Những năm qua, Trạm Khuyến nông huyện Phổ Yên luôn tích cực tổ chức thực hiện các đề tài, dự án ứng dụng khoa học công nghệ trên địa bàn trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, góp phần giúp bà con nông dân tiếp cận nhanh với các tiến bộ kỹ thuật mới để nâng cao thu nhập và hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.
Bắt đầu triển khai thực hiện từ năm 2009, đến nay, Dự án Xây dựng vườn chè giống đầu dòng quy mô hộ gia đình đã xây dựng được 2 ha trồng chè giống đầu dòng để cung cấp từ 6-8 triệu hom giống chè LDP1 và Phúc Vân Tiên cho sản xuất cây chè giống phục vụ chương trình trồng mới, thay thế giống chè trên địa bàn huyện Phổ Yên và các huyện khác trên địa bàn tỉnh. Dự án được thực hiện với quy mô 2ha với 21 hộ dân ở xã Phúc Thuận tham gia. Ông Nguyễn Thế Thông, ở xóm Đức Phú, xã Phúc Thuận, một trong những hộ tham gia Dự án với diện tích mô hình là 4.760m2 cho biết: Qua trồng và khai thác giống chè LDP1 tôi nhận thấy đây là loại chè có khả năng nhân giống vô tính cao, dễ giâm cành, tỷ lệ cây xuất vườn đạt 80-95%. Chè sinh trưởng và phát triển tốt, phù hợp với điều kiện canh tác của địa phương. Đặc biệt, chúng tôi có thể kết hợp vừa khai thác hom giống vừa thu hoạch búp, cho năng suất 110 tạ búp tươi/ha/năm.
Được biết, toàn huyện Phổ Yên hiện có trên 1.800ha chè, trong đó diện tích chè kinh doanh là 1.400ha. Trong đó, diện tích chè trung du của huyện vẫn còn chiếm 60% diện tích, năng suất chỉ đạt từ 70-80 tạ chè búp tươi/ha/năm. Từ năm 2001 đến nay, huyện đã trồng được khoảng trên 700ha chè giống mới cho năng suất bình quân đạt 100 tạ/ha/năm và giá bán cao hơn chè trung du từ 1,2-1,5 lần. Mặc dù vậy nhưng trên địa bàn huyện vẫn chưa có vườn chè giống đủ tiêu chuẩn để cung cấp nguồn hom giống cho các vườn ươm. Vì vậy, sau khi kết thúc, Dự án đã xây dựng được vườn chè giống đầu dòng để chủ động cung cấp nguồn hom giống đảm bảo chất lượng, giảm chi phí phục vụ cho công tác trồng mới, trồng lại chè cho nông dân.
Trên đây chỉ là một trong số hàng chục đề tài, dự án mà Trạm Khuyến nông huyện đã thực hiện trong 5 năm trở lại đây. Bà Nguyễn Thị Chín, Trạm Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Phổ Yên cho biết: Từ năm 2009 đến nay, chúng tôi đã phối hợp với các phòng chuyên môn và UBND các xã, thị trấn tổ chức các mô hình, dự án; trong đó có nhiều mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao, như: Dự án xây dựng vùng sản xuất giống lúa nguyên chủng với quy mô 2ha tại 2 xã Hồng Tiến và Minh Đức; mô hình trồng Thanh long ruột đỏ tại xã Phúc Thuận với quy mô 3 ha; trình diễn giống lúa mới quy mô 2 ha tại xã Nam Tiến, Tiên Phong; chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị bằng cây đậu tương quy mô 27 ha tại xã Tân Phú, Tân Hương; Dự án Nhân rộng mô hình nuôi cá Rô phi đơn tính ở các xã Tiên Phong, Hồng Tiến, Tân Hương với quy mô 2 ha; Dự án xây dựng mô hình nuôi dê tại 2 xã Phúc Tân và Phúc Thuận; mô hình chăn nuôi lợn rừng lai Thái Lan quy mô hộ gia đình; mô hình chăn nuôi gà hướng thịt quy mô gia trại... Thông qua việc thực hiện các mô hình, dự án đã giúp cho các hộ nông dân lựa chọn các loại giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện canh tác của địa phương.
Ngoài ra, Trạm còn tích cực phối hợp với các ban, ngành và chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tăng cường đưa các loại giống lúa lai như: Syn 6,GS 9, Bio 404, VL24, TH 3-3, Nhị ưu 838 cho năng suất cao vào gieo trồng chiếm khoảng 15% diện tích. Cùng đó, chỉ đạo các hộ tăng diện tích lúa xuân sớm để trồng màu vụ đông, thực hiện phương pháp sản xuất gieo sạ cải tiến, giảm lượng giống trên diện tích, giảm chi phí vật tư và tăng giá trị sản xuất. Kết quả, đã đưa năng suất lúa của toàn huyện tăng từ 45 tạ/ha (năm 2008) lên 52,8 tạ/ha (năm 2012), góp phần đưa giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đất canh tác tăng từ 47 triệu đồng/ha (năm 2008) lên 81 triệu đồng/ha hiện nay.
Cùng với đó, Trạm khuyến nông huyện còn đổi mới công tác tập huấn, hội thảo chuyển giao ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất theo hướng gần cơ sở, phối hợp chặt chẽ với các công ty sản xuất và cung ứng giống cùng tổ chức thực hiện. Phương pháp tập huấn kết hợp giữa việc học tập, trao đổi toạ đàm và thực tế sản xuất, phù hợp với khả năng tiếp thu và ứng dụng của người dân. Năm 2012, Trạm đã mở được 215 lớp tập huấn cho 13.750 lượt người về kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho các giống lúa mới và cây trồng vụ đông, chăn nuôi, thủy sản…; phối hợp với phòng Lao động - Thương binh xã hội tổ chức được 12 lớp đào tạo sơ cấp nghề nông nghiệp cho 339 lao động nông thôn với các nghề chủ yếu là: sản xuất rau an toàn; trồng, chăm sóc thu hoạch chè; chăn nuôi theo hướng công nghiệp; trồng hoa...
Chị Nguyễn Thị Hải, ở xóm Thanh Hoa, xã Trung Thành cho biết: Tham gia lớp trồng hoa trong vòng 3 tháng, được cán bộ khuyến nông hướng dẫn tận tình, đến nay, tôi đã biết cách trồng và chăm sóc 2 sào hoa các loại, cho thu nhập 40 triệu đồng/vụ, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Tôi thấy lực lượng cán bộ Trạm Khuyến nông luôn cùng chúng tôi bám sát đồng ruộng, hỗ trợ nông dân trong việc lựa chọn các loại cây, con giống phù hợp với đồng đất địa phương và hướng dẫn bà con chủ động phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả.
Có thế thấy, hoạt động hiệu quả của đội ngũ cán bộ khuyến nông huyện đã đem lại lợi ích thiết thực cho người nông dân, góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú trong cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Với những kết quả đã đạt được, Trạm Khuyến nông huyện Phổ Yên đã nhận được nhiều Giấy khen, Bằng khen của các cấp, các ngành. Năm 2011, Trạm đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về thành tích trong công tác từ năm 2008-2010; được UBND tỉnh tặng Cờ thi đua cho đơn vị đạt danh hiệu Đơn vị thi đua xuất sắc”; năm 2012, Chi bộ đạt tiêu chuẩn “Trong sạch vững mạnh tiêu biểu” 5 năm (2007-2011). Đặc biệt, với những thành tích đã đạt được trong giai đoạn 2008-2012, Trạm đã được Hội đồng thi đua khen thưởng tỉnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng Huân chương Lao động hạng Ba.