Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã xác định, trong giai đoạn 2011-2015, tỉnh ta triển khai thực hiện 45 dự án, công trình (DACT) và quy hoạch trọng điểm. Qua hơn 2 năm thực hiện, đến nay, hầu hết các DACT trọng điểm đã được tổ chức khởi công xây dựng. Tuy nhiên, do phần lớn được đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách, trong khi tình hình kinh tế, tài chính lại gặp khó khăn, nhà đầu tư thiếu vốn trầm trọng, nên không ít DACT đã để chậm tiến độ, cá biệt có một số DACT không có khả năng thực hiện.
Những dự án để chậm…
Những ngày gần đây, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, lượng mưa trên địa bàn T.P Thái Nguyên tương đối lớn làm ngập úng nhiều đoạn đường trung tâm và không ít khu dân cư, gây khó khăn cho việc đi lại, sinh hoạt của người dân. Thời điểm này lại đúng vào dịp kỳ thi đại học, cao đẳng trên địa bàn đang diễn ra khiến không ít sĩ tử và người nhà phải loay hoay, vất vả di chuyển đến các điểm dự thi. Bởi thế, dư luận lại càng quan tâm hơn đến tiến độ triển khai của Dự án Thoát nước và Xử lý nước thải Thành phố - dự án trọng điểm của tỉnh. Dự án có quy mô lớn, mục tiêu phục vụ tới 100.000 người dân trong phạm vi 1.200ha với mức đầu tư trên 950 tỷ đồng. Dự án do Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước và Phát triển hạ tầng đô thị Thái Nguyên làm chủ đầu tư. Theo kế hoạch, trong 4 năm, từ 2010 đến 3013, Dự án này phải hoàn thiện, song đến nay, số lượng các hạng mục triển khai còn đạt rất thấp. Trong tổng số 20 hạng mục đầu tư thì mới triển khai được 7 hạng mục, trong đó chỉ có 2 hạng mục được quyết toán. Khối lượng các công việc cần triển khai của cả Dự án cũng mới chỉ đạt được 15%. Hiện tại, 10 hạng mục quan trọng về xây lắp còn lại gồm: xây lắp các tuyến ống thoát nước, xây dựng trạm bơm, đấu nối điện, nước, xử lý nước thải, nạo vét cống, mương…, mới dừng ở các bước chuẩn bị đấu thầu, lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và trình phê duyệt chứ chưa tiến hành đầu tư.
Theo đánh giá của tỉnh thì Dự án đầu tư xây dựng Khu công nghiệp (KCN) Nam Phổ Yên (đầu tư đồng bộ hạ tầng trong hàng rào KCN) cũng được xem là chậm tiến độ đề ra. KCN này có diện tích 200ha, do Ban Quản lý các KCN của tỉnh làm chủ đầu tư, chủ trì tham mưu thực hiện. Mục tiêu của Dự án là hoàn thành hạ tầng để cho các cơ sở sản xuất công nghiệp vào thuê đầu tư. Theo kế hoạch, năm 2012, nhà đầu tư phải hoàn thành phần lập dự án đầu tư và thu hút đầu tư. Hiện tại vẫn còn một số vướng mắc tại đây chưa được tháo gỡ. Trong 3 khu A, B, C của KCN thì có khu B vẫn đang vướng mắc về giải phóng mặt bằng. Cũng là đầu tư hạ tầng KCN, Dự án KCN Công nghệ cao T.P Thái Nguyên, diện tích 200ha là một trong những dự án trọng điểm nữa được tỉnh đánh giá là đã để chậm tiến độ đề ra. Ban Quản lý các KCN cũng được giao là chủ đầu tư, chủ trì tham mưu thực hiện Dự án này. Theo kế hoạch thì trong 2 năm 2011 và 2012, Dự án phải hoàn thành quy hoạch chi tiết, lập dự án đầu tư và kêu gọi thu hút đầu tư, nhưng đến nay, chủ đầu tư mới đang hoàn thiện hồ sơ lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 trình UBND tỉnh phê duyệt.
Dự án Khu đô thị sinh viên tại xã Quyết Thắng (T.P Thái Nguyên) có diện tích 200ha, mục tiêu là đến năm 2015 sẽ đáp ứng nhu cầu nhà ở cho khoảng 100 nghìn sinh viên. Dự án này do Sở Xây dựng làm chủ đầu tư lập quy hoạch chi tiết. Được triển khai từ năm 2010, nhưng đến nay, Dự án mới được phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/2000 trên diện tích 70ha và chưa công bố quy hoạch rộng rãi. Ông Trần Dương Hợp, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Sở dĩ chưa công bố quy hoạch Dự án này là vì chưa kêu gọi được nhà đầu tư thực hiện dự án. Nhưng tới đây, chúng tôi cũng sẽ công bố để các nhà đầu tư nghiên cứu, đăng ký tham gia.
Trên đây chỉ là 4 trong số 21 DACT trọng điểm của tỉnh đang triển khai chậm tiến độ, trong đó có 6 dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước và 15 dự án sử dụng vốn của nhà đầu tư và các nguồn vốn khác.
