Giá trị xuất khẩu: Còn trông nhiều vào yếu tố tăng thêm

09:27, 25/07/2013

Hoạt động xuất khẩu của tỉnh mấy năm gần đây gặp rất nhiều khó khăn, khiến giá trị xuất khẩu hàng năm đều không đạt được như mong muốn. Chẳng nói đâu xa, ngay như năm 2012 vừa qua, giá trị xuất khẩu của tỉnh chỉ đạt 88,7% kế hoạch năm; 6 tháng đầu năm nay cũng mới đạt 39,3% kế hoạch. Vậy, tại sao lại có chuyện để “thủng” kế hoạch xuất khẩu?

Năm 2012, giá trị xuất khẩu trên địa bàn chỉ đạt 136,6 triệu USD, thấp hơn khoảng 7 triệu USD so với năm trước. Trong đó, giá trị xuất khẩu do địa phương quản lý giảm trên 16% so với cùng kỳ và chỉ đạt khoảng 80% kế hoạch. Theo các chuyên gia kinh tế thì việc năm 2012 kim ngạch xuất khẩu của tỉnh không đạt kế hoạch đề ra có nhiều nguyên nhân, một phần do ảnh hưởng chung của nền kinh tế, phần khác do nội ngành thiếu sự bứt phá quyết liệt, song nguyên nhân quan trọng lại ở công tác xây dựng kế hoạch của tỉnh. Biết là việc xây dựng kế hoạch thì phải trông vào rất nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố tăng thêm. Song trên thực tế, nếu yếu tố tăng thêm không ổn định thì sẽ gây rất nhiều trở ngại cho quá trình thực hiện kế hoạch. Có thể nói, năm 2012, chúng ta đã dựa quá nhiều vào các yếu tố có khả năng tăng thêm, nhưng lại không phân tích được tính khả thi và sự bất ổn định của nó.

 

 

Một chuyên gia về lĩnh vực xây dựng kế hoạch của tỉnh cho biết: Ngoài các đơn vị sản xuất hàng may mặc, chế biến chè, dụng cụ cầm tay, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh còn trông vào khu vực khai khoáng, luyện kim, bởi lĩnh vực này nếu xuất khẩu thuận lợi sẽ đóng góp giá trị rất lớn. Tuy nhiên, khu vực công nghiệp này lại thiếu tính ổn định trong xuất khẩu. Lúc giá cả hàng hóa tăng cao, nhiều đối tác đặt vấn đề thì doanh nghiệp lại không được xuất hoặc không có khả năng xuất, ngược lại, khi Chính phủ cho phép xuất khẩu thì giá lại quá rẻ bởi đối tác lợi dụng để ép giá. Ví dụ, quặng sắt là sản phẩm xuất khẩu mà những nhà xây dựng kế hoạch của tỉnh khá quan tâm. Năm 2012, gần như chúng ta không khai thác được nhiều ở hàng hóa này bởi Chính phủ không cho phép xuất khẩu quặng thô. Đến những tháng đầu năm 2013, khi Chính phủ có chủ trương cho xuất khẩu quặng sắt để giải quyết lượng hàng tồn kho, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thì chúng ta lại chưa xuất được là bao vì giá quá thấp. Bởi thế, việc trông chờ vào những đóng góp lớn từ khu vực này cho giá trị xuất khẩu là thiếu khả quan. Báo cáo đánh giá về hoạt động xuất khẩu của tỉnh năm 2012 cũng khẳng định: Trong năm không phát sinh xuất khẩu phôi thép, các mặt hàng quặng titan, quặng sắt, thép cán, phero silic giảm mạnh so với năm trước. Được biết, khi xây dựng kế hoạch xuất khẩu năm 2012, ngành chuyên môn của tỉnh cũng đã xem xét đến giá trị đóng góp của Dự án khai thác mỏ đa kim Núi Pháo, bởi theo tính toán thì Dự án này có khả năng hoàn thành vào quý III của năm. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này của năm 2013, Dự án trên cũng chưa thể chính thức cho ra sản phẩm.

 

Bước sang năm 2013, kế hoạch đề ra của tỉnh là phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 158 triệu USD, cao hơn kế hoạch đề ra của năm 2012 là 12 triệu USD. Tuy nhiên, trên thực tế thì lại cao hơn tới 31,4 triệu USD so với kết quả đã thực hiện được của năm 2012. Theo ông Dương Huy Khải, Trưởng phòng Quản lý thương mại và Hội nhập kinh tế quốc tế (Sở Công Thương) thì năm nay, thị trường xuất khẩu đã có những nét khởi sắc hơn, song vẫn còn rất nhiều khó khăn. Việc 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh chỉ đạt gần 39,3% đã phản ánh đúng thực tế đó. Những tháng còn lại của năm, để đạt được như kế hoạch đề ra thì ngoài những tác động từ cơ chế chính sách của Nhà nước, sự nỗ lực của các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn, còn cần đến sự đóng góp của một số yếu tố tăng thêm. Mà cụ thể yếu tố tăng thêm ở đây chính là việc Dự án khai thác mỏ đa kim Núi Pháo cho ra sản phẩm xuất khẩu. Như vậy, năm nay, xuất khẩu của chúng ta lại trông rất nhiều vào khả năng đóng góp của Dự án này. Xét về khía cạnh chuyên môn trong xây dựng kế hoạch thì điều đó là có lý, song thực tế lại chưa thật sự phù hợp nếu không muốn nói là thiếu tính chắc chắn. Giả dụ Dự án khai thác mỏ đa kim Núi Pháo sẽ cho ra sản phẩm nhanh nhất vào quý IV năm nay thì cũng chưa chắc đã có ngay kim ngạch xuất khẩu. Để một dự án mới có thể xuất khẩu phải qua nhiều khâu, trong đó khâu quan trọng nhất là đối tác và giá cả thị trường. Hiện nay, rất nhiều đơn vị hoạt động khai khoáng, luyện kim của tỉnh có đủ điều kiện để xuất khẩu nhưng vẫn chất đống sản phẩm trong kho vì thị trường khó khăn, giá cả quá thấp, đối tác lại đang lợi dụng ép giá.

 

Qua đây, cũng muốn nói thêm rằng, tính ổn định trong xuất khẩu của chúng ta còn nhiều điều đáng bàn. Ngay cả tới đây khi Dự án Tổ hợp công nghệ cao Samsung chính thức đóng góp một lượng kim ngạch xuất khẩu khổng lồ thì chúng ta cũng vẫn cần quan tâm và có những giải pháp bền vững về khai thác giá trị xuất khẩu cũng như xây dựng kế hoạch xuất khẩu hàng năm.