Đến Minh Lập (Đồng Hỷ) vào đúng ngày phiên chợ Trại Cài (mùng 10/6 âm lịch), khung cảnh nơi đây thật nhộn nhịp, xe máy, ô tô chở đầy những bao chè búp khô vào, ra tấp nập.
Anh Nguyễn Minh Hoan, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Lập cho biết: Mỗi phiên chợ có tới hơn 10 tấn chè búp khô của vùng Trại Cài được “đổ” đi khắp nơi trong tỉnh và các tỉnh miền Trung. So với khoảng chục năm trước thì lượng chè giao thương ở chợ Trại Cài tăng gấp ba, bốn lần.
Chợ chè Trại Cài đã hình thành được 30 năm nay, mỗi tháng họp 9 phiên. Từ đây, chè đặc sản của các xã Minh Lập, Hòa Bình (Đồng Hỷ) đã đến được với những người thưởng chè trong, ngoài tỉnh và vì thế, chè có xuất xứ từ chợ Trại Cài (còn gọi là chè Trại Cài) ngày càng được nhiều người biết đến. Những người sành chè đều cảm nhận được sự khác biệt riêng có của chè Trại Cài: búp chè cứng, khi pha, hương thơm bốc lên đầy quyến rũ. Rót ra chén, nước sóng sánh màu mật ong thơm ngan ngát. Cầm chén chè nhấp một ngụm, đầu lưỡi chạm vào vị chát đậm, rồi chuyển sang vị ngọt và lan dần xuống cuống họng. Dư vị ngọt ngào sau đó như vẫn còn mãi. Nhiều người thắc mắc vì sao chè Trại Cài lại có hương thơm, vị đượm quyến rũ như vậy, phải chăng do người dân nơi đây biết cách chế biến chè ngon?
Giải đáp câu trả lời của chúng tôi, anh Nguyễn Thanh Phương, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Chè đưa đến giao thương ở chợ Trại Cài được sản xuất, chế biến từ gần 600ha chè của xã Minh Lập và Hòa Bình. Chè ở đây ngon nức tiếng gần xa là bởi thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp với cây chè. Hơn nữa, người dân lại có kinh nghiệm sản xuất, chế biến chè lâu năm. Hiện, ở Minh Lập có 3 làng nghề chè truyền thống là Cà Phê 1, Cà Phê 2, Trại Cài; Hòa Bình có 2 làng nghề truyền thống là Tân Đô, Tân Yên. Các làng nghề này đều đã hình thành 40-50 năm.
Ngày trước, người dân ở vùng Trại Cài sản xuất chè thủ công, bón phân hóa học cho chè một cách bừa bãi. Chè hái về, để ải rồi mới đem sao bằng chảo. Vào chính vụ, chè mọc nhanh, không kịp hái nên có lúc, bà con phải bỏ cả lứa chè. Năng suất, giá trị thu được từ cây chè vì thế chưa cao, mới đạt 30-35 tạ chè búp tươi/năm. 5 năm trở lại đây, bà con đã tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào khâu canh tác, bón phân cân đối, sử dụng các loại phân được phép trong danh mục; phun thuốc bảo vệ thực vật đúng liều lượng; có thời gian cách ly đúng quy định từ khi phun thuốc đến khi thu hái… nên đã hạn chế được tồn dư kim loại nặng, các chất hóa học trong chè; năng suất chè nhờ đó cũng tăng cao, gấp 3 lần so với trước. Trong khâu chế biến, bảo quản, bà con đã sử dụng các loại máy sao, vò chè, tôn quay i-nox, máy hút chân không để bảo quản chè được lâu dài; cải tạo nhà xưởng sản xuất; quan tâm đến bảo vệ môi trường (không vứt lông dược bừa bãi trên đồi chè)… vì thế, chất lượng chè Trại Cài ngày càng được nâng lên. Anh Nguyễn Minh Hoan cho biết thêm: Hiện nay, trong số trên 1.000 hộ dân làm chè ở Minh Lập thì có tới 70% hộ có các loại máy móc phục vụ chế biến chè như tôn quay i-nox, máy sao, vò chè, máy hút chân không bảo quản chè.
Không dừng lại ở đó, những người làm chè ở vùng Trại Cài còn hướng tới sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP (thực hành sản xuất tốt). Hiện, ở xã Minh Lập đã có 9,4ha chè của HTX chè Hà Phương được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài ra, từ đầu năm 2011, 107 hộ dân trong xã cũng đang áp dụng quy trình này trên diện tích 30 ha theo Dự án “Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học” (QSEAP) của Bộ Nông nghiệp và PTNT, phấn đấu sẽ được cấp giấy chứng nhận trong năm nay. Anh Đặng Quang Doanh, cán bộ phụ trách nông, lâm nghiệp xã Minh Lập nói: Đây sẽ là giấy thông hành để sản phẩm chè Minh Lập nói riêng, chè Trại Cài nói chung đến được với những thị trường khó tính trong và ngoài nước.
Sản xuất chè ở vùng Trại Cài đã hiện đại hơn, năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng lên và đầu ra ngày một ổn định hơn. Nhưng theo chị Trần Thị Hà, ở xóm Cà Phê 2, xã Minh Lập, một trong những hộ sản xuất chè lớn của xã (gia đình chị hiện có 1 mẫu chè, mỗi năm thu gần 1 tấn chè búp khô, thu nhập đạt trên 100 triệu đồng) thì chè Trại Cài vẫn chưa được đánh giá đúng với giá trị của chè đặc sản, trung bình mỗi kg chè chỉ được bán với giá 150-170kg, trong khi trên thực tế, có thể bán với giá gấp đôi. Nguyên nhân là do việc tiêu thụ sản phẩm chưa có hệ thống, chưa có doanh nghiệp lớn, xứng tầm đứng ra bao tiêu sản phẩm cho người dân chúng tôi. Vì thế, sản phẩm vẫn phải bán trôi nổi trên thị trường, bị tư thương ép giá.
Anh Nguyễn Thanh Phương chia sẻ: Để chè Trại Cài được đánh giá đúng giá trị, bên cạnh việc tạo dựng mối liên kết chặt chẽ trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thông qua việc hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã… thì Sở Khoa học và Công nghệ cần giúp đỡ địa phương xây dựng nhãn hiệu tập thể chè Trại Cài, qua đó sẽ giúp bảo hộ thương hiệu sản phẩm trên thị trường...