Nét mới ở vùng chè đặc sản Tân Cương

08:57, 08/06/2013

Vùng chè đặc sản Tân Cương, T.P Thái Nguyên đã nức tiếng gần xa bởi chất lượng sản phẩm chè ít nơi sánh kịp. Cũng vì danh tiếng mà vùng đất này ngày càng đón nhiều du khách trong và ngoài nước, mở ra cơ hội cho người làm chè phát triển một nghề vốn còn khá mới mẻ đối với họ – du lịch cộng đồng (DLCĐ).

- Vùng chè đặc sản Tân Cương cách trung tâm T.P Thái Nguyên từ 5 đến 10km về phía Tây, tập trung chủ yếu ở 3 xã Tân Cương, Phúc Xuân, Phúc Trìu, với diện tích chè trên 1.300ha.

- Hạ tầng giao thông của vùng khá tốt, với các tuyến huyết mạch là đường Tố Hữu và đường Tân Cương, hầu hết các đường liên xóm, xã là đường nhựa và bê tông.

- Nơi đây không những nổi tiếng vì có sản phẩm chè ngon mà còn có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, có núi, sông và rất gần khu du lịch hồ Núi Cốc. Năm 2012, ước tính có khoảng 10.000 lượt du khách đến tham quan vùng chè đặc sản Tân Cương.

 

 


 Từ đường tỉnh 267 (từ Đán đến đập chính hồ Núi Cốc), chúng tôi rẽ vào con đường bê tông uốn lượn qua những nương chè xanh mướt, đi khoảng 500 mét thì đến nhà anh Bùi Trọng Đại, xóm Hồng Thái 2, xã Tân Cương. Trước mắt chúng tôi là ngôi biệt thự ở biệt lập, với khuôn viên rộng rãi, có vườn cây, ao cá và được bao bọc bởi những vạt chè xanh. Tạm dừng tay khi đang chế biến những mẻ chè tôm đặc sản, anh Đại pha trà mời khách, rồi như muốn giải tỏa sự ngỡ ngàng của chúng tôi về một ngôi biệt thự hoành tráng giữa chốn thôn quê, anh hồ hởi: Ngôi nhà này gia đình tôi làm xong năm 2011, chi phí trên 2 tỷ đồng từ nguồn thu chủ yếu do làm chè, tới đây làm du lịch cộng đồng, chắc chắn thu nhập của gia đình tôi còn được nâng lên…

 

Tưởng rằng DLCĐ còn quá mới mẻ và xa lạ với những người nông dân như anh Bùi Trọng Đại, nhưng chúng tôi thực sự bất ngờ bởi họ đã hiểu biết khá tường tận về xu hướng, tiềm năng và lợi ích có thể thu được khi làm loại hình dịch vụ này. Anh Lê Quang Nghìn cũng ở xóm Hồng Thái 2, nói: Khách du lịch, nhất là khách nước ngoài rất thích du lịch khám phá, dã ngoại tại những vùng nông thôn, miền núi. Họ muốn được trải nghiệm, trực tiếp chứng kiến hoặc được thử làm những công việc của nhà nông, hay thưởng thức những món ăn dân dã. Những thứ chúng tôi đang có, đang làm hàng ngày có thể trở thành sản phẩm du lịch đem lại lợi nhuận… Anh Nghìn cho biết, những thông tin này anh có được qua việc tham dự các buổi tập huấn về DLCĐ đầu năm nay. Ngoài những kiến thức khái quát về DLCĐ, người tham gia còn được tập huấn về kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh, đón khách du lịch, cách bài trí nhà cửa, kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm và cả kỹ năng marketing du lịch… anh Đại, anh Nghìn là 2 trong số nhiều gia đình ở Tân Cương tham gia Mô hình điểm về Làng văn hoá du lịch cộng đồng.

