Cuối năm 2009, công trình thủy lợi hồ Đồng Tâm thuộc xóm Cây Tâm, xã Phúc Lương (Đại Từ) được đầu tư và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, cho đến nay, hệ thống mương dẫn nước của công trình này vẫn còn dở dang, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống gây bức xúc cho người dân trong xóm.
Hệ thống mương sau hồ Đồng Tâm dài 1.985m, bắt đầu từ hồ Đồng Tâm, chạy dọc theo những cánh đồng địa thế cao của xóm Cây Tâm, bắc ngang qua suối Làng Bục (cao hơn suối và diện tích lúa bên dưới khoảng 2m) và kết thúc ở đồi chè của gia đình ông Dương Mạnh Hùng. Theo thiết kế, hệ thống thủy lợi hồ Đồng Tâm có vai trò cung cấp nước cho hơn 100ha đất nông nghiệp của xã Phúc Lương. Năm 2010, công trình thủy lợi này đã được bàn giao cho Trạm Khai thác Thủy lợi huyện Đại Từ vận hành, quản lý.
Trực tiếp có mặt tại gia đình ông Dương Mạnh Hùng ở xóm Cây Tâm, chúng tôi nhìn thấy điểm kết thúc của con mương là cây cau thuộc đồi chè của gia đình ông Hùng. Đoạn mương này cao hơn và cách xa so với những cánh đồng lúa ở phía dưới. Nằm thấp hơn đoạn mương còn có chuồng trâu của gia đình ông Hùng. Đây là đoạn mương cụt, hoàn toàn không được kết nối với một công trình thủy lợi nào. Ông Dương Mạnh Hùng cho biết: Cuối năm 2009, nhà thầu xây mương đến đây thì dừng lại. Tôi cứ nghĩ nhà thầu sẽ xây dựng tiếp nên để nguyên hiện trạng chờ đợi. Tuy nhiên, đến vụ xuân đầu năm 2010, khi hồ Đồng Tâm xả nước, nước chảy tràn lên chuồng trâu, làm xói mòn hơn 1 sào lúa của gia đình tôi và chảy tràn lên hơn 1ha lúa của bà con trong xóm. Trước tình hình đó, tôi cùng bà con trong xóm đã kiến nghị lên chính quyền địa phương thì mới biết công trình đã hoàn thành, nghiệm thu và đưa vào sử dụng. Những năm tiếp theo, tôi đã kiến nghị nhiều lần tới các cơ quan chức năng và cũng có vài đoàn kiểm tra đến nhưng mương vẫn còn nguyên hiện trạng như ban đầu.
Trước việc nước tràn ra khu vực đồi, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của gia đình, năm 2011, ông Hùng đã đắp bờ mương cao lên chắn nước. Nhưng sau thời điểm đó, mỗi khi hồ Đồng Tâm xả nước, nước lại chảy tràn lên mặt mương đoạn sát chân đồi chè (cách điểm cuối mương khoảng 10m), xối vào ruộng lúa của gia đình ông Dương Công Bình, một hộ dân trong xóm. Theo quan sát của chúng tôi, đoạn mương này được xây cao hơn ruộng của ông Dương Công Bình 2m và tại khu vực nước chảy tràn, đất đồi dưới mương đã bị xói lở khá nhiều, hở cả phần bê tông đế mương. Ông Dương Công Bình cho biết: Mỗi khi nước chảy là gần 1 sào lúa của gia đình tôi lại bị gẫy đổ và bị đất vùi lấp. Do vậy, mấy vụ lúa gần đây, gia đình tôi bỏ hoang ruộng, không canh tác. Vụ mùa năm nay, tôi mới làm đất, canh tác trở lại nhưng không biết có được thu hoạch không.
Đề cập những vấn đề nêu trên với lãnh đạo UBND xã Phúc Lương, ông Đào Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết thêm: Hệ thống thủy lợi hồ Đồng Tâm được thiết kế để cung cấp nước cho hơn 100ha đất nông nghiệp của xã. Thậm chí, thời điểm hạn hán nặng, hồ còn có thể cung cấp nước cho một số diện tích đất nông nghiệp của huyện Phú Lương. Nhưng vì mương được xây dựng như trên nên việc tưới nước rất bất cập và hiệu suất sử dụng không đạt như thiết kế. Mỗi khi hồ Đồng Tâm xả nước, nước chảy tràn vào ruộng của người dân sau đó chảy ra suối Làng Bục. Những hộ dân phía hạ lưu phải bơm nước từ suối Làng Bục lên mới có thể canh tác. Do vậy, nhiều khu vực ruộng cao không chủ động được nước tưới. Ngoài ra, ở khu vực hạ lưu, xóm Phúc Sơn của xã có 15ha lúa và 20ha chè nhưng không có công trình thủy lợi, nước tưới phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết. Chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng xây dựng tiếp tuyến mương dẫn vào xóm Phúc Sơn. Nếu công trình được đầu tư, chắc chắn sẽ thay đổi được năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp trong xóm.
Việc xây dựng dang dở tuyến mương như trên đã làm lãng phí hiệu quả sử dụng công trình thủy lợi hồ Đồng Tâm và gây bức xúc cho người dân nhiều năm nay. Vì sao tuyến mương này lại không được tiếp tục đầu tư xây dựng? ông Đào Ngọc Dũng, Trạm trưởng Trạm Khai thác Thủy lợi huyện Đại Từ cho biết: Chúng tôi thừa nhận việc xây dựng tuyến mương sau hồ Đồng Tâm như trên là bất hợp lý và đã kiến nghị lên cấp trên để tiếp tục đầu tư xây dựng tuyến mương. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí hạn hẹp nên Công ty TNHH một thành viên Khai thác Thủy lợi Thái Nguyên chưa thể đầu tư xây dựng. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tích cực triển khai một số biện pháp thích hợp để giảm thiểu ảnh hưởng của tuyến mương tới các hộ dân.