Xây dựng các điểm giết mổ gia súc, gia cầm tập trung

09:35, 01/06/2013

Hiện nay, tỉnh ta chưa có các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, chỉ có những lò giết mổ gia súc, gia cầm quy mô nhỏ, lẻ, công tác vệ sinh chưa đảm bảo, chất thải thưởng xả trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ lây bệnh nguy hiểm cho người, vật nuôi.

Theo số liệu Chi cục Thu y cung cấp, tỉnh ta hiện có 1.958 hộ giết mổ gia súc, gia cầm, trong đó có 78 hộ giết, mổ trâu, bò; 1.650 hộ giết, mổ lợn; 203 hộ giết mổ gia cầm... Các điểm giết mổ này đều hình thành tự phát, thực hiện giết mổ thủ công, không đạt yêu cầu về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. Chưa kể vẫn còn tình trạng giết mổ gia cầm tại chợ, phổ biến ở các chợ nội thành, nội thị như chợ Thái, chợ Đồng Quang, Túc Duyên (T.P Thái Nguyên)… gây ô nhiễm môi trường, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, dễ lây lan mầm bệnh khi có dịch bệnh gia súc, gia cầm xảy ra. Ông Lê Đắc Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Thú y cho biết: Do chưa có các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung nên tỉnh ta chưa có cơ sở chế biến công nghiệp, tạo ra các sản phẩm từ thịt đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phục vụ thị trường trong, ngoài tỉnh, nhằm tạo đầu ra ổn định cho chăn nuôi. Lực lượng chức năng cũng chưa thực hiện được việc kiểm dịch, kiếm soát giết mổ tại lò mổ theo quy định của pháp luật về thú y. Hiện tại, ở 417 chợ và các điểm kinh doanh thịt tươi sống trên địa bàn mới chỉ thực hiện kiểm tra vệ sinh thú y trên sản phẩm đã qua giết mổ. Do vậy, hiệu quả công tác phòng dịch, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong giết mổ không cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

 

 

Trước thực trạng trên, mới đây, ngành Nông nghiệp đã xây dựng Đề án Xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn giai đoạn 2013-2020. Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho hay: Mục tiêu của Đề án là quy hoạch được hệ thống cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn; xác định được địa điểm, số lượng, quy mô diện tích, công suất cũng như công nghệ giết mổ phù hợp với từng huyện, thành phố, thị xã để làm cơ sở cho đầu tư xây dựng trước mắt và lâu dài. Thực hiện Đề án này, toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2020, xây dựng ít nhất 11 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung công nghiệp và bán công nghiệp; mỗi xã trên địa bàn có ít nhất một điểm giết mổ gia súc, gia cầm tập trung gần khu trung tâm chợ xã; 100% gia súc, gia cầm giết mổ trong cơ sở giết mổ được kiểm soát theo quy định. Riêng giai đoạn 2013-2015, tỉnh ta phấn đấu có ít nhất 5 cơ sở giết mổ tập trung tại T.P Thái Nguyên, T.X Sông Công và 2 huyện (Phổ Yên, Phú Bình)…

 

Để thực hiện Đề án hiệu quả, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân; chủ nuôi, kinh doanh, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm; người tiêu dùng trong việc thực hiện nghiêm chỉnh quy định các Luật: Thú y, An toàn thực phẩm, Bảo vệ môi trường…, ngành Nông nghiệp cũng đã đề xuất với tỉnh cho thực hiện nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Cụ thể là áp dụng mức giá thấp nhất trong khung giá cho thuê đất theo quy định hiện hành của pháp luật; miễn tiền thuê đất trong 15 năm đầu tiên; hỗ trợ 100% kinh phí giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng đến chân hàng rào của cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; hỗ trợ về tín dụng, trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ 50%/năm lãi suất vay tại thời điểm ban đầu ở các Ngân hàng Thương mại; hỗ trợ đầu tư hệ thống xử lý chất thải, thuế thu nhập doanh nghiệp... Dự kiến, tổng mức đầu tư cho các cơ sở giết mổ gia súc gia cầm giai đoạn 2013-2020 khoảng 151 tỷ đồng, trong đó gần 80% là vốn đầu tư của các doanh nghiệp.

 

Có cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung là mong muốn của rất nhiều chủ trang trại chăn nuôi trong tỉnh. Anh Trịnh Văn Thi, xóm La Chưỡng, xã Tân Quang (T.X Sông Công) - chủ trang trại gà đầu tiên của tỉnh áp dụng quy trình VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) trong chăn nuôi nói: Có các điểm giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đồng nghĩa với việc sản phẩm của chúng tôi sẽ được đưa đến thị trường dùng theo quy trình khép kín, qua đó, tạo được niềm tin với người tiêu dùng, giúp sản phẩm chăn nuôi an toàn có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

 

Cùng với mong muốn của người chăn nuôi thì nhu cầu tiêu dùng thịt gia súc, gia cầm cũng đang ngày càng tăng lên. Dự kiến, đến năm 2015, chỉ riêng phục vụ tiêu dùng trong tỉnh, tổng nhu cầu thịt gia súc, gia cầm tươi sống trên địa bàn vào khoảng 13,2 tấn/ngày; bình quân nhu cầu giết mổ trâu, bò khoảng 105 con/ngày, giết mổ lợn trên 750 con/ ngày và gia cầm là hơn 7.300 con/ngày. Để đảm bảo yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm soát dịch bệnh thú y cũng như tạo đầu ra ổn định cho người chăn nuôi, việc sớm triển khai Đề án trên là hết sức cần thiết, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh gia súc, gia cầm ngày càng diễn biến phức tạp, khó kiểm soát như hiện nay.