Cuối một đoạn đường của xóm Soi Mít, xã Phúc Trìu (T.P Thái Nguyên), có ngôi nhà xây xinh xắn, nằm giữa từng vạt chè mơn mởn xanh - đó là nhà của thương binh, nạn nhân chất độc da cam Mạc Văn Hải.
Ông Hải già hơn so với tuổi 63 của mình. Ông đang phải chung sống với nhiều thứ bệnh mang trong cơ thể. Từ nửa năm nay, cánh tay trái của ông phát bệnh lạ, bị tê tê nên làm việc gì cũng khó. Ông bảo: Hiện 1 mảnh đạn thù còn găm lại trong đầu, bác sĩ không dám mổ, thỉnh thoảng “nó” lại cựa quậy" làm tôi bị đau đớn.
Năm 1969, ông Hải nhập ngũ, được điều động vào mặt trận Quảng Trị. Ông bị thương khi tham gia 1 trận đánh ở Pô Cum (Nam Lào). Sau điều trị tại Quân y viện, ông phục viên, trở về sinh sống cùng bố mẹ ở xã Phúc Trìu.
Lúc đó, năm 1972, bố mẹ ông mới dời chuyển từ vùng lòng Hồ Núi Cốc đến khai phá đồi hoang để tạo lập cuộc sống mới. Đưa tôi đi thăm từng vạt chè xanh mơn mởn, Ông bảo: Ngày trước, đất đai hoang hóa, vô chủ, tự tay tôi khai phá được hơn 15.000 m2. Đất nhiều, nhưng phải chịu ăn đói, mặc quần áo vá... Cái thuở “ngăn sông cấm chợ”, nông dân chẳng biết làm gì, có cân chè mang ra chợ bán có khi bị thu trắng. Những ngày giáp hạt "tháng Ba, ngày Tám" vợ chồng đưa nhau sang tận bên Phúc Tân (Phổ Yên) mót sắn về ăn độn.
Vợ ông Hải là bà Tống Thị Thúy, người gốc Nam Định. Bà Thúy sống nhân hậu, luôn hiểu ý chồng. Vì thế họ dễ dàng vượt qua những năm tháng kinh tế gia đình khó khăn để cùng nuôi 4 con nhỏ. Hiện 4 người con của ông Hải, bà Thúy đều đã trưởng thành.
Nhìn cơ ngơi khang trang, tiện nghi đủ dùng, ông Hải tự hào nhớ lại: Năm 1973, tôi cưới bà Thúy. Cuộc sống khởi đầu cho 1 gia đình mới đầy gian khó. Ngôi nhà chúng tôi ở bị mưa xối, bỗng đổ ụp. Hú vía, may chẳng có ai bị làm sao.
Sau cái đận bị mưa làm đổ nhà, ông Hải hằng ngày đi làm công cho Hợp tác xã Phúc Trìu lấy công điểm, tối về mượn trâu cày bừa, san hạ 1 góc đồi lấy đất làm nhà. Mất chừng 3 tháng, ông hạ xong 1 góc đồi thấp xuống hơn 1,5m. Lại dựng nhà ở và bỏ hẳn việc đi mót sắn, mà tự trồng sắn lấy củ ngay trên đất của gia đình.
Đất mới, hom sắn đặt xuống, nảy mầm, sau 1 năm gốc nào cũng cho dăm bẩy cân củ. Sắn thu được ông mang bán, mua được đôi lợn nái. Nái mẹ đẻ được bao nhiêu, nuôi hết. Rồi khi có lợn bán, ông mua thêm trâu về nuôi. Có lúc trong nhà ông nuôi được 6 con trâu, vừa để cày, kéo, vừa vỗ béo bán tăng thu nhập.
Trong lúc đưa tôi đi thăm cơ ngơi của gia đình, ông Hải khoát vòng tay về phía trước, bảo: Nửa quả đổi bên kia, gần 5.000 m2 đất do tôi khai phá. Tôi đã cho hẳn gia đình ông Trịnh Văn Thuật và một số hộ khác cùng xóm để họ ổn định cuộc sống.
Giây lát dừng lời, ông Hải tiếp tục câu chuyện: Tôi không nghĩ mình làm giàu để được Hội Cựu Chiến binh, Hội Nạn nhân chất dộc da cam suy tôn làm kinh tế giỏi. Mà chỉ nghĩ mình phải làm như thế nào đó để đất đẻ ra những sản phẩm nuôi sống người trong gia đình mình. Vì thế sau trồng sắn, tôi chuyển đất sang trồng cây ăn quả, như na, hồng không hạt và nhiều loại cây ăn quả khác. Song thấy bấp bênh, tôi đạp xe đến Nông trường chè Sông Cầu (Đồng Hỷ) mua hạt chè giống, về trồng được hơn 8.000 m2. Do phù hợp thổ nhưỡng, cây chè phát triển nhanh, mỗi lứa tôi thu hoạch được hơn 400 kg chè búp khô. 1 năm thu hái 5 lứa, được hơn 2 tấn chè búp khô/năm, đạt 200 triệu đồng/năm.
Năm 2002, ông Hải mạnh dạn thuê máy xúc về hạ hết độ cao các mỏm đồi, tạo mặt dốc vừa phải để trồng chè cành giống mới thay thế diện tích chè cũ. Sau 7 năm (từ năm 2002 đến 2008) ông bỏ ra hàng chục triệu đồng thuê máy san đất, tạo mặt bằng trồng mới được hơn 8.000 m2 chè cành, chủ yếu là giống Phúc Vân Tiên, Kim Tuyên và TRI 777.
Để cây chè cành phát triển tốt, ông thuê máy ủi 360 m2 đất trũng làm ao lấy nước tưới chè. Ông cho biết: Tôi thực hiện quy trình làm chè an toàn kể từ khâu chăm bón, thu hái đến chế biến sản phẩm. Vì thế chè của gia đình tôi làm ra không bị tồn đọng. Từ 3 năm gần đây, gia đình tôi thu được hơn 2,1 tấn chè khô, giá bán trung bình đạt 200 nghìn đồng/kg, đặc biệt sản phẩm chè Phúc Vân Tiên có giá bán 250 nghìn đồng/kg, ngày giáp tết bán được gần 300 nghìn đồng/kg. Nói khiêm tốn 1 năm gia đình tôi cũng thu được 420 triệu đồng, trừ chi phí còn dư được 300 triệu đồng/năm.
Không chỉ lo làm giàu cho mình, ông Hải còn thường xuyên giúp đỡ bà con chòm xóm, các hội viên nạn nhân chất độc da cam, hội viên cựu chiến binh vốn vay phát triển kinh tế không lấy lãi. Điển hình như gia đình Cựu chiến binh Trần Văn Thủy và gia định nạn nhân Chất dộc da cam Vũ Văn Sơn (cùng xóm Soi Mít) được ông Hải cho vay tiền làm nhà ở. Ông Hải bảo: Làng xóm “tối lửa tắt đèn có nhau”, mình có điều kiện hơn, mình giúp, chứ có đáng là bao.
Như một thói quen, ông Hải dùng bàn tay phải bóp đều lên cánh tay trái mới mắc chứng bệnh tê tê, rồi bảo: Gần đây, cái mảnh đạn trong đầu lại “đạp lung tung”, đau lắm, nhưng không vì thế tôi bỏ đồi chè. Năm 2012, tôi đầu tư xây dựng lại khu nhà xưởng chế biến chè rộng 140 m2, hết 180 triệu đồng, chưa kể 3 máy vò, 3 máy xao xấy chè và nhiều vật dụng phục vụ công việc chế biến chè của gia đình.