Tuy vừa được Ngân hàng thế giới (World Bank- WB) xếp là nền kinh tế lớn thứ 42 thế giới với GDP, tính theo ngang bằng sức mua là 322,7 tỷ USD. Đây có thể được coi là một sự tiến bộ của phát triển kinh tế Việt Nam trong những năm qua, nhất là trong khi nền kinh tế thế giới đang trong giai đoạn khủng hoảng. Những thành tựu mà kinh tế Việt Nam đạt được chính là lạm phát giảm còn 6,7% trong tháng 6/2013, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối tăng, kim ngạch xuất khẩu tăng 16%…
Việt Nam cũng đạt thặng dư thương mại năm 2012 và dự báo tiếp tục đạt thặng dư thương mại trong năm 2013. Các nhà đầu tư vẫn coi Việt Nam là quốc gia có sức hấp dẫn đầu tư tốt trong các nước ASEAN. Cùng với các địa phương khác trong cả nước Thái Nguyên cũng có những bước phát triển khá về kinh tế, là tỉnh có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài xếp vào hàng các tỉnh, thành phố đạt cao nhất trong cả nước.
Tuy nhiên kinh tế Việt Nam vẫn chưa có được những bước bứt phá nhanh chóng. Trong giai đoạn 2010/2013, kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm hơn nhiều nước trong khu vực Đông Nam á, trong đó có cả Indonesia và Philipin. Dự báo kinh tế Việt Nam chỉ đạt mức tăng trưởng 5,3% trong năm nay và 5,4% trong năm 2014; dự báo lạm phát vào cuối năm 2013 có thể lên tới trên 8%. Nền kinh tế trong nước vẫn còn phải đối mặt với những khó khăn như: thâm hụt ngân sách, cải cách doanh nghiệp Nhà nước còn hạn chế, nợ xấu còn đang là vấn đề đáng lo ngại, tình trạng đầu tư không hiệu quả, tồn đọng bất động sản chưa có dầu hiệu tan băng … GDP của Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực như: Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines. Hiện tại trong khu vực Đông Nam Á, kinh tế Việt Nam vẫn ở nhóm các nước có nền kinh tế thấp, cùng với Myanma, Lào, Campuchia …
Hiện nay, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam nếu tính theo cách thông thường đạt gần 141,7 tỷ USD, đứng thứ 56. Tại khu vực Đông Nam Á, Thái Lan đứng thứ 31, Malaysia đứng thứ 34, Singapore đứng thứ 35, Philippines đứng thứ 40…các nước trên trong năm 2012 và dự báo trong năm nay và trong ngắn hạn vài năm tới sẽ có mức GDP tăng cao hơn Việt Nam, trong khi thu nhập bình quân đầu người của họ cao hơn nước ta. Như vậy, kinh tế Việt Nam tuy đã có những bước phát triển tốt nhưng để có thể tiến gần và tiến kịp, bước vào nhóm các nước có nền kinh tế hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á thì kinh tế Việt Nam cần có những bước phát triển nhanh chóng, tốc độ tăng GDP cao hơn, vững chắc hơn trong những năm tới, nhất là trong giai đoạn nền kinh tế thế giới đang có những dấu hiệu hồi phục, thoát dần khủng hoảng.