Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam vừa gửi đến Quốc hội (QH) báo cáo kết quả thực hiện lời hứa khi trả lời chất vấn của Quốc hội tại kỳ họp trước về xử lý nợ xấu, sắp xếp các tổ chức tín dụng ngân hàng..
Cụ thể, về yêu cầu điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt, từng bước hạ lãi suất, tăng trưởng tín dụng hợp lý, ưu tiên vốn cho sản xuất, kinh doanh, Thống đốc cho biết, tính đến cuối tháng 5/2013, tổng phương tiện thanh toán tăng 5,46% so với cuối năm 2012; dư nợ tín dụng tăng 2,98% so với cuối năm 2012 (trong năm 2012, phải đến cuối quý 2, tín dụng mới tăng trưởng dương so với cuối năm 2011). Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay giảm 2-4%/năm so với đầu năm 2013. Lãi suất của các khoản cho vay mới đã giảm mạnh về mức lãi suất của giai đoạn 2005-2006 và thấp hơn năm 2007 là điều kiện tốt để các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tăng khả năng tiếp cận vốn ngân hàng. Lãi suất của các khoản cho vay cũ cũng giảm mạnh và thời gian tới sẽ tiếp tục giảm do từ đầu tháng 5/2013, bốn ngân hàng thương mại Nhà nước đã cam kết giảm lãi suất của các khoản vay cũ về mức tối đa 13%/năm. Lãi suất cho vay giảm mạnh trong khi tín dụng chưa tăng cao cho thấy lãi suất không còn là nhân tố ảnh hưởng tới lưu thông dòng vốn tín dụng và chu chuyển vốn trong nền kinh tế.
Thống đốc cho rằng, nguyên nhân khiến tăng trưởng tín dụng vẫn còn thấp so với mục tiêu 12% đề ra từ đầu năm 2013 chủ yếu là do hàng tồn kho lớn, sức mua yếu, tổng cầu giảm mạnh, nợ xấu cao, thị trường bất động sản tiếp tục đóng băng, tình hình tài chính của doanh nghiệp rất khó khăn và không lành mạnh. Một số doanh nghiệp còn điều kiện hoạt động thì cũng cầm chừng không dám vay vốn ngân hàng để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh mặc dù lãi suất đã phù hợp làm cho sức hấp thụ vốn tín dụng giảm sút; một số doanh nghiệp, thực tế đã ngừng hoạt động, không còn điều kiện khắc phục, nhu cầu vay vốn ngân hàng cũng chỉ nhằm kéo dài quá trình phá sản; một số doanh nghiệp khác mặc dù có đưa ra phương án vay vốn ngân hàng nhưng tình hình tài chính thiếu lành mạnh, tính khả thi của đề án không đảm bảo, rủi ro cao. Trong khi đó, nợ xấu cao cũng làm cho các tổ chức tín dụng (TCTD) thận trọng hơn trong việc ra quyết định cho vay, kiên quyết không hạ chuẩn tín dụng, tránh làm gia tăng nợ xấu.
“Mặc dù tín dụng 5 tháng đầu năm 2013 tăng ở mức thấp nhưng có những tín hiệu để đảm bảo cả năm tăng trưởng tín dụng đạt mức 12% theo kế hoạch do tín dụng thường tăng mạnh vào 6 tháng cuối năm (6 tháng cuối năm 2012, tín dụng tăng gần 9%)”, Thống đốc khẳng định.
Về xử lý nợ xấu, đến cuối tháng 4/2013, tổng số dư nợ xấu toàn hệ thống là 137,1 nghìn tỷ đồng, tăng 18,7 nghìn tỷ đồng (15,8%) so với cuối năm 2012, tốc độ tăng bình quân 3,94%/tháng (giảm đáng kể so với tốc độ tăng 9%/tháng của cùng kỳ năm 2012). Mặc dù tốc độ tăng của nợ xấu đã được kiềm chế, song tỷ lệ nợ xấu trong tổng dư nợ tín dụng liên tục tăng lên do dư nợ tín dụng tăng trưởng chậm. Theo đó, đến cuối tháng 4/2013, tỷ lệ nợ xấu trong tổng dư nợ tín dụng là 4,67%, tăng so với mức 4,08% của cuối năm 2012 và 3,07% cuối năm 2011. Theo số liệu giám sát của NHNN, tỷ lệ nợ xấu đến thời điểm ngày 31/12/2012 là 7,8%, giảm so với mức gần 9% tại thời điểm 30/9/2012.
Về cơ cấu lại hệ thống ngân hàng, đến nay NHNN về cơ bản kiểm soát được tình hình của 9 Ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém cần xử lý thông qua các biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật. Khả năng chi trả của các ngân hàng yếu kém được cải thiện đáng kể và quyền lợi của người gửi tiền được bảo đảm, nguy cơ mất an toàn từng bước được giảm bớt. Sau khi hợp nhất từ 3 ngân hàng yếu kém, Ngân hàng Sài Gòn (SCB) đã đạt được những bước tiến triển tích cực như thanh khoản được cải thiện đáng kể, giá trị tài sản đảm bảo được củng cố, xử lý nợ và huy động vốn từ nền kinh tế được đẩy mạnh. 6 Ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém còn lại đã được Thủ tướng phê duyệt chủ trương Phương án tái cơ cấu, trong đó ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong và Nhà Hà Nội đã được Thống đốc NHNN phê duyệt Phương án tái cơ cấu và đang tích cực triển khai dưới sự giám sát chặt chẽ của các đơn vị chức năng thuộc NHNN. 4 ngân hàng thương mại còn lại đang tích cực hoàn thiện Phương án cơ cấu lại và tiến hành các thủ tục tiếp theo trước khi trình Thống đốc NHNN phê duyệt chính thức để triển khai thực hiện.
Thống đốc cũng khẳng định, từ năm 2012 đến nay, NHNN không cấp phép thành lập mới ngân hàng thương mại, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Việc mở chi nhánh của các ngân hàng chủ yếu phục vụ cho mục đích phát triển.