Hướng tới Festival Trà Thái Nguyên Việt Nam lần thứ hai, năm 2013, chúng tôi - những người làm Báo Thái Nguyên đã có chuyến lên cao nguyên Lâm Đồng, tỉnh có diện tích chè lớn nhất nước (26.000 ha), thăm nữ doanh nhân Hà Thúy Linh, Giám đốc Công ty TNHH Haiyih, người phụ nữ thành đạt từ làm Trà Ô Long.
Ở T.P Đà Lạt (Lâm Đồng), nhiều người dân sành chè gọi chị Hà Thúy Linh là Linh “Ô Long”. Chị trẻ hơn tuổi 40 của mình rất nhiều, suốt ngày “đắm đuối” hết ngoài đồi chè lại về nhà máy. Bận rộn là thế, nhưng chị luôn có nụ cười thường trực trên môi chào đón mọi người. Chị bảo: Tôi con nhà nông dân, ngày nhỏ ngoài giờ đi học cũng cấy lúa, trồng rau giúp bố mẹ, lớn lên vào làm việc trong ngành Du lịch rồi lấy chồng. Chồng tôi người Đài Loan, anh Haiyih.
Đài Loan là 1 trong những vùng đất nổi tiếng trên thế giới về sản phẩm chè Ô Long. Cũng vì thế mà những ngày sống ở quê chồng, Linh đau đáu suy tư, rồi bàn với anh Haiyih mang giồng chè Ô Long về trồng trên quê hương Đà Lạt, tại thôn Phát Chì, xã Xuân Trường. Chiều lòng vợ, năm 1994, Haiyih đã sang Việt Nam góp vốn cùng bạn bè thành lập Công ty Sản xuất chè Ô Long. Nhưng Do thiếu kinh nghiệm, Công ty chè của chồng triền miên thua lỗ. Trong khoảng thời gian từ 1994 đến 1998, Công ty thua lỗ ít nhất 50.000 USD. Những năm sau đó Công ty vẫn hoạt động cầm chừng, chưa có tín hiệu an toàn vốn. Không cam lòng “sản xuất, kinh doanh lấy lỗ”, năm 2002, chị quyết định tách ra, thành lập riêng cho mình 1 công ty - Công ty Haiyih với sản phẩm chủ đạo: Trà Ô Long. Chị tâm sự: Ví như “cái nhà” chia đôi, “sờ” vào đâu cũng thấy thiếu, lúc đó Công ty do tôi thành lập chỉ có 9 ha chè Ô Long, 30 công nhân, vốn liếng đầu tư cho sản xuất chủ yếu vay mượn của bạn bè.
Làm Giám đốc Công ty, nhưng hằng ngày chị nón lá ra đồi, xắn tay áo cùng người lao động chăm bón, thu hái, chế biến và lo đầu ra cho sản phẩm chè. Nhiều đêm không ngủ, chị lặng lẽ ngồi bên bình trà Ô Long, nhẩn nha uống và nghiền ngẫm về nguyên nhân thất bại, thành công của các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh.
Cũng trong 1 đếm mất ngủ, chị nảy ra ý tưởng là ký hợp đồng dài hạn về việc đầu tư chăm bón, thu hái, bao tiêu sản phẩm với nông dân với thời hạn 20 năm. Trong cơ chế thị trường, Ý tưởng của chị không mới, nhưng mọi cam kết đều nghiêng phần lợi về người nông dân. Nên khi triển khai ý tưởng này, chị được nhiều nông dân trong vùng ủng hộ.
Cùng thời gian, “lãnh địa” chè Ô Long của chị ngày càng được mở rộng, đến năm 2010, Công ty có diện tích chè 200 ha, tăng hơn so với ngày đầu thành lập 191 ha, với khoảng 190 hộ, hơn 450 lao động. Đến năm 2013, Công ty đã liên kết làm ăn cùng 200 nông hộ, hơn 500 lao động, với tổng diện tích chè của nông dân tham gia đạt 210 ha, chủ yếu là các giống chè: Ô Long, Kim Tuyên, Tứ Quý và Ngọc Thúy. Công ty cũng đã đi vào chuyên nghiệp hóa hoạt động sản xuất kinh doanh, với diện tích nhà xưởng được xây dựng rộng 6.500 m2, cùng đó là các thiết bị máy chế biến như: Máy héo, máy vò, máy sấy, máy sàng tơi… có tổng trị giá hơn 1 triệu USD.
Điều đặc biệt là để làm ra được sản phẩm trà Ô Long chính hiệu Haiyih, chị Linh thường xuyên mời cán bộ khuyến nông của thành phố, của tỉnh về hướng dẫn cho nông dân các quy trình chăm bón, thu hái, chế biến và bảo quản chè Ô Long, như quy trình phun sữa đậu nành, tưới trứng gà, mật ong.
Sản phẩm trà Ô Long của Công ty đã chinh phục người tiêu tiêu dùng Đài Loan, Sinh Ga Po, Trung Quốc, Đức, Mỹ, Ý và Nhật Bản. Bản thân chị nhận được nhiều danh hiệu như: Sao Vàng đất Việt; Cúp Sen Vàng; Cành chè Vàng; Quả cầu Vàng; Chân dung Bạch Thái Bưởi; Nữ Doanh nhân thành đạt…