Trong chương trình “Dân hỏi-Bộ trưởng trả lời” ngày 4/8, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã tập trung giải đáp những vấn đề liên quan đến xuất khẩu gạo, thời điểm tăng giá xăng dầu, điện, chống phân bón giả.
Thưa Bộ trưởng, nhiều người dân vẫn bày tỏ lo ngại về công tác đấu tranh chống nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trong thời gian qua. Cụ thể như với sản phẩm mũ bảo hiểm, Bộ Công Thương dù đã có sự chỉ đạo hết sức quyết liệt, thế nhưng dường như các loại mũ mũ bảo hiểm giả vẫn bày bán tràn lan?
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Trước hết khung pháp lý cần phải tiếp tục hoàn thiện, điều chỉnh các hành vi từ khâu sản xuất, lưu thông, sử dụng.
Đối với một số hàng hóa thiết yếu cho đời sống của người dân, liên quan trực tiếp đến sức khỏe của nhân dân thì các quy định, chế tài xử phạt phải đủ mức răn đe để cơ sở, cá nhân vi phạm không dám tái phạm.
Người dân băn khoăn về cách xử lý còn mang tính hình thức khi mà thực tế đã có những thiệt hại xảy ra. Nhưng khi Bộ Công Thương tiến hành thanh tra, kiểm tra thì kết quả không đáng là bao, thậm chí nếu có vi phạm thì chỉ là những lỗi rất nhỏ về nhãn mác hàng hóa, cụ thể như việc xử lý vi phạm về chất lượng phân bón. Tại sao lại có nghịch lý này và chúng ta đã có những giải pháp gì cho việc đó, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Đây là thực tế phản ánh thực trạng công tác quản lý thị trường hiện nay của chúng ta, việc kiểm tra, xác nhận các tiêu chí chất lượng sản phẩm còn không nhất quán, thống nhất. Đối với những cơ sở, cá nhân sản xuất, kinh doanh phân bón không đảm bảo chất lượng do thu lợi nhuận lớn, nên nếu chúng ta không răn đe đủ mạnh thì người ta sẽ vẫn vi phạm. Vì vậy, phải tăng cường công tác xây dựng khuôn khổ pháp lý, quy định chặt chẽ để không có các kẽ hở cho những cơ sở, cá nhân có thể lợi dụng, vi phạm.
Thứ hai, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiếm soát và xử lý kiên quyết các vi phạm. Thứ ba là cần tăng cường công tác tuyên truyền.
Thưa Bộ trưởng, trong thời gian qua, nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn tại sao Bộ Công Thương lại tham mưu, đề xuất ban hành Nghị định 109, theo đó chỉ cấp phép xuất khẩu gạo cho khoảng 100 thương nhân đầu mối đủ điều kiện. Điều này có thể góp phần “bóp nghẹt” đầu ra hạt gạo của Việt Nam. Cũng từ đó nảy sinh những nhóm lợi ích đang trục lợi chính sách và trục lợi công sức của người nông dân trồng lúa?
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Nghị định 109 được ban hành năm 2009, đây không phải là sản phẩm riêng theo đề xuất của Bộ Công Thương.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp lấy ý kiến của các Bộ, các ngành và tham vấn rất rộng đến các địa phương và hiệp hội ngành nghề trong đó có Hiệp hội Lương thực Việt Nam.
Con số 100 đầu mối kinh doanh xuất khẩu gạo cũng không phải đề xuất của Bộ Công Thương.
Qua thực tế khi vận hành Nghị định 109, ý kiến của nhiều đơn vị cho rằng phải giảm bớt số đầu mối để các doanh nghiệp được cấp phép hoạt động có hiệu quả.
Thưa Bộ trưởng, việc chấn chỉnh lại hoạt động kinh doanh, xuất khẩu gạo trên thị trường là hết sức cần thiết, tuy nhiên, làm thế nào để Bộ Công Thương có thể kiểm soát được các đối tượng trục lợi chính sách này?
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Ngày 31/7, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản 1711 thông báo sau khi xem xét kiến nghị của các Bộ ngành mà Bộ Công Thương làm đại diện, đã đồng ý về mặt nguyên tắc sửa đổi bổ sung (Nghị định 109-PV) theo hướng: Tập trung khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có đủ điều kiện về tài chính, về kho bãi, về thị trường, được thuận lợi trong việc kinh doanh và xuất khẩu gạo; kiên quyết ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp không đáp ứng điều kiện, thậm chí là không có khả năng nhưng lại được cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu gạo, rồi bán lại giấy phép hoặc trục lợi trên quy định của Chính phủ.
Văn bản này cũng quy định trước mắt, vẫn phải khống chế doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo. Doanh nghiệp nào liên tiếp trong 2 năm không xuất khẩu được quá 10.000 tấn gạo/năm thì không cấp phép.
Nhưng làm thế nào Bộ Công Thương vừa kiểm soát được việc các doanh nghiệp được cấp phép rồi bán giấy phép xuất khẩu cho doanh nghiệp khác để trục lợi, đồng thời vẫn đáp ứng được chỉ tiêu xuất khẩu, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Điều này cũng liên quan đến quản lý thị trường, quản lý sản xuất kinh doanh mà nếu chỉ riêng Bộ Công Thương thì không thể làm được, nên cần phải phối hợp rất chặt chẽ, trước hết là với Hiệp hội Lương thực Việt Nam, với các địa phương, bộ, ngành trong đó có Bộ Nông nghiệp và PTNT.
Thưa Bộ trưởng, tại sao trong gần như cùng 1 thời điểm, chỉ cách nhau khoảng 3 tuần thì cả giá điện và giá xăng đều tăng, trong khi đây là mặt hàng thiết yếu, tác động rất lớn tới đời sống?
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Nói về việc điều chỉnh giá xăng dầu và điện thì đây là câu hỏi đáng suy nghĩ.
Không thể không điều chỉnh theo hướng tăng, vì đáng lẽ giá điện cần phải được điều chỉnh sớm hơn, bởi vì từ tháng 12/2012 đến nay, chúng ta chưa tăng giá điện, trong khi một loạt chi phí đầu vào liên quan đến giá điện đều đã tăng, biến động rất nhiều. Vì vậy, nếu kéo dài việc không tăng giá thì ngành Điện sẽ rất khó khăn.
Có nghĩa là để giải quyết khó khăn cho ngành Điện thì người dân và xã hội sẽ phải chịu trách nhiệm về việc đó?
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Để giải quyết khó khăn thì bản thân ngành Điện vẫn là chính, nhưng nếu không có sự quan tâm, cùng tham gia chia sẻ của người dân và xã hội thì ngành Điện cũng sẽ rất khó khăn.
Tôi cũng xin lưu ý một điều, dù có điều chỉnh giá nhưng chủ trương của Đảng và Nhà nước với người nghèo và gia đình chính sách vẫn giữ không thay đổi và việc hỗ trợ 30.000 đồng mỗi tháng cho 1 hộ nghèo về tiền điện vẫn giữ như hiện nay. Đây là cố gắng lớn trong bối cảnh ngân sách của chúng ta còn nhiều khó khăn.