Để nâng cao năng suất, chất lượng chè Định Hóa

10:47, 29/08/2013

Từ nhiều năm nay, cây chè vẫn được huyện Định Hóa xác định là cây trồng chủ lực trong sản xuất nông nghiệp, vì này đã góp phần giúp nhiều hộ dân thoát nghèo và có điều kiện vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, việc trồng và chế biến chè ở đây vẫn mang tính tự phát, giá thành sản phẩm thấp, đầu ra bấp bênh...

Anh Mông Chí Hợi, một hộ dân trồng chè ở xóm Bản Bắc 5, xã Điềm Mặc (Định Hóa) cho biết: Cây chè đã bén rễ trên mảnh đất này từ hơn 40 năm nay. Đến nay, hầu hết nguồn thu nhập chính của các hộ dân trong xóm là từ cây chè. Gia đình tôi hiện cũng có 1 mẫu chè, thu hái được khoảng trên 3 tạ chè búp khô/lứa, nếu chăm sóc tốt thì sẽ cho thu hái khoảng 6 lứa/năm. Trừ chi phí, mỗi năm, gia đình tôi cũng có nguồn thu nhập khoảng 50 triệu đồng. 

Theo số liệu thống kê, Định Hóa hiện có 2.756,4ha chè, trong đó, diện tích chè cành chiếm 766ha với chủ yếu các giống: LDP1, TRI 777, Phúc Vân Tiên, Kim Tuyên. Các xã có diện tích chè lớn nhất huyện là: Bình Thành (399ha), Phú Đình (227ha), Sơn Phú (260ha), Điềm Mặc (286ha)... Năng suất chè trung bình của huyện những năm qua đạt khoảng 110 tạ chè búp tươi/ha/năm. Qua tìm hiểu tại một số xã có diện tích chè lớn, cây chè đã góp phần giúp người dân trong huyện thoát nghèo và có điều kiện vươn lên làm giàu. Anh Lê Mạnh Thìn, Trưởng xóm Sơn Thắng 1 (Sơn Phú) cho biết: Hiện xóm có 46 hộ dân với 140 nhân khẩu. Hầu hết các hộ dân trong xóm đều trồng chè, hộ nhiều nhất có trên 2 mẫu. Số hộ có thu nhập từ 30 đến 50 triệu đồng mỗi năm từ cây chè ngày càng nhiều... 

Tuy nhiên, diện tích chè ở Định Hóa hiện nay vẫn chưa được quy hoạch thành vùng sản xuất tập trung. Nhiều hộ dân vẫn chưa mạnh dạn đầu tư cho cây trồng này. Việc chế biến các sản phẩm chè còn mang tính thủ công, thô sơ. Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy, ngoài thu hái bằng tay, không ít các hộ dân lâu nay có diện tích chè lớn đều thu hoạch bằng máy hái chè. Ưu điểm của hình thức thu hái này là nhanh, ít tốn nhân công, song lại có nhược điểm là tỷ lệ lẫn lá già, lá vụn cao hơn so với thu hái bằng tay. Do vậy, chè búp tươi của các hộ dân thu hái bằng máy rất khó bán cho các nhà máy chế biến chè trên địa bàn (hiện Định Hóa có 3 nhà máy chè), do đó, hầu hết sản phẩm chè của các hộ thu hái bằng máy đều bán cho các tư thương để làm chè đen. Vào chính vụ, giá chè trung bình của các hộ dân hái chè bằng máy chỉ vào khoảng 35-40 nghìn đồng/kg, trong khi chè thu hái bằng tay bán được từ 100-130 nghìn đồng/kg chè búp khô). Bên cạnh đó, toàn huyện hiện có một diện tích chè khá lớn đã được trồng từ những năm 1964-1965, thời kỳ còn hợp tác xã sản xuất chè, với chủ yếu là chè trung du nên đến nay nhiều diện tích chè đã bị già cỗi, năng suất, sản lượng và chất lượng đều giảm rõ rệt. Bởi vậy, theo đánh giá của chính các hộ dân làm chè ở huyện thì cây chè Định Hóa vẫn chưa có được thương hiệu trên thị trường. Do đó, trung bình 1ha chè mỗi năm chỉ cho thu lãi từ 60-90 triệu đồng, bằng khoảng 60-70% so với những vùng chè có thương hiệu của tỉnh. 

Xác định cây chè là một trong những cây trồng chủ lực trong sản xuất nông nghiệp, từ năm 2005 trở lại đây, huyện Định Hóa đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã, thị trấn kiểm tra, rà soát, thống kê để từng bước khoanh vùng phát triển vùng chè nguyên liệu. Theo đó, hằng năm, Phòng Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động nhân dân trồng mới, trồng thay thế những diện tích chè trung du có năng suất, chất lượng thấp bằng những giống chè cành chất lượng cao như: Phúc Vân Tiên, Kim Tuyên, LDP1, TRI 777. Qua đó, mỗi năm, các hộ dân trong huyện đã tiến hành trồng mới, trồng lại được trung bình khoảng 100ha chè; tổ chức trên 20 lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc và chế biến chè cho các hộ làm chè. Đặc biệt năm 2013, huyện còn mở được 1 lớp trung cấp nghề chế biến chè cho 30 học viên là các hộ dân chuyên trồng và chế biến chè. Ngoài ra, từ năm 2011 đến nay, Phòng Nông nghiệp và PTNT, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện cũng đã triển khai được 7 mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGap tại các xã: Trung Hội, Phú Đình, Sơn Phú, Thanh Định với tổng số trên 69ha, 181 hộ tham gia. 

Đồng chí Đàm Tiến Niên, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Định Hóa cho biết: Để khôi phục và nâng cao diện tích, năng suất, sản lượng cây chè ở Định Hóa, trong những năm tới, trên cơ sở quy hoạch của ngành Nông nghiệp của huyện đến năm 2020, huyện phấn đấu nâng tổng diện tích chè lên 3.000ha, trong đó chè cành chiếm trên 70% tổng diện tích. Đồng thời, huyện cũng sẽ tiến hành quy hoạch chi tiết vùng chè nguyên liệu của huyện. Trong tương lai gần, Phòng sẽ tham mưu cho UBND huyện xúc tiến xây dựng các làng nghề chè, thành lập các tổ hợp tác và hợp tác xã chuyên sản xuất chè...