Chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp

07:58, 12/07/2013

Hiện nay, Chi cục Thuế T.P Thái Nguyên đang quản lý thu ngân sách đối với 1.286 doanh nghiệp (chiếm 1/3 số doanh nghiệp trên toàn tỉnh) và gần 9.000 hộ kinh doanh. Những năm gần đây, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế; việc thắt chặt đầu tư công; giá cả một số mặt hàng tăng; lãi suất ngân hàng tuy có giảm song việc tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất hạ còn hạn chế; sản phẩm tồn kho nhiều (nhất là mặt hàng sắt thép, xi măng)… đã tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) của các doanh nghiệp (DN). Kéo theo đó, đời sống của phần lớn công nhân, người lao động trong các DN gặp nhiều khó khăn; sức mua thị trường giảm. Thực trạng này cũng gây ảnh hưởng đến công tác thu ngân sách.

Ông Bùi Xuân Khoa, Chi cục phó Chi cục Thuế T.P Thái Nguyên cho biết: So với năm 2012, tình hình SXKD của các DN trên địa bàn trong 6 tháng đầu năm nay còn khó khăn hơn. Điều đó thể hiện qua hồ sơ khai thuế của các DN gửi đến Chi cục Thuế, cụ thể như riêng trong quý I/2013 chỉ có 414 DN (bằng 32% tổng số DN) hoạt động SXKD có lãi (bình quân mỗi DN chỉ có lãi trên 27 triệu đồng/quý); 872 DN làm ăn thua lỗ (chiếm 68%, bình quân mỗi DN bị lỗ gần 29 triệu đồng/quý). Do vậy, công tác thu ngân sách của Chi cục cũng rất khó khăn. Song, với tinh thần chia sẻ cùng DN, khi có các chính sách thuế mới, Chi cục đã nhanh chóng triển khai kịp thời đến tất cả các DN bằng cách thông báo hoặc tập huấn tại các hội nghị để DN được hưởng các ưu đãi về thuế của Nhà nước; cử cán bộ thường xuyên đến cơ sở để nắm bắt thực trạng, kịp thời phối hợp tháo gỡ những vấn đề còn vướng mắc. Thông qua việc khai thuế, nếu DN “quên” khai vào tờ khai, cán bộ thuế có trách nhiệm nhắc nhở, hướng dẫn để DN được hưởng các chính sách thuế.

 

 

Bà Nguyễn Thị Châm, Giám đốc Công ty cổ phần Minh Châm cho biết: Công ty chúng tôi hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng dân dụng, giao thông, thuỷ lợi. Trong tình hình khó khăn chung, Công ty luôn phải cạnh tranh với các DN cùng ngành nghề hoạt động. Trước đây, Công ty thường làm những công trình lớn của Nhà nước, từ năm 2011 đến nay, do cắt giảm đầu tư công nên chúng tôi gặp không ít khó khăn, trong khi vẫn phải duy trì bộ máy làm việc với số lượng công nhân kỹ thuật, công nhân làm việc theo thời vụ khá đông (bình quân không dưới 400 người, kể cả lao động gián tiếp và trực tiếp). Công việc bị cắt giảm, bộ máy làm việc thì không thay đổi, vì vậy Công ty không còn “kén” việc như trước mà chấp nhận thi công cả những công trình ở vùng sâu, vùng xa để có đủ việc làm, bảo đảm thu nhập cho người lao động và thực hiện nghĩa vụ ngân sách với Nhà nước. Hiện nay, Công ty đang có một số công trình như: xây dựng đập Nghinh Tác ở xóm Nghinh Tác, xã Nghinh Tường; làm đường giao thông liên xóm An Long - Long Thành ở xã Bình Long (Võ Nhai)… Công việc ở đây tuy khó khăn, vất vả, song chúng tôi rất vui vì vẫn bảo đảm được việc làm cho công nhân, không để họ phải nghỉ luân phiên. Thu nhập của người lao động cũng được đảm bảo. Đây chính là một trong những điều kiện quan trọng để Công ty thực hiện tốt nghĩa vụ ngân sách với Nhà nước. Năm 2012, Công ty đạt doanh thu 70 tỷ đồng, nộp ngân sách trên 2 tỷ đồng - tính cả thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). 6 tháng đầu năm nay, Công ty tiếp tục có mức tăng trưởng khá với doanh thu đạt 43 tỷ đồng, bằng 61% kế hoạch năm;  nộp ngân sách 1 tỷ 536 triệu đồng. Điều đáng nói là trong lúc gặp khó khăn về vốn, chúng tôi đã được cán bộ thuế hướng dẫn tận tình về các chính sách thuế mới và trong tháng 3 tháng đầu năm nay, Công ty được gia hạn thuế GTGT trong thời gian 6 tháng với tổng số tiền thuế trên 756 triệu đồng. Số tiền này góp phần giúp Công ty giảm bớt khó khăn và chủ động cân đối tài chính của đơn vị. Đây cũng là điều kiện để Công ty giảm các chi phí, nhất là chi phí vay vốn ngân hàng… 