 

Theo anh Nguyễn Tùng Lâm, Phó phòng Văn hóa - Thông tin T.P Thái Nguyên thì Mô hình điểm về làng văn hóa DLCĐ tại vùng chè đặc sản Tân Cương được xây dựng bởi sự tài trợ của Cơ quan Hỗ trợ Phát triển Quốc tế CIDA, thông qua Liên đoàn Đô thị Canada (FCM). Mục đích là nhằm khai thác tiềm năng du lịch của địa phương, góp phần tăng thu nhập cho các hộ dân trên cơ sở bảo tồn, phục hồi các giá trị truyền thống, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch và tạo ra các điểm đến mới cho du khách khi đến du lịch T.P Thái Nguyên. Mô hình được triển khai từ cuối năm 2012 (giai đoạn 1 đến hết năm 2013) tại 4 xã thuộc Vùng chè đặc sản Tân Cương, trọng tâm là tại các xóm: Hồng Thái 2, xã Tân Cương; Khuôn 1 và Khuôn 2, xã Phúc Trìu và xóm Gò Móc, xã Quyết Thắng. Đây là những nơi có diện tích chè tập trung, trình độ trồng, chế biến sản phẩm chè của người dân cao, có lợi thế về cảnh quan thiên nhiên và có cơ sở hạ tầng khá tốt. Mô hình thành công sẽ được nhân rộng trên địa bàn.

 

Những người dân tham gia mô hình mà chúng tôi có dịp tiếp xúc đều cho rằng, ngoài lợi ích trực tiếp từ cung cấp dịch vụ lưu trú, ẩm thực và hướng dẫn khách tham quan thì họ sẽ có thêm nhiều khách hàng tiêu thụ sản phẩm chè. Vì vậy, phần lớn những hộ nhiệt tình tham gia Mô hình đều đã có tiếng làm chè ngon, chè sạch, hơn ai hết, họ hiểu giá trị của chất lượng sản phẩm chè khi đã được khách hàng dùng thử và tín nhiệm. Hoặc có những người như bà Phạm Thị Yên (mẹ anh Bùi Trọng Đại) muốn đón thật nhiều khách để khuây khỏa tuổi già, để được trổ tài cho họ xem những kinh nghiệm chế biến chè theo phương pháp truyền thống đã được bà đúc kết qua vài chục năm. Đối với họ thì làm DLCĐ không phải đầu tư nhiều vì đều tận dụng những thứ đang có, dễ dàng, gần gũi với cuộc sống.

 

Đến nay đã có 5 lớp tập huấn được tổ chức, về những nội dung và kỹ năng DLCĐ với sự tham gia của hàng trăm lượt người, 25 người được đi tham quan thực tế, học tập kinh nghiệm tại các làng DLCĐ ở huyện Sa Pa (Lào Cai). Thời gian tới sẽ có thêm nhiều lớp tập huấn được tổ chức, cùng với việc thành lập các câu lạc bộ giao tiếp tiếng Anh, văn hóa trà và văn nghệ để phục vụ nếu du khách có nhu cầu. Những hộ gia đình đủ điều kiện (cảnh quan sạch đẹp, nhà cửa rộng rãi, chủ nhân có kiến thức, thời gian và lòng nhiệt tình…) sẽ được cấp giấy chứng nhận được phép đón tiếp khách lưu trú tại gia (hiện có gần 10 hộ đang tích cực và có khả năng hoàn thiện các tiêu chí đón tiếp khách lưu trú). Cũng theo anh Nguyễn Tùng Lâm thì về cơ bản việc triển khai Mô hình đang gặp nhiều thuận lợi, có tính khả thi cao bởi người dân rất hào hứng, tích cực và thể hiện tinh thần cầu thị.

 

Theo kế hoạch thì Mô hình thí điểm làng văn hóa DLCĐ tại vùng chè đặc sản Tân Cương sẽ hoàn thành vào tháng 10 năm nay, ngay trước khi khai mạc Festival Trà Thái Nguyên – Việt Nam lần thứ 2. Đây sẽ là một điểm nhấn đáng chú ý, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Thời điểm này, ngoài các cơ quan liên quan thì những hộ dân tham gia Mô hình đang tích cực chỉnh trang nhà cửa, vườn chè, trau dồi kỹ năng, kiến thức cần thiết để sẵn sàng làm vừa lòng du khách gần xa, để lưu lại trong họ ấn tượng sâu đậm về một vùng Tân Cương, có chè ngon và lòng người mến khách…