Giá rau xanh tăng đột biến

15:31, 09/08/2013

Gần 1 tuần nay, giá rau xanh ở các chợ đầu mối của T.P Thái Nguyên tăng đột biến. Bà Lê Thuỳ Dương, một người dân ở tổ 9, phường Quang Vinh (T.P Thái Nguyên) cho hay: Trước đây, mỗi bữa ăn, chúng tôi chỉ tốn 3-5 nghìn đồng tiền mua rau xanh, nhưng tăng tới 8-10 nghìn đồng, thậm chí là 15-20 nghìn đồng nếu mua các loại rau như cải canh, cải ngọt, cần, tỏi tây. Thời gian qua, giá các loại thực phẩm như gạo, các loại thịt tươi sống… đều tăng, giờ rau xanh cũng tăng trong khi đồng lương hưu của vợ chồng tôi lại ít ỏi khiến cuộc sống của gia đình tôi thêm chật vật.

Toàn tỉnh hiện có trên 1.600ha đất trồng rau xanh tập trung, trong đó có 763ha trồng rau chuyên canh. Sản lượng rau các loại đạt hơn 157 nghìn tấn/năm. Năm 2012, thu nhập bình quân từ rau xanh đạt khoảng 130 triệu đồng/ha. Trên địa bàn hiện có 5 cơ sở sản xuất rau an toàn được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 17ha, sản lượng 300 tấn rau; 4 hợp tác xã sản xuất rau tập trung quy mô 100ha tại huyện Phổ Yên, Phú Bình, Đồng Hỷ.

 

 

Dạo quanh các chợ: Thái, Túc Duyên, Đồng Quang, Quan Triều và một số chợ cóc trên địa bàn T.P Thái Nguyên, chúng tôi nhận thấy giá bán các loại rau xanh đều tăng gấp rưỡi, gấp đôi so với trước. Đơn cử như rau muống đang được bán với giá từ 8-10 nghìn đồng/mớ, tăng 4-5 nghìn đồng/mớ; rau ngót, cải canh bán với giá 8-10 nghìn đồng/mớ, tăng 5-7 nghìn đồng/mớ; rau cải ngọt tăng từ 20 lên 25 nghìn đồng/kg. Các loại củ, quả cũng tăng nhẹ: dưa chuột tăng từ 10 lên 12 nghìn đồng/kg; khoai tây tăng từ 13 lên 15 nghìn đồng/kg... Chị Lê Thị Ngát, một tiểu thương chuyên bán các loại rau xanh tại chợ Thái (T.P Thái Nguyên) cho biết: Giá bán các loại rau xanh tăng đột biến nên sức mua của người dân cũng giảm hẳn. Vì thế, lượng rau xanh chúng tôi nhập về bán tại quầy giảm khoảng 60% so với trước. Nhưng nếu có nhu cầu nhập về nhiều hơn thì người trồng rau cũng không có đủ lượng rau để cung ứng cho tư thương chúng tôi.

 

 

Không riêng T.P Thái Nguyên mà ở các địa phương khác trong tỉnh, lượng cung ứng và sức mua rau xanh của người dân đều giảm từ 30-60% so với trước. Đi tìm nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, chúng tôi đến phường Túc Duyên (T.P Thái Nguyên), một trong những "vựa" rau lớn của tỉnh. Trên những cánh đồng không còn cảnh bát ngát xanh của rau mà là hình ảnh những thửa đất trơ trọi hoặc nhiều ruộng rau đang ngập sâu trong nước. Thỉnh thoảng chúng tôi cũng bắt gặp một vài luống rau đay, mồng tơi nhưng còi cọc, thiếu sức sống. Ông Nguyễn Đức Trọng, tổ 10, phường Túc Duyên, người đã gắn bó với nghề trồng rau xanh hơn 30 năm nay than thở: Chưa năm nào, người trồng rau ở Túc Duyên bị thất thu như năm nay. Năm ngoái, thời tiết thuận lợi, mỗi tháng, tôi thu khoảng 25 triệu đồng từ 5 sào đất trồng rau của gia đình. 6 tháng đầu năm, việc sản xuất, tiêu thụ rau gặp nhiều thuận lợi, nhưng hơn 1 tháng nay thì gia đình tôi không có rau để bán. Chi phí cho hạt giống, phân bón, lưới che nắng, mưa cho rau và công chăm sóc… đều bỏ "xuống sông, xuống biển". Ngay từ đầu tháng 7, mưa lớn đã liên tiếp xảy ra, đặc biệt là hơn 1 tuần nay, mưa hầu như không dứt. Mưa làm dập nát rau, trôi đất màu. Mưa lớn ở đầu nguồn đổ về khiến nước sông Cầu dâng cao làm cho nhiều diện tích trồng rau của người dân chúng tôi bị ngập sâu trong nước. Có những ruộng rau sắp được thu hoạch nhưng bị ngập nước cũng đành phải bỏ…

 

Gia đình ông Trọng chỉ là 1 trong hàng trăm hộ dân trồng rau xanh ở Túc Duyên đang bị thất thu do mưa lớn và ngập úng. Không riêng gì Túc Duyên mà nhiều diện tích đất canh tác ở các vùng trồng rau trọng điểm của tỉnh nằm ven con sông Cầu như Đồng Bẩm; Linh Sơn, Huống Thượng, Hóa Thượng (Đồng Hỷ)… cũng trong tình trạng tương tự.

 

Như vậy, chỉ khi trời tạnh mưa, nước rút, thời tiết thuận lợi, người dân trong tỉnh mới có thể quay trở lại sản xuất rau. Và khoảng 2 đến 3 tuần nữa, lượng rau cung ứng trên thị trường mới dần ổn định. Điều này cho thấy sản xuất rau, củ quả trên địa bàn tỉnh vẫn chủ yếu phụ thuộc vào thời tiết. Với dân số trên 1,2 triệu người, nhu cầu sử dụng rau xanh trong các bữa ăn hằng ngày của người dân trong tỉnh là rất lớn. Do vậy, để có nguồn rau xanh cung ứng ổn định trong mọi điều kiện thời tiết, đòi hỏi các cấp, ngành chức năng của tỉnh phải quan tâm quy hoạch được vùng sản xuất rau tập trung theo hướng hàng hóa, trong đó đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất rau, nhất là sản xuất rau an toàn công nghệ cao, trong nhà kính…