Mục tiêu xuất khẩu dệt may đạt 19 tỷ USD là khả thi

07:49, 10/07/2013

Theo Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt 8,9 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Những tín hiệu tăng trưởng khả quan của dệt may Việt Nam đã khẳng định vị thế cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường thế giới, nhất là tại 4 thị trường quan trọng là Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản và Hàn Quốc.

 

Theo lãnh đạo Vinatex, cùng với tín hiệu hồi phục về thị trường xuất khẩu và sức bật nội tại của doanh nghiệp trong ngành dệt may Việt Nam thì năm 2013, mục tiêu 19 tỷ USD sẽ thành hiện thực, vượt kế hoạch đề ra từ đầu năm khoảng 1 tỷ USD.

 

Kỳ vọng vào TPP

 

Tại buổi họp báo sơ kết công tác 6 tháng đầu năm do Vinatex tổ chức chiều 9/7, ông Lê Tiến Trường, Phó Tổng Giám đốc Vinatex cho biết, Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP) nếu được ký sẽ là "cú hích" mới cho dệt may Việt Nam cả về quy mô sản xuất và xuất khẩu cũng như cải thiện giá trị gia tăng của sản phẩm dệt may.

 

Trong các đối tác tham gia đàm phán hiệp định TPP với Việt Nam lần này thì Mỹ và Nhật Bản chiếm thị phần lớn nhất.

 

Ước 6 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu của dệt may Việt Nam vào thị trường Mỹ đạt 3,94 tỷ USD (dự tính cả năm sẽ đạt 9 tỷ USD) chiếm 44,8% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái; thị trường Nhật Bản đạt 1,1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 12,5% kim ngạch xuất khẩu, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Nhận định về thị trường Mỹ, ông Trường cho hay, trong số hàng xuất khẩu thì tín hiệu vui mới là hàng xơ sợi nhân tạo của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ đã tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước.

 

Còn với thị trường Nhật Bản, xuất khẩu dệt may Việt Nam sẽ phát triển được quy mô tăng trưởng xấp xỉ thị trường EU.

 

"Chưa có TPP thì dệt may Việt Nam đã có mức tăng trưởng rất tốt. Nếu hiệp định TPP sớm được ký kết thì xuất khẩu dệt may Việt Nam sẽ có thêm cú hích để bật mạnh hơn nữa," ông Trường nói.

 

Đối với khối EU, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam 6 tháng đầu năm đạt 1,29 tỷ USD, theo nhận định của Vinatex, nếu sự hồi phục kinh tế cũng như nhu cầu tiêu dùng được cải thiện thì xuất khẩu của Việt Nam vào EU sẽ giữ được mức tăng trưởng trên 18%.

 

Trong khi đó, thị trường Hàn Quốc, sẽ được duy trì là thị trường xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ 4 của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu năm 2013 dự kiến đạt trên 1 tỷ USD (6 tháng đạt 660 triệu USD).

 

Yếu chuỗi cung ứng

 

Tuy nhiên, ông Trường cũng chỉ ra những khó khăn nội tại của ngành dệt may Việt Nam như: tốc độ tăng trưởng chưa thực sự bền vững do ngành chưa thực hiện được chuỗi cung ứng cho mình, vẫn phải phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên liệu.

 

Cụ thể, trong gần 9 tỷ USD xuất khẩu nửa đầu năm nay thì có tới 5,1 tỷ USD là nhập khẩu và phần thặng dư mang lại trên tổng kim ngạch xuất khẩu ước tính khoảng 3,8 tỷ USD.

 

Thực trạng này dẫn đến những điểm yếu là tỷ trọng tích lũy của ngành dệt may trong nước chưa cao trong khi dệt may Việt Nam vẫn mạnh về khâu may (là khâu đầu tư thấp, dễ dịch chuyển) nên sẽ có rủi ro về phát triển bền vững.

 

Do vậy theo ông Lê Tiến Trường,  muốn tận dụng hiệu quả cao nhất Hiệp định TPP thì phải hình thành chuỗi cung ứng bên trong, có sự liên kết hữu cơ giữa các khâu trong đó một chuỗi cung ứng hoàn chỉnh từ thiết kế - nguyên phụ liệu - may - phân phối phải được hình thành trong cộng đồng các thành viên tham gia ký kết Hiệp định TPP.

 

"Các doanh nghiệp cần tận dụng tốt TPP để gia tăng năng lực cạnh tranh, xây dựng chiến lược phát triển bền vững," ông Trường nhấn mạnh.