Cạnh tranh trong gian khó

10:12, 14/08/2013

Trong giai đoạn hiện nay, khi nhiều loại hàng hóa, sản phẩm thiếu thị trường tiêu thụ thì vấn đề cạnh tranh càng trở nên bức thiết đối với mỗi doanh nghiệp (DN), nhất là những DN mới tham gia thị trường. Trước thực tế đó, nhiều phương cách thông tin, quảng bá thông minh cùng những cơ chế ưu đãi đặc biệt đã được các nhà sản xuất, kinh doanh đưa ra nhằm từng bước giải phóng hàng hóa, gỡ thế bí cho DN.

Cách làm mới của các DN xi măng

 

Thời gian gần đây, nếu để ý tại một số công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh, chúng ta sẽ bắt gặp những tấm biển khổ rộng gắn ngay phía ngoài với dòng chữ lớn: “Công trình sử dụng xi măng Quang Sơn”. Trên bề mặt tấm biển có gắn biểu tượng sản phẩm với hình “con tê giác” kèm chỉ số mác xi măng từ PCB30 đến PCB50. Dưới cùng có in dòng chữ: “Công nghệ được chuyển giao đồng bộ bởi Tập đoàn Fives. FBC - Cộng hòa Pháp”. Đây có thể nói là cách làm mới, đầy sáng tạo của Công ty CP Xi măng Quang Sơn. Hiện tại, Công ty đã gắn biển quảng bá tại một số công trình lớn của tỉnh như: Công trình xây dựng Đại học Việt Bắc, Trung tâm thương mại Thái Nguyên, Trung tâm thương mại Minh Cầu… Ý tưởng này được đưa ra khi mà Công ty đang chịu sức ép cạnh tranh mạnh mẽ của thị trường. Là đơn vị ra đời sau (trước đó đã có xi măng La Hiên, Cao Ngạn, Núi Voi, Lưu Xá), thương hiệu chưa được nhiều người biết đến nên vấn đề tìm kiếm thị trường đối với xi măng Quang Sơn là không dễ dàng. Công ty ra đời vào thời điểm mà tình hình kinh tế trong nước đang gặp khó khăn, thị trường bất động sản đóng băng, nhu cầu và khả năng xây dựng của toàn xã hội bị hạn chế. Trước tình hình đó, nhiều phương án thông tin, quảng bá sản phẩm đã được Công ty áp dụng, trong đó hình thức quảng bá theo kiểu gắn biển ở các công trình được xem là khá hiệu quả. Từ năm 2011 đến đầu năm 2012, việc tiêu thụ xi măng của Công ty là khá khó khăn, nhưng bắt đầu từ cuối năm 2012, nhờ đẩy mạnh các kênh thông tin, quảng bá mà sản phẩm xi măng của đơn vị đã được nhiều người biết đến và lựa chọn. Bà Trần Minh Yến, Thư ký Giám đốc Công ty CP Xi măng Quang Sơn thông tin: Từ đầu năm 2013 đến nay, chúng tôi đã tiêu thụ được gần 420 nghìn tấn xi măng, tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm trước; sản phẩm Clanhke cũng đạt doanh số tiêu thụ kỷ lục với khoảng 214 nghìn tấn, tăng tới 900% so với cùng kỳ. Từ đó, lượng hàng tồn kho của Công ty đã giảm tới 60 đến 70% so với năm trước.
 


Cũng theo hình thức quảng bá trên, Công ty CP Xi măng Quan Triều đã từng bước cải thiện được vấn đề khó khăn về thị trường tiêu thụ. Ra đời sau sản phẩm xi măng Quang Sơn, nên xi măng Quan Triều lại càng phải chịu nhiều sức ép về đầu ra. Mặc dù có chất lượng cao do sử dụng công nghệ tiên tiến của châu Âu, nhưng do mới ra đời, chưa được khách hàng kiểm chứng, nên xi măng Quan Triều không dễ để thuyết phục người tiêu dùng. Tuy nhiên, sau khi  ký được hợp đồng cung cấp sản phẩm xi măng cho các công trình lớn và đề nghị được gắn biển tại chân công trình đó đã giúp Công ty có thêm kênh thông tin để quảng bá sản phẩm của mình.

