“Sáng kiến nảy sinh khi thực sự tâm huyết với nghề”

16:11, 07/06/2013

Là công nhân sửa chữa rất yêu nghề, đam mê công việc nên trong quá trình công tác, anh Phùng Văn Việt, Tổ trưởng Tổ sửa chữa cơ, Phân xưởng Hóa, Nhà máy Cốc hóa, Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên đã có rất nhiều sáng kiến, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất của Công ty. Từ năm 2009 đến nay, anh đã có 10 sáng kiến được áp dụng vào thực tế, mang lại giá trị làm lợi trên 200 triệu đồng.

Chúng tôi gặp anh Việt tại Phân xưởng khi anh cùng các thành viên trong Tổ đang miệt mài bảo dưỡng, sửa chữa các bộ phận, động cơ của dây chuyền công nghệ sản xuất cốc luyện kim. Những lời chỉ dẫn tận tình của anh với các anh em trong Tổ cho tôi những cảm nhận đầu tiên về một người nhiệt tình, trách nhiệm với công việc.

 

Tâm sự với chúng tôi, anh Việt cho biết: Sau khi học xong 3 năm tại Trường Công nhân Kỹ thuật Việt Đức, năm 1982, tôi được nhận về làm kỹ thuật viên tại Phân xưởng Cơ điện của Nhà máy Cốc hóa, sau một thời gian tôi lại được điều chuyển lên Tổ sửa chữa, Phân xưởng Hóa. Công việc ban đầu với nhiều khó khăn, bỡ ngỡ, vừa làm tôi  vừa học hỏi các anh chị đồng nghiệp và tìm hiểu thêm trên sách vở, tài liệu về dây chuyền công nghệ sản xuất của Nhà máy, nhờ đó, khi hệ thống dây chuyền sản xuất bị lỗi anh nhanh chóng tìm ra bộ phận bị hỏng và có phương pháp để sửa chữa kịp thời. Cũng bắt nguồn từ niềm đam mê với công việc, hiểu rõ về công nghệ sản xuất nên tôi đã có rất nhiều sáng kiến về lĩnh vực mình làm. Từ năm 2009 đến nay, tôi đã có 10 sáng kiến sáng tạo được áp dụng vào thực tế, mang lại giá trị làm lợi cho Công ty trên 200 triệu đồng.

 

 

Một trong những sáng kiến tiêu biểu đó là "Gia công cánh ống sấy máy than cám cốc". Thời điểm đó là năm 2010, sau khi tìm hiểu về sản phẩm than cám thu hồi sau sản xuất cốc dùng làm nguyên liệu để luyện thép, nhận thấy nếu than cám được sấy khô ngay sau cốc thì có thể nâng cao chất lượng của thép nên anh đã xin ý kiến cấp trên để thực hiện ý tưởng chế tạo thêm cánh ống sấy máy than cám cốc. Sáng kiến được áp dụng thực tế, máy sấy có thêm cánh quạt đã giúp than cám được sấy khô đều, nhờ đó, nâng cao giá trị của sản phẩm than cám, mang lại giá trị làm lợi trên 20 triệu đồng. Tiếp đó, do yêu cầu của công việc khi sửa chữa hành lang băng tải than số 6, anh đã nghiên cứu và thực hiện sáng kiến "Sử dụng Pa lăng xích làm sàn di chuyển để sửa chữa băng tải". Trước đây, mỗi lần sửa chữa, Nhà máy phải bỏ ra gần chục triệu đồng để thuê cần cẩu thì nay sáng kiến của anh đã giúp tiết kiệm được khoản chi phí đó. Ngoài ra, còn phải kể đến các sáng kiến như: "Xử lý cánh bơm chân không bị gẫy bằng phương pháp cấy vít và hàn điện". Nhờ có sáng kiến của anh, Nhà máy đã tiết kiệm hơn 10 triệu đồng do không phải mua cánh bơm mới để thay thế cánh bơm cũ… Nói về những sáng kiến của mình, anh Việt khiêm tốn: “Làm nhiều, kết hợp với tìm hiểu về dây chuyền công nghệ sản xuất rồi nghĩ ra ý tưởng, chứ không có bí quyết nào. Hơn nữa, ý tưởng được áp dụng vào thực tế là nhờ công sức của các anh em trong Tổ và được sự tạo điều kiện của các cấp lãnh đạo trong Công ty, một mình tôi thì không thể hoàn thành được”.

 

Đưa chúng tôi đi thăm các thiết bị đang được sửa chữa, bảo dưỡng tại Tổ, anh Việt chia sẻ: “Công việc nào ban đầu cũng có nhiều khó khăn, bỡ ngỡ, nhưng chỉ cần cố gắng, làm việc hết khả năng và trách nhiệm của mình, kết hợp với yêu nghề thì sẽ hoàn thành nó dễ dàng và sáng kiến sẽ nảy sinh khi thực sự tâm huyết với nghề”.

 

Trong vai trò là Tổ trưởng Tổ Sửa chữa cơ, anh Việt luôn đôn đốc, động viên, giúp đỡ anh em hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Hằng tháng, anh tổ chức họp Tổ để đánh giá, kiểm tra công việc tháng trước và triển khai, phân công nhiệm vụ cho từng cá nhân, từng nhóm. Nhờ đó, các công việc do Tổ thực hiện đều đạt hiệu quả cao. Anh Trịnh Tiến Bình, làm việc tại Tổ cho biết: “Anh Việt là người Tổ trưởng gương mẫu, một người anh mẫu mực, luôn hết lòng vì công việc và sống chan hòa với anh em. Anh luôn tạo điều kiện để chúng tôi vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ ở Tổ, vừa có thể thu xếp ổn thỏa công việc ở gia đình, đặc biệt là khi ai đó đau ốm hay gia đình có việc riêng…”

 

Với những nỗ lực của bản thân, anh Việt đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, ngành như: Năm 2001, anh được công nhận là công nhân bậc 7/7. Từ năm 2002 đến nay, anh liên tục đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp Công ty, Bộ Công thương; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao tặng Bằng Lao động sáng tạo các năm 2008, 2010, 2012; năm 2012, anh được Tổng Công ty Thép Việt Nam tặng Bằng khen có nhiều sáng kiến trong lao động sản xuất. Mới đây, anh vinh dự là 1 trong 139 đại biểu tiêu biểu của cả nước được nhận Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần thứ 2, năm 2013 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao tặng.