Bước phát triển ở xã cửa ngõ

09:23, 13/07/2013

Từ năm 2005 đến nay, xã Thuận Thành (Phổ Yên) đã giải phóng 190ha đất nông nghiệp cho các dự án công nghiệp. Vì vậy, để ổn định cuộc sống người dân, cùng với quan tâm phát triển lĩnh vực nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực, xã còn khuyến khích người dân phát triển đa dạng các loại ngành nghề, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập.

Trên cánh đồng xóm Triều Lai 2, bà con nông dân đang khẩn trương thu hoạch khoai lang để gieo cấy lúa mùa. Trò chuyện với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Lương, một hộ dân trong xóm nói: Được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, tôi cũng như các hộ dân trong xóm đã biết đưa những giống cây trồng cho năng suất cao vào sản xuất. Cụ thể, từ năm 2009 trở lại đây, vào vụ xuân, nhà tôi thường trồng 3 sào khoai lang Hoàng Long. Trồng khoai không mất nhiều công chăm sóc, lại dễ tiêu thụ. Lứa vừa rồi nhà tôi thu hoạch được 15tạ, bán với giá 6 nghìn đồng/kg, cao gấp 2 lần so với trồng lúa. Thu hoạch xong, chúng tôi lại bắt tay ngay vào cấy lúa mùa với các giống lúa lai chủ đạo như: Syn6, GS9, Nam ưu 603...

 

 

Đi thực tế cùng chúng tôi, anh Nguyễn Văn Khải, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thuận Thành cho biết: Nhằm hướng dẫn nông dân chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, mùa vụ và tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mỗi năm, xã tổ chức trên dưới 10 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật, phổ biến kiến thức và kinh nghiệm sản xuất cho hơn 500 lượt người tham gia. Ngoài ra, xã còn phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức mở các lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho bà con như: trồng hoa, chăn nuôi thú y, may công nghiệp... Từ năm 2010 đến nay, xã vận động người dân tích cực đưa các giống lúa lai, ngô lai vào sản xuất, chuyển đổi vùng đất pha cát cấy lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây màu như: Khoai lang, lạc, đậu tương, rau các loại, góp phần nâng cao thu nhập. Hiện nay, diện tích lúa của xã là trên 150ha, trong đó lúa lai chiếm khoảng 20%. Các khâu trong sản xuất nông nghiệp như: Làm đất, thu hoạch đã được cơ giới hóa khoảng 85% diện tích. Năm 2013, năng suất lúa của xã đạt 54,2 tạ/ha, cao hơn năm 2010 là 4tạ/ha, giá trị thu nhập trên 1 đơn vị diện tích đất canh tác đạt gần 80 triệu đồng/ha.

 

Bên cạnh đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, xã còn khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hộ cá thể phát triển lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Đồng chí Đồng chí Lê Quốc Hưng, Phó Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Là địa phương cửa ngõ của tỉnh, giáp ranh với Thủ đô Hà Nội, có tuyến Quốc lộ 3 chạy qua... là những lợi thế để Thuận Thành thu hút đầu tư, phát triển lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Vì vậy, cùng với việc tuyên truyền, vận động người dân giải phóng mặt bằng cho các dự án, xã còn tạo điều kiện về thủ tục hành chính cho việc thành lập các doanh nghiệp tư nhân; làm tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự, tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp yên tâm sản xuất. Nhằm giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, chính quyền địa phương đã tạo mọi điều kiện cho các cơ sở sản xuất vay vốn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh; phối hợp với các doanh nghiệp thông tin công khai về yêu cầu tuyển dụng, điều kiện làm việc, chế độ đãi ngộ... tại UBND xã để người lao động nắm rõ và chủ động tham gia bồi dưỡng nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng ưu tiên tuyển dụng con em là người dân địa phương bị thu hồi đất. Từ năm 2008 đến nay, trung bình mỗi năm, xã đã phối hợp giải quyết việc làm cho 300 lao động làm việc ở trong và ngoài tỉnh. Đến nay, trên địa bàn xã có trên 30 doanh nghiệp lớn nhỏ đang hoạt động, tạo công ăn việc làm cho khoảng 1.000 lao động, trong đó có trên 500 lao động địa phương với mức thu nhập trung bình từ 2,5-4 triệu đồng/người/tháng. Các doanh nghiệp chủ yếu hoạt động ở các lĩnh vực như: kinh doanh bến bãi, vận chuyển, bốc xếp hàng hóa, sản xuất gạch lát nền, sữa, phát triển thương mại, dịch vụ, chế biến lâm sản... Có thể kể tên một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có hiệu quả như: Công ty cổ phần sữa Elovi, Công ty cổ phần Prime, Công ty TNHH Tân Thắng, Công ty TNHH Thành Phát... Hoạt động của các doanh nghiệp đã góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp, nông thôn. Anh Vương Văn Thế, Giám đốc doanh nghiệp Mùa Xuân cho biết: Năm 2006, được vay từ Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện 300 triệu đồng, tôi đã đầu tư xây dựng 1 bến bãi với diện tích hơn 4 nghìn m2 làm cảng bốc xếp, vận chuyển các loại hàng hóa, vật liệu xây dựng. Công việc làm ăn thuận lợi, hiện nay, chúng tôi đang tạo việc làm ổn định cho 50 lao động địa phương với mức thu nhập trung bình 4 triệu đồng/người/tháng, mỗi năm đóng góp ngân sách Nhà nước gần 200 triệu đồng. Ngoài các doanh nghiệp đang sản xuất, hiện nay, xã Thuận Thành còn có các dự án đang tiến hành đầu tư vào địa bàn như: Nhà máy sản xuất rượu, nước giải khát Avinaa, cụm cảng công nghiệp số 2, số 3 Đa Phúc, dự án khu công nghiệp Nam Phổ Yên...

 

Với sự năng động, nhạy bén trong phát triển kinh tế, đến nay, đời sống người dân Thuận Thành đã được cải thiện đáng kể. Số hộ nghèo của xã giảm từ 440 hộ (năm 2005) xuốn còn 72/1.338 hộ (tương đương 5,3%) hiện nay; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 10 triệu đồng/người/năm (2005) lên 40 triệu đồng/người/năm hiện nay. Đời sống của người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao. Với những thành tích đã đạt được trong giai đoạn 2008-2012, nhân dân và cán bộ xã Thuận Thành đã Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba, cùng nhiều Bằng khen, Giấy khen của các cấp, các ngành.