 


Các chuyên gia thị trường cho rằng, đây là một trong những hình thức quảng bá đạt hiệu quả cao nhất đối với mỗi dòng sản phẩm. Uy tín và tên tuổi của sản phẩm đó được khẳng định và in ngay vào trí nhớ của mỗi người khi bắt gặp tấm biển quảng bá dưới chân một công trình đồ sộ. Từ đó sẽ tạo lòng tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm được quảng bá. Hình thức quảng bá trên vừa lành mạnh, đúng luật và có hiệu quả tức thì.

 

Cơ chế ưu đãi của DN ngành thép

 

Đầu năm 2013, sau nhiều năm triển khai xây dựng, Công ty CP Cán thép Thái Trung đã chính thức cho ra mắt sản phẩm thép cán mang nhãn hiệu TTR. Mặc dù được sản xuất trên dây chuyền tiên tiến, hiện đại của các nước G7, nhưng do mới tung ra thị trường nên việc tìm kiếm thị phần là rất khó khăn. Ở tỉnh ta, sản phẩm thép mang nhãn hiệu TISCO của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên đã ngự trị trong lòng khách hàng nhiều năm nay. Để vượt lên, đối với các sản phẩm thép cán mới ra đời như TTR quả không dễ. Được biết, 7 tháng qua, Công ty CP cán thép Thái Trung sản xuất được khoảng 2.000 tấn sản phẩm nhưng chỉ mới tiêu thụ được khoảng 200 tấn. Trước những khó khăn đó, cùng với các phương thức quảng bá khác, Công ty đã tiến hành các hoạt động xúc tiến thị trường.

 

Ông Ân Văn Tám, Tổng Giám đốc Công ty cho biết: Trong cạnh tranh, ngoài tung ra các sản phẩm chất lượng cao, còn rất cần những chính sách linh hoạt để thu hút bạn hàng. Đối với sản phẩm thép cán TTR, chính sách bán hàng đang là một trong những ưu tiên hàng đầu. Chính sách bán hàng của TTR gồm cả về giá, chiết khấu, tài chính và những ưu đãi trong thời kỳ đầu khi sản phẩm mới ra mắt. Theo đó, giá bán hàng được xác định tương ứng với chất lượng sản phẩm và ban hành theo từng thời điểm tùy thuộc biến động của thị trường. Công ty đã xây dựng riêng chính sách chiết khấu dành cho khách hàng chung thủy và từng khu vực thị trường để ổn định tiêu thụ; giảm giá bán khi cung ứng cho các dự án công nghiệp. Công ty áp dụng linh hoạt các hình thức thanh toán: Nếu thanh toán ngay sẽ được hưởng giá thấp hơn, còn thanh toán chậm sẽ có bảo lãnh, ký quỹ. Khi khách hàng ký quỹ sẽ được trả lãi tương đương với lãi suất ngân hàng thương mại quốc doanh. Khách hàng mua trả sau được thanh toán chậm 100% giá trị sau 30 ngày không tính lãi. Hàng cấp cho các dự án sẽ được ưu đãi về thời hạn thanh toán. Công ty cũng cung cấp miễn phí biển hiệu cửa hàng, hỗ trợ quảng cáo, tiếp thị, xúc tiến bán hàng và phát triển thị trường cho các nhà phân phối. Theo các nhà phân tích thì với cách làm này, nhiều khả năng thị phần của TTR thời gian tới sẽ tăng đáng kể.

 


Qua các trường hợp trên cho thấy, trước cái khó bao giờ cũng ló ra cái khôn. Và trước sức ép mạnh mẽ của thị trường hiện nay, các nhà sản xuất và kinh doanh dù mới tham gia thị trường cũng đều tìm được cách để thâm nhập và tạo ra những cơ hội thực sự, góp phần cải thiện tình hình, đưa DN dần vào quỹ đạo.