Từ nhiều năm nay, cây ngô đã gắn bó với đồng bào các dân tộc huyện Võ Nhai, là sản phẩm nông nghiệp quan trọng giúp người dân xóa đói giảm nghèo, phát triển chăn nuôi. Vụ xuân năm nay, Võ Nhai lại thêm một vụ ngô được mùa, người trồng ngô ai nấy đều phấn khởi.
Cây ngô được trồng nhiều nhất ở những xã phía Nam (đặc biệt là Tràng Xá, Dân Tiến, Phương Giao) và các xã, thị trấn dọc Quốc lộ 1B của huyện Võ Nhai. Những năm gần đây, diện tích, năng suất ngô của huyện không ngừng tăng: Nếu như năm 2010, diện tích ngô là 5.180ha thì năm 2012 tăng lên 7.000ha; năng suất tăng từ 42,7 tạ/ha lên 45,3 tạ/ha. Vụ xuân này, cả huyện trồng được 3.672ha ngô, vượt kế hoạch 22%, năng suất dự ước đạt 45,61 tạ/ha, bằng 101,31% so với cùng kỳ (thời điểm này, người dân đã thu hoạch được trên 80% diện tích). Bà Nguyễn Thị Mai Huyên, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Võ Nhai cho biết: Khí hậu, thổ nhưỡng của huyện khá phù hợp với cây ngô, trình độ thâm canh ngô của bà con trên địa bàn cũng ngày càng được nâng cao. Đặc biệt, các giống ngô lai đã được người dân lựa chọn, đưa vào trồng đại trà và hiện chiếm khoảng 98% diện tích. Vì vậy, những năm gần đây, ngô trở thành cây trồng mũi nhọn, cây hàng hóa quan trọng giúp người dân trên địa bàn xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế. Sản lượng ngô cả năm 2012 của huyện đạt 31,8 nghìn tấn/56,2 nghìn tấn lương thực có hạt.
Vụ xuân năm nay, gia đình chị Lê Thị Tươi, xóm Làng Tràng, xã Tràng Xá trồng 12kg ngô giống (tương đương gần 1ha). Thời tiết thuận lợi, ngô được mùa, chị Tươi phấn khởi: Với giá bán trung bình 6.000 đồng/1kg ngô hạt như hiện nay, nhà tôi sẽ thu được gần 20 triệu đồng tiền lãi qua vụ ngô này. Có ngô tôi thường xuyên nuôi 10 con lợn thịt và khoảng 200 con gà mía mỗi lứa. Vì vậy, gia đình tôi đã thoát nghèo và có điều kiện nuôi các con ăn học trưởng thành… Xã Tràng Xá là vùng trọng điểm ngô của huyện Võ Nhai với diện tích và năng suất luôn cao nhất huyện. Ông Hoàng Văn Tài, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Cây ngô được trồng đại trà và thực sự trở thành cây trồng mũi nhọn của địa phương khoảng 5 năm trở lại đây, thay thế dần diện tích mía và đỗ tương. Nhiều hộ thu được hàng chục tấn ngô, lãi trên 100 triệu đồng mỗi năm từ trồng ngô. Vụ này, cả xã trồng được 1.180ha ngô, chủ yếu là các giống ngô lai như NK 67, NK 6654, NK 4300. Năng suất ước tính đạt khoảng 49 tạ/ha, cao nhất từ trước đến nay.
Trong niềm vui được mùa, ông Lê Quang Nở, ở xóm Tân Tiến, xã Dân Tiến chia sẻ: “Sau quá trình trồng thử nghiệm một số loại cây khác nhau, chúng tôi mới thấy cây ngô thực sự phù hợp với đồng đất này, dễ chăm sóc, cho năng suất cao lại dễ bán. Cây ngô không những giúp chúng tôi thoát nghèo mà còn có thể làm giàu. Vụ này ngô được mùa lớn, bà con ai nấy đều phấn khởi”. Được biết, ngoài xóm Tân Tiến, các xóm Bắc Phong, Đồng Giã, Đồng Chuối, Đoàn Kết và Lân Vai là những nơi trồng nhiều ngô nhất xã Dân Tiến. Mỗi năm, toàn xã trồng được trên 800ha ngô, trong khi diện tích lúa là 414ha. Theo ông Lương Huy Bắc, Chủ tịch UBND xã Dân Tiến thì nông dân trong xã khá nhanh nhạy và mạnh dạn áp dụng kỹ thuật mới vào thâm canh cây ngô. Các giống ngô mới luôn được bà con hào hứng đón nhận.
Đồng hành và “tiếp sức” cho người nông dân, hằng năm các cơ quan của huyện, các xã phối hợp với những đơn vị cung ứng giống triển khai nhiều mô hình trình diễn những giống ngô mới, đồng thời tổ chức hàng chục lớp tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho bà con. Trong đó ưu tiên những vùng khó khăn, nơi có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, qua đó góp phần làm thay đổi tập quán canh tác của người dân. Ví dụ, các vùng có đồng bào dân tộc Mông sinh sống (xóm Lân Vai, khu Làng Ươm, xã Dân Tiến; khu Lân Thùng, xã Phương Giao; xóm Kim Sơn, xã Thần Sa; xóm Lũng Hoài, xã Thượng Nung), khoảng 3 năm về trước đa số trồng giống ngô địa phương thì nay hầu hết diện tích là ngô lai. Cùng với đó, các cơ chế chính sách của Nhà nước như hỗ trợ giống ngô, vật tư luôn được triển khai đầy đủ và hiệu quả.
Thời gian tới, phát triển cây ngô vẫn là hướng ưu tiên của huyện Võ Nhai. Tuy nhiên, thay vì mở rộng diện tích, huyện chỉ đạo và khuyến khích người dân thâm canh tăng vụ, tích cực áp dụng khoa học, kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, giá trị trên cùng một đơn vị diện tích. Theo bà Nguyễn Thị Mai Huyên thì hiện nay tình trạng bà con lạm dụng thuốc diệt cỏ và phân bón hóa học trong trồng ngô đang có biểu hiện gia tăng, trong khi việc trồng ngô vụ đông chưa được chú trọng. Vì vậy, các cơ quan liên quan của huyện và địa phương đang tích cực tuyên truyền, vận động để từng bước thay đổi thực trạng này.