2 năm qua, cùng với những khó khăn chung của cả nước, ngành Nông nghiệp của tỉnh gặp nhiều khó khăn: diễn biến bất thường của thời tiết, giá vật tư đầu vào phục vụ sản xuất tăng cao làm ảnh hưởng đến việc đầu tư thâm canh và tái đầu tư thâm canh của các hộ nông dân; thị trường tiêu thụ sản phẩm cơ bản không ổn định. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo sát sao của tỉnh, sự nỗ lực của cán bộ trong ngành và người nông dân, sản xuất nông, lâm nghiệp của tỉnh vẫn có những sự bứt phá.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm giai đoạn 2011-2013 khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản là 5,75%/năm (kế hoạch đề ra là 4,5%), đóng góp 1,23% vào tốc độ tăng trưởng chung của tỉnh. Theo đó, giá trị sản xuất nông lâm nghiệp thủy sản năm 2013 (theo giá so sánh năm 2010) ước tính tăng 21,3% so với năm 2010, bình quân mỗi năm giai đoạn 2011-2013 tăng 6,67%. Giá trị sản xuất trên 1 ha đất nông nghiệp trồng trọt tăng từ 55 triệu đồng/ha năm 2010 lên 68 triệu đồng/ha năm 2011 và năm 2012 là 69 triệu đồng/ha, dự ước năm 2013 đạt 77 triệu đồng/ha. |
Đưa chúng tôi đi thăm diện tích lúa giống TH 3-3 vừa cấy cách đây không lâu, ông Trần Văn Sáu, ở xóm Tam Thái, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ) hào hứng cho biết: Đây là năm đầu tiên gia đình tôi gieo cấy giống lúa này. Vụ trước, bà con ở đây cấy giống lúa này năng suất đạt khá cao, 230-240 kg/sào, cao hơn so với lúa Khang dân 50 kg/sào. Tôi mong vụ mùa, năng suất lúa của 4 sào ruộng này cũng đạt cao như vậy. Không phải riêng ông Sáu, mà 2 năm qua, từ sự tuyên truyền, vận động của những người làm công tác khuyến nông, nhiều nông dân trong tỉnh đã tích cực đưa các giống lúa năng suất cao, chất lượng tốt như TH 3-3, Syn 6, Nhị ưu 838... vào gieo cấy. Nhờ đó, thành quả đạt được là cơ cấu giống lúa đã có sự chuyển dịch tích cực khi mà trong số 70 nghìn ha đất cấy lúa/năm, diện tích cấy lúa Khang dân đang có biểu hiện thoái hóa, xuống cấp giảm mạnh, diện tích gieo cấy các giống lúa mới tăng đáng kể.
Riêng trong vụ xuân năm 2013, lần đầu tiên, diện tích lúa lai của tỉnh đạt trên 26% (vụ này toàn tỉnh gieo cấy hơn 30 nghìn ha lúa), đó là chưa kể các giống lúa thuần chất lượng cao như TH 1, TH 6, TH 9... cũng được đưa vào gieo cấy khá phổ biến. Kéo theo đó, các giống ngô lai như LVN 4, CP 888, CP 999, NK 4300... đã được trồng đại trà trên đồng đất Thái Nguyên, đưa năng suất ngô tăng lên 42-43 tạ/ha, cao hơn 3-4 tạ/ha so với năm 2010. Tỷ lệ thuận với việc chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng là sản lượng lương thực cây có hạt không ngừng tăng. Năm 2012 đạt 445,5 nghìn tấn, tăng khoảng 7% so với năm 2010, đạt 107,4% so với kế hoạch. Dự ước năm 2013, sản lượng lương thực sẽ đạt 448,2 nghìn tấn, vượt kế hoạch 6,7%.
Trong khi sản lượng lương thực không ngừng tăng, góp phần đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn thì cây chè, cây kinh tế mũi nhọn của tỉnh cũng có sự bứt phá khá ngoạn mục khi đến hết năm 2012, toàn tỉnh đã có hơn 18.600ha chè, tăng hơn 2.000 ha so với năm 2010. Điều đáng nói là diện tích chè cành giống mới đã chiếm tới 40,2% trong tổng số diện tích chè của tỉnh. Hơn thế, năng suất chè bình quân đã đạt 109 tạ chè búp tươi/ha, cao nhất cả nước, vượt 9 tạ/ha so với kế hoạch, sản lượng đạt gần 185 nghìn tấn, đạt cao nhất từ trước đến nay. Một điểm nhấn đáng chú ý là 2 năm qua, người dân đã tích cực sản xuất chè an toàn theo quy trình VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt); UTZ CERTIFIED..., góp phần nâng cao chất lượng chè, đưa giá trị cây chè ngày càng tăng lên (đạt 75 triệu đồng/ha). Đến nay, toàn tỉnh đã có gần 200 ha chè an toàn, tăng khoảng 150 ha so với 3 năm trước.
Năm 2011 và 2012 là thời điểm chăn nuôi lợn, gia cầm gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, giá vật tư đầu vào tăng cao… nhưng tỉnh ta vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất, góp phần tăng tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu kinh tế ngành Nông nghiệp, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong sản xuất nông nghiệp (năm 2012, ngành Chăn nuôi đóng góp trên 42% trong cơ cấu kinh tế ngành Nông nghiệp, tăng hơn 10% so với năm 2010). Hình thức chăn nuôi chủ yếu là quy mô hộ gia đình và trang trại. Hết năm 2012, trên địa bàn tỉnh đã có 416 trang trại chăn nuôi, trong đó có 297 trang trại chăn nuôi lợn, 119 trang trại chăn nuôi gia cầm. Theo đó, số đàn lợn là gần 545 nghìn con, đàn gia cầm khoảng 7-8 triệu con. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại đạt trên 82,3 nghìn tấn, tăng hơn 10% so với năm 2010.
Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho rằng: Những kết quả khả quan đạt được trong 2 năm qua, bên cạnh sự nỗ lực của ngành Nông nghiệp và người dân cũng phải kể đến những chủ trương đúng đắn của tỉnh. Đó là việc hỗ trợ giá giống cho những diện tích lúa lai, ngô lai (năm 2013, tỉnh hỗ trợ 30 nghìn đồng/sào lúa lai, 20 nghìn đồng/sào lúa thuần chất lượng cao, 10 nghìn đồng/sào ngô lai); hỗ trợ 100% giá giống cho những diện tích chè cành nằm trong cơ cấu giống chè của tỉnh như LDP1, Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên...; hỗ trợ một phần kinh phí mua con giống, tạo điều kiện để người dân được vay vốn ưu đãi đầu tư xây dựng trang trại...
Nửa đầu nhiệm kỳ 2010-2015 của Đảng bộ tỉnh đã đi qua và những gì đạt được sẽ là tiền đề để ngành Nông nghiệp tiếp tục phát huy trong những năm tới. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm mà Ngành đề ra là thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, đề án trọng điểm; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản; phát triển nông thôn và xây dựng nông thôn mới; quản lý chặt chẽ, toàn diện về lĩnh vực nông, lâm nghiệp, đầu tư xây dựng cơ bản trong việc sử dụng vốn, kinh phí đảm bảo đúng quy định của luật Ngân sách...