Trước khi gói tín dụng bất động sản 30.000 tỉ đồng được tung ra, một số dự án đã xin chuyển đổi từ nhà thương mại sang nhà ở xã hội hoặc đón đầu làn sóng phục hồi thị trường với nhà cho người thu nhập thấp.
Song người có nhu cầu nhà ở thực sự lo ngại, rất có thể thị trường sẽ tạo đợt sóng ảo khi nguồn cung nhà ở xã hội ồ ạt tung ra; trong khi, để tiếp cận nguồn vốn này còn phụ thuộc nhiều điều kiện.
Giải đáp lo ngại này, tại buổi đối thoại trực tuyến về gói tín dụng 30.000 tỉ đồng hỗ trợ nhà ở xã hội của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam khẳng định, nước ta có 90 triệu dân- tương đương khoảng 25 triệu hộ gia đình, 32% ở đô thị- tương đương khoảng 30 triệu người. Theo báo cáo, số lượng tồn kho khoảng 40- 50 nghìn căn/ tổng số 25 triệu hộ gia đình. Vậy đây có phải con số lớn hay không, thiết nghĩ bạn đọc có thể tự bình luận.
"Vấn đề “lớn” ở đây không nằm trong nhu cầu người dân, mà đây là dư thừa những căn hộ giá cao, có căn hộ lên tới 90 triệu đồng/m2- nằm ngoài khả năng thanh toán của người dân. Nhược điểm của thị trường bất động sản hiện nay là vừa thừa, vừa thiếu. Chúng ta thừa căn hộ cao cấp, nhưng thiếu nhiều loại hàng hóa phù hợp mức sống và khả năng thanh toán của người dân"- thứ trưởng nói.
Hiện nay, Hà Nội đang cần khoảng 100 nghìn căn hộ, chúng ta mới triển khai xây dựng được khoảng 10 nghìn căn nên hiện đang còn thiếu những căn hộ phù hợp nhu cầu và khả năng thanh toán của người dân.
Để giải quyết vấn đề này, chúng ta ban hành thông tư 02 cho phép chuyển dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, chuyển những dự án có cơ cấu căn hộ lớn sang căn hộ nhỏ, do vậy chúng ta không lo dư thừa, chính sách của chúng ta chỉ điều chỉnh lại cơ cấu sản phẩm cho phù hợp với quy luật cung-cầu, quy luật hàng hóa.
Nhu cầu của chúng ta còn rất lớn, hiện còn khoảng 1,7 triệu dân đô thị sống dưới 5m2/người; khoảng 2 triệu công nhân có khó khăn về nhà ở; chưa kể khoảng 10 triệu người sống dưới 10m2 đầu người. Vấn đề là cần có chính sách, quy mô hàng hóa phù hợp để phát triển bền vững.