Doanh nghiệp vận tải trước nhiều sức ép

07:30, 22/08/2013

Chưa bao giờ các doanh nghiệp (DN) vận tải, nhất là vận tải hàng hóa lại chịu sức ép lớn như hiện nay. Ngoài sức ép tăng giá nhiên liệu, phí, lệ phí, hoạt động vận tải hàng hóa còn chịu sự chi phối mạnh mẽ từ nhu cầu thị trường. Bởi thế, trong hai năm gần đây, đã có trên 100 cơ sở, DN và cá thể hoạt động vận tải của tỉnh phải giải thể; số đơn vị vận tải đăng ký mới cũng giảm khoảng 30% so với trước.

 Trên địa bàn tỉnh hiện có gần 4.000 đầu xe vận tải hàng hoá hoạt động tại các đơn vị, cá thể với tổng trọng tải trên 25.780 tấn. Tổng số lao động đang làm việc trong khu vực này là khoảng 2.268 người. Năm 2013, do hoạt động vận tải có nhiều khó khăn, thua lỗ, nên đã có khoảng 10% số lao động phải tạm dừng làm việc, thu nhập bình quân người lao động chỉ còn ở mức 2,5 đến 3 triệu đồng/người/tháng.



Nghịch lý: xăng tăng, cước giảm

Hiện tại, trên thị trường giá xăng A95 đang ở mức 25.570 đồng/lít; xăng A92 là 25.060 đồng/lít; dầu diesel 0,05S là 22.750 đồng/lít; dầu hỏa 22.020 đồng/lít. Việc giá xăng dầu tăng liên tiếp trong những tháng gần đây đã khiến các DN kinh doanh vận tải gặp nhiều khó khăn. Khi trao đổi với một số DN vận tải có quy mô lớn trên địa bàn, chúng tôi được biết, tuy xăng dầu tăng, nhưng giá cước vận tải không những không tăng theo mà còn giảm xuống rất nhiều. Ông Ngô Tuấn Hùng, Giám đốc DN vận tải Hữu Thành chia sẻ: Đã nhiều năm nay, đơn vị chúng tôi thực hiện hợp đồng vận tải khoáng sản theo tuyến cố định từ Cao Bằng về Thái Nguyên. Các đây 5 năm, cước vận tải mà DN áp dụng là 377 nghìn đồng/tấn hàng hóa, nhưng hiện tại giá cước chỉ còn 285 nghìn đồng/tấn. 5 năm trước, giá dầu chỉ có 12 nghìn đồng/lít, còn hiện nay giá đã tăng gấp 2 lần. Lý giải về việc cước vận tải giảm, ông Hùng cho rằng, do thị trường tiêu thụ hàng hóa đang bế tắc nên nhu cầu vận tải cũng hạn chế theo. Hàng hóa có nhu cầu vận chuyển lớn nhất của tỉnh chủ yếu là các loại khoáng sản, vật liệu xây dựng và một số sản phẩm công nghiệp khác. Bởi vậy, khi thị trường khó khăn, đầu ra thấp, hàng tồn kho nhiều thì lưu thông hàng hóa cũng ít. Trong khi đó, chỉ riêng DN vận tải hàng hóa của tỉnh đã có 154 đơn vị, chưa kể còn trên 3.700 cá thể vận tải đang hoạt động. Do đó, nếu đơn vị, cá thể nào vẫn giữ nguyên giá cước cũ hoặc tăng giá cước theo giá xăng dầu thì sẽ khó có cơ hội tìm được việc làm. Về vấn đề này, chủ DN vận tải Tùng Hiền, ông Trần Thanh Tùng cũng chia sẻ thêm: Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu có tới 6 lần điều chỉnh, trong đó chủ yếu là tăng, đã khiến các DN vận tải như chúng tôi “khóc dở, mếu dở”. Mặt khác, nếu DN chở đúng tải trọng cho phép thì chi phí đầu vào không thể chịu nổi, còn nếu chở quá tải thì lại sai quy định. Ngoài ra, hiện nay, khi quy định thu lệ phí đường bộ chính thức được thực hiện thì cái khó của ngành vận tải lại càng nhiều hơn. Bởi thế, không ít DN vận tải đã tự gỡ khó cho mình bằng cách dừng hoạt động.

Cầm chắc thua lỗ

Là một trong những DN chủ lực phục vụ các hoạt động vận chuyển hàng hóa cho KCN Gang thép Thái Nguyên, nên Công ty CP vận tải Gang thép luôn có từ 40 đến 50 đầu xe vận tải lớn. Thời gian gần đây, khi sản xuất, tiêu thụ sắt thép của KCN gặp khó khăn, Công ty cũng không nằm ngoài sự ảnh hưởng đó. Giám đốc Công ty, ông Phạm Văn Thành tiết lộ: Năm 2011 đơn vị đã phải chịu lỗ do thị trường bất ổn. Năm 2012, DN tiếp tục chịu lỗ bởi các mối hàng lớn của Công ty gặp trở ngại. Năm 2013 này, tình hình giá nhiên liệu đầu vào tăng, nguồn hàng vận tải khan hiếm nên chắc cũng không tránh khỏi khó khăn. Hiện tại, đơn vị chủ yếu tập trung phục vụ vận chuyển nội bộ và nối lại một số mối hàng đã tạm dừng trước đây.

