Dự trữ gạo toàn cầu đang tăng lên mức cao nhất trong vòng 12 năm do sản lượng gạo đạt mức cao kỷ lục, cùng với đó là sản lượng các mặt hàng lương thực khác cũng tăng mạnh, khiến tổng kim ngạch nhập khẩu lương thực thực phẩm trên thế giới giảm.
Hãng tin Bloomberg dẫn số liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết lượng gạo tại các kho dự trữ toàn cầu sẽ tăng năm thứ 7 liên tiếp và đạt 108,6 triệu tấn trong niên vụ 2013/2014. Sản lượng gạo toàn cầu sẽ tăng 1,9% và đạt 479,2 triệu tấn.
Do sản lượng và dự trữ gạo tăng lên, nhập khẩu mặt hàng này giảm. Theo Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), tổng lượng gạo nhập khẩu sẽ giảm còn 37,6 triệu tấn, giảm lần đầu tiên trong vòng 4 năm trở lại đây.
Mặc dù giá gạo giảm và dự trữ gia tăng, chính phủ một số nước vẫn khuyến khích tăng cường sản xuất. Theo số liệu từ USDA, sản lượng gạo trong nước của Thái Lan - từng là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới - sẽ tăng 4,5% lên 21,1 triệu tấn trong niên vụ 2013/2014. Nước này đã đưa ra chính sách trợ giá gạo cho nông dân với tổng chi 588,7 tỷ baht (18,9 tỷ USD) để dự trữ 27 triệu tấn gạo kể từ tháng 10/2011. Tuy nhiên, Chính phủ Thái Lan mới đây đã phải thừa nhận thiệt hại 137 tỷ baht từ chương trình trên.
Theo hãng tin Bloomberg, giá gạo trắng 5% tấm của Thái Lan - mức giá chuẩn của châu Á - sẽ giảm 13% xuống còn 455 USD/tấn vào tháng 12/2013.
Trong khi đó, Ấn Độ - quốc gia vượt qua Thái Lan và Việt Nam để trở thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới vào năm ngoái - đã tăng thu mua gạo tối thiểu của nông dân lên mức cao kỷ lục.
Theo số liệu từ USDA, sản lượng thóc gạo Ấn Độ sẽ tăng 3,8% lên mức kỷ lục 108 triệu tấn trong niên vụ 2013/2014.
Trong bối cảnh nguồn cung gạo tại các quốc gia châu Á gia tăng, sản lượng gạo tại Mỹ - quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ 4 thế giới - sẽ giảm 4,7% xuống 6,04 triệu tấn - mức thấp nhất trong 2 năm qua. Theo sau đó, dự trữ gạo nước này cũng sẽ giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2009. Trước tình hình sản lượng và dự trữ gạo giảm, giá gạo kỳ hạn trên Sàn giao dịch Chicago (Mỹ) đã tăng 2,9% lên 14,965 USD/100 pound (1 pound = 0,45 kg) sau khi chạm mức thấp nhất trong vòng 8 tháng là 14,54 USD/pound hồi tháng Ba.
Theo FAO, nhu cầu nhập khẩu gạo tại một số nước đã giảm. Nigiêria - nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới trong năm ngoái - sẽ giảm 10% lượng gạo nhập khẩu xuống còn 2,7 triệu tấn. Nhập khẩu gạo tại Indonesia cũng sẽ giảm 28%.
Tuy nhiên, theo một báo cáo công bố ngày 14/6 của Phòng nghiên cứu kinh tế thuộc USDA, Trung Quốc - quốc gia nhập khẩu và tiêu thụ gạo lớn nhất thế giới - sẽ mua vào lượng gạo kỷ lục 3 triệu tấn, do giá nhập khẩu thấp hơn giá gạo trong nước. Công ty nghiên cứu lúa gạo Beijing Orient Agribusiness Consultant Ltd., cho biết nguyên nhân khiến nhu cầu nhập khẩu gạo tại nước này tăng mạnh là do gạo sản xuất tại khu vực phía nam Trung Quốc bị phát hiện có chứa hàm lượng kim loại nặng cát mi.
Cũng theo số liệu từ USDA, tổng sản lượng các mặt hàng gạo, ngô, đậu tương và lúa mỳ toàn cầu cũng đạt mức cao kỷ lục do mùa màng tại Mỹ và châu Âu trở lại bình thường sau các đợt hạn hán trong năm trước. Trước tình hình đó, giá lúa mỳ, ngô và đậu tương có xu hướng giảm, khiến giá các mặt hàng lương thực thực phẩm trên thế giới giảm trong 2 tháng liên tiếp.
Tính riêng lúa mỳ, tổng sản lượng toàn cầu của mặt hàng này sẽ đạt mức kỷ lục thứ 2 liên tiếp, tăng 6,1% lên 696 triệu tấn.
Tại Mỹ - quốc gia sản xuất các mặt hàng nông sản lớn nhất thế giới - diện tích gieo trồng lúa mỳ cũng đạt mức cao nhất trong vòng 4 năm. Diện tích gieo trồng đậu tương cũng lớn nhất tính từ trước tới nay. Ngoài ra, Mỹ cũng đang gieo trồng vụ ngô lớn nhất kể từ năm 1936, sau khi giá mặt hàng này tăng lên mức kỷ lục trong tháng 8/2013
Theo báo cáo mới đây của FAO, chỉ số giá các mặt hàng lương thực thực phẩm trên thế giới đã giảm 0,9% trong tháng 6, với giá ngũ cốc giảm tháng thứ 8 liên tiếp trong vòng 9 tháng. FAO dự báo tổng kim ngạch nhập khẩu lương thực thực phẩm trên thế giới sẽ chỉ đạt 1.100 tỷ USD, giảm 13% so với mức kỷ lục 1.260 tỷ USD hồi năm 2011.