Hết năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo của xã Yên Trạch chiếm trên 36%, thuộc nhóm các xã nghèo nhất của huyện Phú Lương. Tuy nhiên, nếu so sánh với tỷ lệ nghèo 50,1% của năm 2010 thì đây được xem là một bước tiến dài của xã thuần nông này.
Đồng chí Nguyễn Công Đảm, Bí thư Đảng ủy xã chia sẻ: Là xã thuần nông, Yên Trạch có xuất phát điểm thấp và hầu như không có thế mạnh nào trong việc phát triển kinh tế. Gần 90% người dân trong xã sống bằng sản xuất nông nghiệp nhưng diện tích đất canh tác lại ít, chủ yếu là độc canh cây lúa. Trước thực tế đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Yên Trạch nhiệm kỳ 2010-2015 đã xác định nhiệm vụ trọng tâm là lãnh đạo phát triển kinh tế, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm tăng giá trị trên một diện tích đất nông nghiệp.
Để thực hiện mục tiêu nói trên, giải pháp của Đảng ủy xã Yên Trạch đưa ra là tăng cường chỉ đạo nhân dân áp dụng các mô hình sản xuất mới. Dự án trồng dược liệu là cây kim tiền thảo mà 70 hộ dân, tại 10 xóm của xã đang triển khai là một ví dụ. Tham gia Dự án, người dân được sự hỗ trợ 100% giống, phân bón, cùng kỹ thuật trồng và chăm sóc từ phía Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên. Anh Dương Quốc Bột, xóm Bãi Kịch nhận xét: “Đây là loại cây phù hợp với thổ nhưỡng địa phương nên phát triển rất tốt và ít sâu bệnh. Gia đình tôi đăng ký trồng 4 sào, sau 2 tháng đã mọc cao khoảng 20cm. Cái hay của Dự án là người dân được bao tiêu sản phẩm nên không lo đâu ra hay bị tư thương ép giá”. Ưu điểm của cây kim tiền thảo là trồng một lần, có thể thu hoạch nhiều lần, trong nhiều năm. Người dân có thể thu hoạch bằng cách cắt cây sát gốc, để cây mọc mầm cho những đợt tiếp theo. Theo tính toán, trung bình 1 sào kim tiền thảo có thể cho sản lượng từ 6 đến 8 tạ cây tươi/năm. Với giá thu mua theo hợp đồng là 10 đến 12 nghìn đồng/kg, trừ chi phí, người dân được lãi khoảng 6 triệu đồng.
Trước đó, từ cuối năm 2010, xã Yên Trạch cũng phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện triển khai thành công mô hình trồng bí xanh trên đất lúa một vụ. Ông Nguyễn Quốc Toàn, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng xóm Bãi Kịch nhớ lại: “Tham gia mô hình, nông dân được hỗ trợ toàn bộ giống và 50% tiền phân bón, tuy vậy không nhiều người mặn mà thực hiện. Lý do là họ vốn quen với nếp sản xuất cũ, ngại thử nghiệm. Là xóm ở vị trí trung tâm, chúng tôi được xã chọn thực hiện điểm, Đảng ủy xã yêu cầu cán bộ, đảng viên trong xóm đăng ký trồng trước để người dân làm theo”.
Vụ đầu tiên, gia đình ông Toàn đăng ký trồng 3 sào, ngoài giống và phân bón đã được hỗ trợ, tiền đầu tư làm giàn cho một sào bí là gần 1 triệu đồng. Mỗi sào bí sau hơn 3 tháng chăm sóc cho thu hoạch khoảng 2 tấn quả, với giá bán trung bình 5 nghìn đồng/kg, ông đã thu về ngót 10 triệu đồng. Thấy rõ hiệu quả kinh tế của loại cây trồng này nên nhiều gia đình trong xóm làm theo. Từ gần chục hộ ban đầu trồng thử nghiệm, đến nay đã có 70 hộ của xóm Bãi Kịch trồng bí xanh, với diện tích là 7ha. Vụ bí năm 2013 này, xã Yên Trạch cũng trồng tới 30ha, nhiều nhất từ trước đến nay, sản lượng thu hoạch ước đạt 1.500 tấn. Tuy thị trường có đôi chút khó khăn và giá thu mua giảm, trung bình chỉ khoảng 2,5 đến 3 nghìn đồng/kg, thì tổng giá trị kinh tế từ trồng bí cũng đạt hơn 4 tỷ đồng.
