Nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX đã qua trên chặng đường còn không ít khó khăn, bằng sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, nội lực của nhân dân các dân tộc trên địa bàn, huyện vùng cao Võ Nhai đã đạt được những kết quả khả quan, một số lĩnh vực có sự chuyển biến rõ nét…
Một số mục tiêu chủ yếu của huyện Võ Nhai từ nay đến năm 2015: * Giá trị sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp tăng 18%/năm. * Ngành dịch vụ tăng 15%/năm. * Sản lượng lương thực có hạt trên 50.000 tấn/năm. * Giảm tỷ lệ hộ nghèo trên 5% mỗi năm. * Đến năm 2015 có 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. * Mỗi năm kết nạp 160 đảng viên trở lên… |
Mục tiêu tổng quát của cả nhiệm kỳ 2010-2015 được Đại hội Đảng bộ huyện Võ Nhai lần thứ XX đề ra là: “Đoàn kết thống nhất, tranh thủ mọi nguồn lực, khai thác và sử dụng hiệu quả các tiềm năng để xây dựng kết cấu hạ tầng, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, trọng tâm là công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, xây dựng Võ Nhai phát triển bền vững”.
Qua đây có thể nhận thấy, xây dựng kết cấu hạ tầng là ưu tiên hàng đầu của huyện Võ Nhai. Thực tế gần 3 năm qua đã chứng minh, bằng sự quan tâm đầu tư của Trung ương, của tỉnh thông qua những chương trình, dự án cụ thể, cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng và nội lực của nhân dân, nhiều công trình hạ tầng trên địa bàn huyện Võ Nhai đã được đầu tư xây dựng, mang lại hiệu quả thiết thực trong phát triển kinh tế - xã hội, từng bước cải thiện đời sống của người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Tính từ năm 2010 đến nay, huyện Võ Nhai đã làm chủ đầu tư xây dựng 83km đường giao thông các loại, 2 đập thủy lợi, 2 trụ sở hành chính xã, 77 phòng học và 7 nhà hiệu bộ, nhà công vụ giáo viên… (chưa tính những công trình không do huyện làm chủ đầu tư). 2 dự án tiêu biểu nhất thời gian qua là tuyến đường Cúc Đường - Vũ Chấn - Nghinh Tường - Sảng Mộc đã hoàn thành và tuyến đường Cúc Đường - Thượng Nung - Sảng Mộc cũng đã cơ bản hoàn thành. Đó là những tuyến giao thông huyết mạch, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội khu vực 6 xã phía Bắc - vùng khó khăn nhất của huyện. Trong xây dựng nông thôn mới, nhân dân đã đối ứng làm được trên 39km đường bê tông, tiêu biểu là các xã Lâu Thượng, Phú Thượng và La Hiên.
Hiện tại, những công trình giao thông vào các xóm khó khăn nhất, như đường vào xóm Lũng Hoài, Lũng Lung, Lũng Cà (xã Thượng Nung); đường vào xóm Cao Biền (xã Phú Thượng)… đã và đang được khẩn trương thi công nhằm sớm đưa vào sử dụng, tạo “cú hích” giúp bà con xóa đói, giảm nghèo. Trong công tác xây dựng cơ sở hạ tầng, huyện coi trọng tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất, đóng góp tiền đối ứng và ngày công, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị thi công. Cùng với đó là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về chất lượng, tiến độ. Vì vậy, phần lớn công trình xây dựng trên địa bàn hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng và phát huy hiệu quả khi đưa vào sử dụng.
Cùng với xây dựng cơ sở hạ tầng, việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp nhằm tăng giá trị sử dụng trên 1 đơn vị diện tích được huyện Võ Nhai quan tâm chỉ đạo, thực hiện và đã thu được những kết quả rất tích cực. Mỗi năm có hàng chục mô hình khuyến nông được triển khai trên địa bàn, hàng trăm lớp tập huấn được tổ chức giúp người nông dân tiếp cận với những giống cây, con mới, những kiến thức khoa học – kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất, qua đó dần đoạn tuyệt với phương thức canh tác lạc hậu tồn tại bao đời nay. Người nông dân, nhất là những hộ nghèo, cận nghèo được tạo điều kiện vay vốn ưu đãi để đầu tư sản xuất (năm 2012, tổng dư nợ của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện là 385 tỷ đồng, tăng 35,6% so với năm 2010)…
Đến nay, hầu hết các chỉ tiêu kế hoạch đề ra trong Nghị quyết về phát triển nông nghiệp đều đạt và vượt, có những chỉ tiêu đã “về đích” sớm 3 năm, như tổng sản lượng lương thực cây có hạt toàn huyện năm 2012 đạt 56,2 nghìn tấn (Nghị quyết đến năm 2015 đạt 40 nghìn tấn). 3 loại cây trồng chủ lực của huyện đều tăng mạnh cả về diện tích, năng suất và sản lượng: Từ năm 2010 đến năm 2012, diện tích lúa từ 4.630ha tăng lên 4.987ha, năng suất tăng từ 43 tạ/ha lên 48,9 tạ/ha; diện tích ngô tăng đột biến từ 5.180ha lên 7.000ha (phần lớn là ngô lai), sản lượng tăng từ 22 nghìn tấn lên 31 nghìn tấn; diện tích chè kinh doanh tăng thêm hơn 200ha lên 849ha... Giá trị sản xuất bình quân trên 1ha đất canh tác năm 2010 đạt 40 triệu đồng, năm 2012 tăng lên 55 triệu đồng. Những mô hình cho hiệu quả kinh tế cao xuất hiện ngày càng nhiều. Tất cả đều vượt xa so với chỉ tiêu kế hoạch và cho thấy sự chuyển dịch khá nhanh trong nông nghiệp của huyện theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 43,2% xuống còn 31,3%.
Trên đây chỉ là thành tựu thuộc 2 lĩnh vực tiêu biểu, minh họa cho những chuyển biến rõ nét của huyện Võ Nhai từ khi thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX đến nay. Nhiều lĩnh vực khác cũng đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận và tự hào đối với một huyện vùng cao còn nhiều khó khăn, xuất phát điểm thấp. Điều đó cũng phần nào cho thấy Nghị quyết của Đảng bộ huyện đã thực sự đi vào cuộc sống, phát huy vai trò, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực, đồng thời củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng. Những kết quả này đang tạo tiền đề để huyện Võ Nhai vững vàng trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, xứng đáng với truyền thống của một vùng đất anh hùng…