Loại khỏi danh sách “trọng điểm” là chính đáng
Trong 45 DACT trọng điểm của tỉnh thì có 10 DACT chưa triển khai. Điều đáng nói là trong đó có 4 DACT đang được đề nghị xem xét đưa ra khỏi danh sách các DACT trọng điểm giai đoạn 2011-2015 của tỉnh.
Đầu tiên phải kể đến Dự án xây dựng đồng bộ hạ tầng KCN Tây Phổ Yên, diện tích 250ha, chủ đầu tư, chủ trì tham mưu thực hiện là Ban Quản lý các KCN tỉnh. Cuối năm 2011, Dự án này được UBND tỉnh phê duyệt Đồ án quy hoạch chi tiết 1/500, nhưng hiện Chính phủ đã đưa ra khỏi danh mục các KCN của cả nước. Do không thể triển khai, hơn nữa lại không trong diện KCN tập trung, nên Dự án đã được tỉnh điều chỉnh thành KCN số 1 Yên Bình. Thứ hai là Dự án xây dựng Nhà máy Sản xuất sản phẩm bột màu điôxit Titan Thái Nguyên, diện tích 20ha, tổng đầu tư dự kiến lên tới trên 1.480 tỷ đồng do Công ty TNHH Một thành viên Kim loại màu Thái Nguyên làm chủ đầu tư. Dự án này đến nay chưa thể triển khai vì thực tế không có nguồn nguyên liệu để duy trì hoạt động khi đầu tư xây dựng xong Nhà máy. Thứ ba là Dự án xây dựng hồ chứa nước Văn Lăng (Đồng Hỷ). Theo quy mô của Dự án thì hồ chứa nước có dung tích 85 triệu m3, cung cấp nước tưới cho 22.000ha đất canh tác của nhân dân, dự kiến mức đầu tư là 2.500 tỷ đồng. Dự án do Bộ Nông nghiệp và PTNT làm chủ đầu tư. Mặc dù đã được khảo sát, lập dự án đầu tư, song dự án chưa phê duyệt được bởi còn mắc nhiều lý do. Lý do lớn nhất được xác định chính là khi xây xong hồ Văn Lăng thì toàn bộ thị trấn Chợ Mới của tỉnh Bắc Kạn (vùng giáp ranh) sẽ bị ngập úng. Cuối cùng là Dự án Cảng ICD Sông Công do HTX Công nghiệp và Vận tải Chiến Công làm chủ đầu tư. Diện tích sử dụng đất của Cảng là 20ha với tổng mức đầu tư dự kiến 400 tỷ đồng. Mặc dù theo kế hoạch là phải hoàn thành trong năm 2012, nhưng do không thể thực hiện, nên tháng 3/2013, chủ đầu tư đã có văn bản gửi UBND tỉnh đề nghị ngừng chủ trương đầu tư dự án này.
Như vậy, với các nguyên do trên thì việc tới đây, tỉnh dự kiến sẽ xem xét và quyết định đưa 4 dự án này ra khỏi danh mục DACT trọng điểm là hoàn toàn xứng đáng, phù hợp với tình hình thực tế.
Đi tìm nguyên nhân
Xét tổng quát thì phần lớn các DACT trọng điểm để chậm tiến độ hoặc chưa triển khai của tỉnh đều bởi nhà đầu tư khó khăn về vốn. Trong 21 DACT trọng điểm để chậm thì có tới 50% là do thiếu vốn để tiếp tục đầu tư. Trong thời điểm nền kinh tế đang có những khó khăn như hiện nay thì việc nhà đầu tư bị hụt hơi do thiếu vốn là không thể tránh khỏi. Ngay như Dự án Thoát nước và xử lý nước thải T.P Thái Nguyên, dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước mà cũng vẫn thiếu vốn trầm trọng huống chi các dự án huy động vốn của nhà đầu tư. Được biết, Thành phố đang đề nghị tỉnh báo cáo vấn đề này với Chính phủ để có kế hoạch bổ sung vốn đối ứng thực hiện. Đối với Thành phố, ý tưởng về thực hiện Dự án này đã manh nha cả chục năm nay, nhưng do không kêu gọi được nguồn vốn đầu tư, nên mãi tới năm 2010 mới chính thức triển khai. Nhưng rồi, một lần nữa vấn đề vốn lại là rào cản lớn nhất của Dự án.
Ngoài khó khăn về vốn đầu tư, thì một nguyên do nữa làm ảnh hưởng đến tiến độ của các DACT chính là vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Dự án đầu tư xây dựng Trường Đại học Việt Bắc đáng lẽ phải hoàn thành xây dựng cơ bản và tuyển sinh khoá I vào năm 2012, nhưng đến nay vẫn chưa thể hoàn thiện. Vướng mắc lớn nhất của Dự án là còn khoảng 25% diện tích chưa thể giải phóng mặt bằng. Một số hộ dân trong diện ảnh hưởng của Dự án đã không nhận tiền bồi thường.
Còn một ảnh hưởng nữa, đó là vấn đề vận động, thu hút các nhà đầu tư triển khai các DACT đang gặp khó khăn. Các DACT đầu tư hạ tầng KCN, đầu tư các công trình sử dụng vốn ngân sách thường gặp phải những khó khăn này.