Không chỉ tích cực thí điểm các mô hình sản xuất mới, 3 năm qua, xã Yên Trạch còn khuyến khích bà con mở rộng diện tích trồng cây vụ đông, nhất là cây ngô lai. Bình quân mỗi vụ, xã trồng từ 40 đến 50ha ngô, tăng hơn 2 lần so với thời điểm năm 2009. Cá biệt, năm 2011, diện tích ngô của Yên Trạch đạt hơn 100 ha. Ông Nguyễn Thanh Phương, Trưởng xóm Nà Pháng tính toán: So với lúa, trồng ngô đông hiệu quả và ít mất mùa hơn. Đây còn là nguồn thức ăn phục vụ cho chăn nuôi”.
Một hướng phát triển kinh tế nữa đang được đẩy mạnh ở Yên Trạch là khuyến khích các mô hình gia trại tổng hợp dựa vào lợi thế đồi rừng. Đồng chí Nguyễn Thị Nếp, Thường trực Đảng ủy xã cho biết: Đảng ủy đã chỉ đạo UBND tạo điều kiện tối đa cho các gia đình có nhu cầu về thủ tục vay vốn, ưu tiên các chương trình hỗ trợ của cấp trên cho các gia đình phát triển kinh tế đồi rừng. Cụ thể, đã có gần 20 gia trại được vay vốn ưu đãi phục vụ sản xuất kinh doanh của Ngân hàng Chính sách - Xã hội với số tiền từ 20 đến 30 triệu đồng, được thụ hưởng các chương trình hỗ trợ giống vật nuôi, kỹ thuật của Trạm Khuyến nông, Phòng Nông nghiệp và PTNT. Nhiều mô hình gia trại của xã đã và đang phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế khá như: Mô hình trồng rừng, nuôi dê, kết hợp đào ao thả cá của ông Ma Văn Tài, xóm Khuôn Cướm thu nhập trên 70 triệu đồng/năm; mô hình trồng hơn 20ha rừng, kết hợp nuôi trâu của gia đình ông Nông Văn Định, xóm Làng Nông có thu nhập khoảng 60 triệu đồng/năm…cũng từ năm 2010 đến nay, xã đã trồng mới được 321ha rừng, nâng tổng diện tích rừng của Yên Trạch lên hơn 1.500ha. Theo quy hoạch nông thôn mới, xã Yên Trạch đã xác định 4 khu vực sản xuất tập trung gồm: Vùng chăn nuôi tại xóm Đồng Quốc, Nà Mẩy; vùng trồng nếp vải tại xóm Bãi Kịch, Na Hiên, Làng Nông; vùng trồng lúa lai tại xóm Bản Héo, Bản Cái và vùng trồng bí xanh tại xóm Khau Đu, Đồng Quốc. Xã phấn đấu đến hết năm 2015 sẽ đạt mức thu nhập bình quân 11 triệu đồng/người/năm.
Cùng với việc làm tốt công tác lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế, trong 3 năm qua, Đảng bộ xã Yên Trạch cũng là điểm sáng của huyện Phú Lương về phát triển đảng viên. Trung bình mỗi năm, đảng bộ xã kết nạp được từ 15 đến 17 đảng viên mới, bằng 7% tổng số đảng viên toàn Đảng bộ. Đây là nguồn lực tiếp thêm sức mạnh cho Đảng bộ xã lãnh đạo hoàn thành tốt những nhiệm vụ chính trị khác.