Theo tính toán của DN vận tải Hữu Thành thì nếu vận chuyển 40 tấn hàng từ Cao Bằng về Thái Nguyên với giá cước 285 nghìn đồng/tấn thì doanh thu sẽ là 11,4 triệu đồng. Tuy nhiên, trừ phí xăng dầu cả quãng đường khoảng 7 triệu đồng, tiền lương tài xế 2,5 triệu đồng, cùng tiền khấu hao xe và các chi phí phụ khác khoảng hơn 2 triệu đồng, cộng lại DN vẫn lỗ. Chủ DN này cho biết: Do có hợp đồng lâu dài lại chạy theo luồng, tuyến cố định nên đơn vị phải chấp nhận thực tế lỗ, lãi theo thị trường. Để duy trì hoạt động, đơn vị chỉ còn cách tăng cường tiết giảm chi phí trong quá trình vận tải, đồng thời tìm nguồn hàng chạy hai chiều bù lại. Nếu chiều về khó khăn thì đã có chiều đi gánh đỡ một chút để có thể giúp DN trụ lại thị trường. Còn theo ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Công ty Phú Thịnh, đơn vị chuyên bốc xếp hàng hoá và dịch vụ vận tải thì cái đích mà các DN luôn hướng tới là lợi nhuận, nhưng năm nay lợi nhuận của hầu hết các đơn vị lại rất thấp. Cũng có một số DN vận tải có doanh thu ổn định và tăng hơn năm trước hàng chục phần trăm, nhưng thực tế lợi nhuận thu về chỉ đủ trang trải các khoản đã chi. Gần đây nhất, trên địa bàn T.P Thái Nguyên có 2 DN vận tải phải tạm dừng hoạt động sau nhiều năm làm ăn ổn định, đó là DN vận tải Hữu Phúc và DN vận tải Đức Trung. Do thị trường khó khăn, giá nhiên liệu tăng, giá cước giảm, trong khi các đơn vị phải vay lãi ngân hàng nên nếu không dừng lại kịp thời sẽ có nguy cơ phá sản, hoặc nợ nần chồng chất.

Mong muốn của DN

Thái Nguyên hiện chưa có Hiệp hội vận tải hàng hoá nên các vấn đề khó khăn của DN cũng như cách tháo gỡ cụ thể như thế nào ít được đề xuất, kiến nghị và thực hiện theo một cách có tổ chức. Thường các DN vẫn tự chủ động giải quyết đơn lẻ những khó khăn, vướng mắc gặp phải. Ngay như việc giá cả nhiên liệu đầu vào leo thang, bản thân mỗi DN đều muốn tăng cước vận tải để tránh thua lỗ nhưng không dám tự điều chỉnh giá cước, bởi ngoài bình ổn giá thành để cạnh tranh, tiếp tục hoàn thành hợp đồng đã ký với khách hàng trước đó, DN còn phải chịu nhiều sức ép khác. Nếu có một tổ chức là  Hiệp hội vận tải hàng hoá của tỉnh đứng ra nghiên cứu, đề xuất đảm bảo giá cước đồng loạt trên cơ sở phù hợp với thực tế thì sẽ có tác động nhất định đến mỗi DN vận tải. Hơn nữa, có Hiệp hội thì vấn đề bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của DN sẽ được quan tâm nhiều hơn.

Một thực tế mà không chỉ các DN vận tải hàng hóa của tỉnh mà cả nước đang băn khoăn chính là những bất cập trong thu phí bảo trì đường bộ. Hiện nay, khi Nhà nước đã tiến hành thu lệ phí đường bộ đối với các phương tiện, nhưng tại một số tuyến đường vẫn tồn tại các trạm thu phí khác. Như vậy là không ít DN vận tải phải đóng phí đường bộ 2 lần. Một DN vận tải của tỉnh cho biết, mỗi đầu xe tải của đơn vị phải đóng trên 10 triệu đồng phí bảo trì đường bộ/năm và  như thế mỗi năm DN phải đóng khoảng 500 triệu đồng tiền phí. Song cùng với đó, do phải chạy cố định trên tuyến đường có trạm thu phí nên mỗi năm DN này còn phải đóng thêm khoảng 40 triệu đồng. Các DN vận tải đề xuất, phí bảo trì đường bộ chỉ được thu một lần, ngoài cách đang làm cũng có thể thu qua xăng dầu hoặc thu theo trọng tải hàng hoá chở trên xe.

Vấn đề cũng đang được các đơn vị vận tải quan tâm chính là những quy định về tải trọng xe. Có DN thẳng thắn, nếu toàn quốc thực hiện nghiêm được vấn đề đúng tải trọng đối với vận tải hàng hoá thì các DN đều ủng hộ. Còn như hiện nay, khi mà vẫn có nhiều địa phương buông lỏng quản lý thì việc thực hiện là rất khó. Thực tế, chúng ta vẫn đang cho nhập các dòng xe vận tải có trọng tải từ 25 đến 30 tấn, nhưng lại chỉ cho phép chở từ 15 đến 20 tấn, nên cũng tạo ra những khó khăn nhất định trong quá trình vận tải…