 

Còn bà Lưu Thị Hài, ở Hợp tác xã Hòa Bình (HTX) cho biết: HTX chuyên hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh vận tải hàng hóa đường bộ; xếp dỡ vật liệu xây dựng. Đây là ngành cũng bị cạnh tranh gay gắt và các loại vật liệu xây dựng trước đây đắt hàng là thế, nay lại thuộc nhóm hàng ế ẩm nhất, vì vậy công việc của chúng tôi giảm đi đáng kể. Bên cạnh đó, trong lúc HTX rất khó khăn về vốn thì hàng loạt xe ô tô tải (đa phần là các loại xe KAMAZ, IFA) do đã quá thời hạn lưu hành nên phải thay thế bằng phương tiện vận tải khác của các hãng Huyndai, Samsung thì mới đảm bảo quy định thông hành. Tuy nhiên, HTX vẫn cố gắng tìm việc làm để duy trì hoạt động (doanh thu năm 2012 đạt 7 tỷ đồng; 6 tháng đầu năm nay đạt gần 3 tỷ đồng, bằng 50% kế hoạch năm), bảo đảm thu nhập bình quân 3,9 triệu đồng/người/tháng cho 10 xã viên. HTX cũng đã được gia hạn thuế GTGT (với gần 95 triệu đồng) và thuế TNDN (tạm tính quý I năm nay là 3 triệu đồng). Tuy số thuế được gia hạn chưa nhiều nhưng thực sự có ý nghĩa trong lúc khó khăn, giúp HTX có thêm nguồn vốn hoạt động, giảm chi phí vốn vay ngân hàng (hiện tại, HTX vẫn đang phải vay với lãi suất 12,5%/năm)…       

 

Qua tìm hiểu, trao đổi với đại diện nhiều DN khác trên địa bàn T.P Thái Nguyên, chúng tôi nhận thấy các DN được gia hạn thuế dù ít hay nhiều đều rất phấn khởi vì các chính sách thuế mới đã thể hiện sự động viên, chia sẻ kịp thời của Nhà nước đối với các DN trong lúc khó khăn. Song, cũng từ thực tế cho thấy số DN được gia hạn thuế GTGT, thuế TNDN chưa nhiều và số tiền chưa cao (theo thống kê, có 496 lượt DN được gia hạn thuế GTGT trong 3 tháng đầu năm nay, với tổng số thuế được gia hạn là 9 tỷ 146 triệu đồng; có 256 DN được giãn thuế TNDN, với tổng số thuế 461 triệu đồng). Nguyên nhân là do còn nhiều DN làm ăn thua lỗ hoặc có lãi không nhiều (so với cùng kỳ năm trước có trên 60 DN phải ngừng hoạt động hoặc giải thể; mỗi tháng có từ 250 đến 300 DN nộp tờ khai thuế không có doanh thu đầu ra; doanh thu và lợi nhuận của các DN còn lại đều giảm). Trong khi đó, để thực hiện các chính sách thuế nêu trên thì cơ quan Thuế phải dựa trên cơ sở hiệu quả SXKD của DN (nói cách khác là DN làm ăn được), vì thuế GTGT “chỉ được tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng”. Từ thực trạng này đòi hỏi các cấp, ngành chức năng cần tiếp tục có nhiều giải pháp tích cực để hỗ trợ các DN tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả hoạt động, qua đó mang lại lợi ích cho DN, người lao động và đóng góp được nhiều hơn nữa cho nền kinh tế quốc dân.