"Chỉ tăng trưởng 5,5-6%, kinh tế Việt Nam sẽ mãi làng nhàng"

10:02, 31/07/2013

Thông điệp về tình hình kinh tế được người phát ngôn của Chính phủ - Bộ trưởng Vũ Đức Đam đưa ra sau phiên họp ngày 30/7 được mở đầu không khác nhiều so với những tháng trước. “Chính phủ nhận định tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm tiếp tục diễn biến đúng hướng, tiếp tục có tín hiệu tốt lên”, vị Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ phát biểu.

Một trong những số liệu được Bộ trưởng dẫn chứng là chỉ số giá tiêu dùng 7 tháng đầu năm chỉ tăng 2,68%. Với kết quả này, Chính phủ tự tin có thể hoàn thành mục tiêu lạm phát năm nay thấp hơn 2012. “Nói nôm na là dưới 7%”, theo lời Bộ trưởng. Cùng với đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) cũng được công bố là tăng dần (Quý I: 4,5%, Quý II: 6% và đến tháng 7 là 7%).

 

Cũng theo số liệu được Văn phòng Chính phủ công bố, số doanh nghiệp phải ngừng hoạt động sau 7 tháng (khoảng 10.000 đơn vị) tuy vẫn tăng nhưng tốc độ đã giảm. Trong khi đó, số thành lập mới cao hơn 8,4% so với cùng kỳ. “Tại phiên họp, nhiều thành viên Chính phủ cho rằng từ nay không cần nói tới tồn kho nữa. Bởi các doanh nghiệp đã điều chỉnh sản lượng, hiện chỉ số này đã về mức bình thường”, Bộ trưởng nhận định.

 

Tuy nhiên, để cho thấy Chính phủ không chỉ đưa ra những nhận định lạc quan, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cũng nhìn nhận nền kinh tế hiện vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, nhiều lĩnh vực chuyển biến, tăng trưởng chậm, chưa vững chắc, nhất là công nghiệp, nông nghiệp. “Cái khó bao trùm”, theo đại diện Chính phủ hiện nay là sức mua của người dân, doanh nghiệp vẫn còn rất yếu. “Nói như các nhà kinh tế là tổng cầu yếu. Nhưng muốn nâng tổng cầu lên mà thả tiền ra thì nguy cơ lạm phát trở lại sẽ rất lớn”, ông Đam nói.

 

Để giải quyết nút thắt này, phương án được Chính phủ tính tới là đề ra các mục tiêu dài hạn hơn. Tiết lộ tại phiên họp báo, đại diện Chính phủ cho biết gần đây đã trực tiếp đề nghị các nhà kinh tế tập trung phân tích, đặt ra những mục tiêu về tài khóa và tiền tệ cho khoảng 3 năm tới đây. Theo đó, lạm phát sẽ phấn đấu giữ ở mức 7%, tăng trưởng nhích dần lên và đồng thời, phải đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu. Đây cũng là vấn đề được Chính phủ dành nhiều thời gian thảo luận tại phiên họp lần này.

 

Theo nhận định của cơ quan điều hành, sau một thời gian tiến hành mạnh mẽ việc xử lý các nhà băng yếu kém ở đầu nhiệm kỳ, hiện bước tiếp theo của quá trình tái cơ cấu ngân hàng “vẫn chưa rõ”. “Đây là vấn đề cần phải đẩy tiếp trong thời gian tới. Mục tiêu vốn đã được xác định trước đó là giúp hệ thống ngân hàng đủ mạnh, có quy mô và khả năng cạnh tranh ở tầm khu vực”, Bộ trưởng khẳng định. Tương tự với 2 nhiệm vụ khác là tái cơ cấu đầu tư công và doanh nghiệp Nhà nước, ông Đam cho rằng mặc dù đã đạt được nhiều kết quả nhưng cần tiếp tục đẩy mạnh hơn trong thời gian tới.

 

Ngoài 3 khu vực được nhắc tới lâu nay tại phiên họp lần này, Chính phủ cũng đã “đặt đầu bài” cho Bộ Nông nghiệp & PTNT xây dựng đề án tái cơ cấu nông nghiệp. Việc phải tiến hành đổi mới một trong những trụ cột tăng trưởng vốn được xem là “vững chắc” này xuất phát từ thực tế rằng nông nghiệp lâu nay vẫn phát triển mạnh nhưng chất lượng chưa cao, người nông dân chưa được hưởng lợi thực sự. Đồng thời, nó cũng cho thấy nhu cầu tái cơ cấu nền kinh tế đang hết sức mạnh mẽ.

 

“Nếu không tái cơ cấu, chỉ đều đều tăng trưởng 5,5 – 6 %, Việt Nam sẽ rơi vào cái mà các nhà kinh tế gọi là bẫy thu nhập trung bình. Nói cách khác là sẽ mãi ở mức làng nhàng trong khu vực”, Bộ trưởng Vũ Đức Đam nói.

 

Nhận định của đại diện cơ quan điều hành ngay lập tức khiến báo giới hào hứng. Trả lời câu hỏi xung quanh việc “Có bao nhiêu thành viên Chính phủ chia sẻ quyết tâm tái cơ cấu với Bộ trưởng”, ông Đam khẳng định đây là “quyết tâm chung của cả hệ thống chính trị”.

 

“Chúng ta không thể mãi nghèo thế này được. Do đó tái cơ cấu là quyết tâm chung. Nhiệm vụ đặt ra là phải xem xét tổng thể nền kinh tế, từ những khâu ở tầm quốc gia đến những việc rất chi tiết, cụ thể.  Đây là cả một quá trình”, Bộ trưởng phân tích.

 

Ngoài ra, người phát ngôn của Chính phủ cũng thừa nhận nhiều ý kiến hiện cho rằng các đề án tái cơ cấu hiện chưa cho thấy nhiều đột phá, hoặc xu thế cải cách đã rõ, nhưng sao mãi không làm được. Lý do được ông đưa ra là Việt Nam vốn là một nền kinh tế có xuất phát điểm thấp, bị chiến tranh tàn phá, trong khi nhu cầu của xã hội lại ngày một nhiều. “Nguồn lực của nền kinh tế có hạn, trong khi nhu cầu mở ra ngày một nhiều. Cách đây 20 năm, yêu cầu của người dân rất đơn giản, chỉ mơ ước có chiếc xe đạp, xe máy, tivi, chứ chưa ai nghĩ tới điều hòa, ôtô. Nay thế giới cần cái gì, ta cũng cần cái đó, trong khi nguồn lực còn thiếu thì việc đáp ứng đòi hỏi ngay lập tức là rất khó”, ông Đam nói thêm.

 

Tuy vậy, người phát ngôn của Chính phủ cũng một lần nữa khẳng định thực tế nêu trên càng khiến cho nhu cầu tái cơ cấu trở nên bức thiết. “Các nước hiện nay cũng phát triển nhanh mà xuất phát điểm của họ cao hơn chúng ta nhiều. Nếu không tiến hành tái cơ cấu khẩn trương, nguy cơ tụt hậu là có thật”, Bộ trưởng Vũ Đức Đam nhận định.