh doanh phải bỏ dở chừng; hoặc cơ sở vật chất thiếu thốn, cũ nát không có vốn để đầu tư. Trong tình hình hiện nay, nhiều DN đảm bảo duy trì được kinh doanh và nộp ngân sách nhà nước còn chật vật.
Để có vốn hoạt động, hiện nay, các DN phải huy động từ nhiều nguồn: vốn tự có của chủ sở hữu, vốn vay ngân hàng, vốn phi chính thức (ứng trước hoặc chậm trả); huy động từ người thân, bạn bè; cho thuê tài chính… Mặc dù nguồn vốn vay từ ngân hàng có thuận lợi hơn, song cũng không phải sử dụng một cách “thoải mái” do hạn mức nhất định, lãi suất ngân hàng còn cao, nên khi đầu tư cho sản xuất kinh doanh các DN luôn phải tính toán rất kỹ mới dám vay.
Qua trao đổi với một số DN cho thấy, trong khi tiêu thụ sản phẩm khó khăn thì việc huy động vốn từ nguồn vốn ngân hàng vẫn phải cân nhắc. Ông Hoàng Hữu Dũng, Trưởng phòng Kế toán, Chi nhánh Công ty cổ phần Đầu tư và Sản xuất công nghiệp, Nhà máy Tấm lợp Thái Nguyên cho biết: Mặt hàng chủ lực của Nhà máy là tấm lợp. Hiện, Nhà máy có 7 dây chuyền sản xuất. Hai năm trở lại đây, do tình hình tiêu thụ sản phẩm khó khăn hơn (chủ yếu tiêu thụ ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển thuộc các tỉnh từ Quảng Bình trở ra) nên chỉ còn 4 dây chuyền đang hoạt động với kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2012 và 2013, mỗi năm 12 triệu m2 tấm lợp. Để đảm bảo SXKD, nhu cầu vốn của Nhà máy cần khoảng 80 tỷ đồng, trong đó, vốn điều lệ Công ty cấp 11 tỷ đồng; vốn vay người lao động và người thân 15 tỷ đồng; còn lại là vốn “chiếm dụng” của bạn hàng bằng cách trao đổi hàng hóa giữa bên cung cấp nguyên liệu đầu vào và bên bán sản phẩm; hoặc có thể chậm trả trong thời gian ngắn (khoảng 2 tháng) là chủ yếu. Sở dĩ Nhà máy huy động nguồn vốn bên ngoài cao là do đơn vị trả cổ tức ngang với lãi suất tiền vay của ngân hàng nên đã thu hút người lao động tham gia (hiện tại Nhà máy đang trả cổ tức là 10,5%/năm). Ông Hoàng Hữu Dũng cũng cho biết thêm, Nhà máy được vay ngân hàng với hạn mức 3 tỷ đồng, nhưng chỉ khi nào hàng bán chậm phải lưu kho nhiều, hoặc hàng bán “chạy” nhà máy mới sử dụng hết hạn mức trên. Từ tháng 9-2012 đến nay, Nhà máy vẫn chưa cần đến nguồn vốn vay của ngân hàng do vòng quay vốn nhanh.
Đại diện Công ty cổ phần Sản xuất và Vận tải Sơn Bách cho biết: Lĩnh vực hoạt động của DN chủ yếu là kinh doanh vận tải hàng hoá đường bộ; san lấp mặt bằng và buôn bán vật tư sắt thép. Tuy nhiên, do sự cạnh tranh giữa các DN vận tải; hàng hoá tiêu thụ kém, giá cả sắt thép lại bấp bênh (kinh doanh 1 tấn thép chỉ cho lãi 10 nghìn đồng) nên Công ty phải giảm lao động; giảm đầu xe vận tải. Trong đầu tư, Công ty cũng phải cân nhắc kỹ. Công ty đang dự định đầu tư thêm một đầu máy xúc (khoảng 1,6 tỷ đồng), song ông Hoàng Thái Sơn, Giám đốc Công ty cho biết: Để có vốn hoạt động, trước đây Công ty cũng phải liên doanh, liên kết với một số doanh nghiệp. Nay, việc vay vốn ngân hàng thuận lợi hơn nên khi thiếu vốn Công ty lại vay vốn ngân hàng. Với mức độ hoạt động khó khăn như những năm qua nên hàng năm Công cũng chỉ sử dụng trong hạn mức khoảng 12 tỷ đồng/năm. Còn lại Công ty cũng thường xuyên bị khách hàng chiếm dụng vốn bằng cách trả chậm (chuyến hàng sau trả cho chuyến hàng trước). Ở vào thời điểm đang khó khăn này, chúng tôi cũng phải cân nhắc tính toán xem đầu tư có hiệu quả hay không mới dám vay ngân hàng để đầu tư máy móc.
Theo chị Phạm Thị Xuyến, Trưởng phòng Khách hàng Doanh nghiệp, Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam, Chi nhánh Thái Nguyên cho biết: Hiện tại, Ngân hàng có trên 200 DNV&N đang có quan hệ tín dụng với ngân hàng, các DNV&N thường sử dụng vốn ngân hàng bình quân trên 40% tổng nhu cầu (cao nhất là 70% và thấp nhất đến 30% tổng nhu cầu vốn). Như vậy, giải pháp của các DN vẫn là sử dụng vốn tự có và vốn huy động từ người lao động; vốn phi chính thức.
Tuy nhiên, tại một số diễn đàn, nhiều DN cho rằng: thiếu vốn vẫn là vấn đề “đau đầu” của các DN và việc vay vốn ngân hàng còn khó tiếp cận. Song, theo ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Chi nhánh Thái Nguyên cho biết: “Ngân hàng luôn đáp ứng vốn cho DN, song DN cần phải có phương án khả thi”. Để giải quyết bài toán về vốn, bên cạnh các DN không ngừng tăng cường vốn chủ sở hữu, đòi hỏi phải thu hút vốn bằng nhiều cách như: liên doanh, liên kết; có phương án khả thi để tiếp cận vốn từ ngân hàng; có chính sách thu hút động viên nguồn vốn từ người lao động và bên ngoài góp vốn; huy động từ nguồn vốn phi chính thức; cho thuê tài chính… Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có giải pháp hỗ trợ vốn DN bằng việc cho vay lãi suất thấp; cải tiến thủ tục đất đai để DN có điều kiện thế chấp vay vốn ngân hàng; thành lập Quỹ hỗ trợ DN trong những lúc khó khăn; hoặc thành lập một số hình thức bảo lãnh tín dụng ở địa phương để góp phần cải thiện nguồn vốn cho các DNV&N đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, duy trì, phát triển DN.