Dịch vụ bến thủy nội địa - nhìn từ một doanh nghiệp bốc, xếp hàng hóa

07:20, 04/07/2013

Những năm gần đây, mặc dù cảng Đa Phúc (xã Thuận Thành, huyện Phổ Yên) - cảng đường sông duy nhất trên địa bàn tỉnh - chưa được đầu tư xây dựng quy mô, song thực tế hoạt động bến thủy nội địa ở đây diễn ra rất sôi động. Các doanh nghiệp được cấp phép đã chủ động cải tạo bến bãi, đầu tư máy móc, thiết bị bốc, xếp, vận tải, phục vụ tốt nhu cầu thông thương hàng hóa trong và ngoài tỉnh. Một trong những đơn vị phát triển mạnh hoạt động dịch vụ này phải kể đến Công ty TNHH Thắng Lá.

Những ngày này, khi tỉnh ta đang tập trung triển khai một số dự án đầu tư quy mô lớn cũng như việc một số nhà máy chính thức đi vào sản xuất thì hoạt động bốc, xếp, vận tải hàng hóa ở bến cảng Đa Phúc lại càng trở nên tấp nập. Hàng hóa chủ yếu là nguyên liệu đầu vào, vật liệu xây dựng và các sản phẩm đầu ra của ngành Công nghiệp. Hoạt động của Công ty TNHH Thắng Lá không nằm ngoài sự sôi động đó. Đơn vị này có vị trí bến bãi khá thuận lợi, nằm bên bờ trái của sông Công, giáp với khu vực cầu Đa Phúc, cách Quốc lộ 3 cũ chừng 200m. Bến có tổng diện tích 7.500m2, trong đó có 2.500m2 được xây dựng làm khu vực bốc, xếp và vận tải, diện tích còn lại là khu tập kết hàng hóa chờ luân chuyển. Phạm vi vùng nước của bến cảng có chiều dài 100m dọc theo bờ, chiều rộng 10m tính từ mép bờ trở ra. Khả năng tiếp nhận các loại phương tiện đường thủy của bến với mức nước đầy tải lên tới 1,5m, dễ dàng cho các tầu, thuyền, xà lan ra, vào hoạt động. Là bến cảng chuyên xếp dỡ hàng hóa thông thường, nhưng không vì thế mà Công ty TNHH Thắng Lá không quan tâm đầu tư máy móc thiết bị hiện đại để nâng công suất bốc, xếp. Hiện, Công ty đã đầu tư và đưa vào vận hành hệ thống băng tải hiện đại nhất cùng một dây chuyền tiếp nhận, chuyển hàng quy mô lớn chuyên để phục vụ hàng hóa là xi măng và Clanhke.

 

Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thắng Lá, trung bình mỗi tháng, bến cảng do Công ty quản lý, khai thác có tới 35 nghìn đến 40 nghìn tấn hàng hóa vào, ra, trong đó chủ yếu là than, xi măng, clanhke và các loại vật liệu xây dựng thông thường khác. Vào lúc cao điểm (thường ở thời điểm cuối năm), lượng hàng hóa bốc xếp, vận tải từ bến cảng lên tới trên 50 nghìn tấn. Là một đơn vị hoạt động có uy tín nhiều năm liền, nên không ít bạn hàng đã tin tưởng ký hợp đồng bến bãi, vận chuyển dài hạn với Công ty. Điển hình như Công ty Kinh doanh than Bắc Thái, các Nhà máy xi măng quy mô lớn như Quang Sơn, La Hiên, Quan Triều. Ngoài ra, Công ty cũng hợp đồng thường xuyên với khoảng 12 đơn vị khác có nhu cầu vận chuyển hàng hóa đường sông.

 

Công ty CP Xi măng Quang Sơn là doanh nghiệp có mối quan hệ mật thiết nhất với bến cảng Thắng Lá. Một lượng lớn hàng hóa của Công ty này từ nguyên liệu đầu vào lẫn sản phẩm đầu ra đều lưu thông qua bến bãi của Công ty TNHH Thắng Lá. Mỗi tháng, Công ty CP Xi măng Quang Sơn luân chuyển qua bến cảng khoảng 15 nghìn tấn than, thạch cao để phục vụ sản xuất và xuất bán khoảng 20 nghìn tấn clanhke, xi măng ra thị trường. Việc luân chuyển hàng hóa qua hệ thống đường thủy nội địa được Công ty CP Xi măng Quang Sơn đánh giá rất cao về tính nhanh gọn, thuận tiện và hiệu quả. Theo Công ty này, nếu hàng hóa có thể tham gia vận tải đường thủy thì cung đường cũng như chi phí sẽ giảm rất nhiều so với đường bộ.

 

Công ty TNHH Thắng Lá hiện có 8 đầu xe vận tải cỡ lớn, chạy hàng thường xuyên cho khách. Ngoài ra, Công ty còn liên kết với 10 doanh nghiệp vận tải có uy tín khác trên địa bàn để có thể đáp ứng được nhu cầu lưu thông hàng hóa cho khách hàng. Anh Hoàng Công Hải, lái xe của Doanh nghiệp tư nhân Phương Dương (đơn vị liên kết vận tải với Công ty TNHH Thắng Lá) cho biết: Việc vận chuyển hàng hóa từ Bến cảng Thắng Lá rất thuận lợi bởi có hệ thống băng tải, máy xúc, máy ngoạm, cân điện tử hoạt động tích cực. Việc giao, nhận hàng cũng theo một quy trình bài bản, khoa học, do đó, hàng thường được giao đúng hẹn, chính xác. Theo thống kê của Công ty TNHH Thắng Lá, mỗi ngày bến cảng có khoảng 40 đầu xe vận tải bốc dỡ hàng lên, xuống, dưới bến luôn thường trực khoảng 3-5 tàu, xà lan cỡ lớn để giao, nhận hàng. Tâm sự với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thắng mong muốn được tỉnh, huyện quan tâm, tạo điều kiện cho mở rộng bến bãi bởi theo ông, với nhu cầu luân chuyển hàng hóa đường thủy nội địa ngày càng lớn như hiện nay thì diện tích hiện có của bến cảng là không thể đáp ứng.

 

Khu vực cảng Đa Phúc nói chung đang được xem là điểm trung chuyển, lưu thông hàng hóa quan trọng của tỉnh. Cảng đường sông này gắn kết với các cảng đường thủy nội địa khác, tạo ra một hệ thống liên kết kinh tế giữa các tỉnh, thành trong khu vực. Hiện nay, cảng Đa Phúc đã được tỉnh quy hoạch, giao cho một doanh nghiệp có uy tín lập dự án đầu tư xây dựng, nhằm phát triển tương xứng với nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Tuy nhiên, trong khi nhà đầu tư này chưa thể triển khai thực hiện Dự án thì việc các doanh nghiệp hoạt động bến bãi tại đây, (trong đó có Công ty TNHH Thắng Lá) vẫn duy trì tích cực các dịch vụ bốc, xếp, vận tải, để hàng hóa ra, vào tỉnh luôn được thông suốt là điều đáng ghi nhận.