Trong phát triển kinh tế rừng, yếu tố quyết định chính là cây giống, do đó UBND tỉnh sẽ quyết liệt chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương trong tỉnh quản lý, kiểm soát chặt chẽ chuỗi quá trình sản xuất, cung ứng cây giống phục vụ trồng rừng trên địa bàn.
Chọn cây giống - khâu rất quan trọng
“Trong phát triển kinh tế rừng, yếu tố quyết định tính hiệu quả chính là cây giống, do đó UBND tỉnh sẽ quyết liệt chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương trong tỉnh quản lý, kiểm soát chặt chẽ chuỗi quá trình sản xuất, cung ứng cây giống phục vụ trồng rừng trên địa bàn. Trước đó, UBND tỉnh đã cấp 2 tỷ đồng để nhập khẩu 200kg hạt keo Úc về nhân giống phục vụ trồng rừng trên địa bàn. Đồng thời, UBND tỉnh yêu cầu cơ quan chuyên môn thường xuyên thống kê, rà soát các loại rừng để kịp thời tham mưu các giải pháp nâng cao chất lượng rừng tự nhiên, rừng trồng nhằm thu lợi tối đa về kinh tế nhưng vẫn thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ môi trường. Xét thấy cần, tỉnh sẽ giao cho cơ quan chuyên môn nghiên cứu, xem xét chuyển đổi khoảng 3% quỹ đất trồng rừng sang phục vụ chăn nuôi và các ngành nghề kinh tế có lợi khác. Tỉnh cũng từng bước có chính sách ưu đãi đặc biệt cho những địa phương trong tỉnh có độ che phủ rừng cao” - Đây là một trong những nội dung mà đồng chí Đặng Viết Thuần, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao đổi với phóng viên Báo Thái Nguyên xung quanh vấn đề quản lý, bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn.
Đánh giá tổng thể thì thành quả trong công tác phát triển rừng của tỉnh thời gian qua là rất to lớn, nhưng trong thực tế vẫn còn những “lỗ hổng” từ công tác quản lý của cơ quan chuyên môn đến tư duy, việc làm cụ thể của các tổ chức, cá nhân tham gia công tác này. Như đã nêu ở trên, giống cây được xác định là khâu rất quan trọng trong phát triển kinh tế rừng, nhưng hiện nay tỉnh ta mới quản lý được nguồn gốc xuất xứ, chất lượng cây xuất vườn của 22 cơ sở đang cung ứng cây giống cho các dự án trồng rừng của tỉnh (sản lượng khoảng 8 triệu cây/năm). Trong khi đó, tổng lượng cây giống mà các vườn ươm trên địa bàn cung ứng ra thị trường trong và ngoài tỉnh lên tới gần 15 triệu cây/năm. Theo kỹ sư Trương Tuấn Anh, cán bộ Phòng Kế hoạch (Chi cục Phát triển lâm nghiệp tỉnh), qua khảo sát trên cây keo thường và cây keo nhân giống hạt nhập từ Úc trồng tại xã Ôn Lương (Phú Lương) cho thấy cùng trồng một thời điểm nhưng kết quả lại khác xa nhau. Cây keo Úc sau 3 năm trồng có đường kính gốc là 18,93 cm (keo thường là 14,24cm), cao 11,14m (keo thường là 9,58m), độ che tán 4,62m (keo thường là 3,42m). Chu kỳ trồng rừng kinh tế tương đối dài (cây nguyên liệu giấy mất từ 6 năm tới 8 năm; cây lấy gỗ làm đồ mộc mất từ 18 tới 30 năm) nên sai lầm khi chọn cây giống sẽ phải trả giá rất đắt.
Nhiều vấn đề còn tồn tại
Ông Phạm Hồng Thái, Chủ tịch UBND xã Phúc Tân (Phổ Yên) cho biết: “Cách đây khoảng 10 năm, một số hộ dân ở xã tôi mua cây bạch đàn lai về trồng rừng kinh tế ở những diện tích đất đồi dốc. Giống cây bạch đàn lai chất lượng không cao, thổ nhưỡng địa phương chưa phù hợp nên sản lượng gỗ chỉ đạt khoảng 20m3/ha”. Nhiều nông dân trong tỉnh khi trao đổi với chúng tôi về việc tìm ra giống cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao cho biết họ đã từng chặt chè để trồng vải thiểu, rồi chặt vải thiều trồng mơ lông, chặt mơ trồng bưởi… Hậu quả là đều không thành công, trong khi cả sức khỏe và ý chí làm giàu cứ dần bị mai một.
Bên cạnh đó, do một bộ phận người dân trong tỉnh khi trồng rừng kinh tế đã không tuân thủ theo kỹ thuật hướng dẫn của cán bộ chuyên môn dẫn đến tình trạng trồng cây lấy gỗ nhưng dày như cấy lúa (“rừng mạ”). “Rừng mạ” có lợi là chỉ sau 1 năm thì cây khép tán, cỏ, cây dại không mọc được nên người trồng rừng giảm công phát thực bì, nhưng lại gây thiệt hại rất lớn về kinh tế vì cây không đủ chất dinh dưỡng, đến tuổi khai khác thân rất nhỏ, chỉ sử dụng làm củi đốt. Ông Dương Sơn Hà, Trưởng phòng Quản lý, bảo vệ rừng (Chi cục Kiểm lâm tỉnh) thông tin: “Rừng trồng theo các dự án sử dụng vốn Nhà nước hay vốn hỗ trợ được giám sát, yêu cầu thực hiện theo đúng thiết kế kỹ thuật là trồng 1.660 cây/ha. Riêng với diện tích do người dân tự bỏ vốn trồng rừng trên phần đất đã được giao quyền sử dụng thì có xảy ra tình trạng bà con trồng rừng quá dày. Chúng tôi đã liên tục khuyến cáo nên cơ bản người dân trên địa bàn tỉnh không còn trồng “rừng mạ” và những diện rừng trồng quá dày bà con đã chủ động tỉa thưa”. Đặc biệt, hầu hết các tổ chức, cá nhân trong tỉnh trồng rừng kinh tế hiện nay mới chỉ tập trung chọn cây keo để sớm có sản phẩm bán, ít có mô hình trồng cây đem lại giá trị kinh tế cao như: lim, lát, táu, sưa (một cây lát Mê-hi-cô thời gian trồng 30 năm trên đất đồi có thể cho thu nhập tới 30 triệu đồng).
Các vấn đề khác còn tồn tại trong công tác phát triển rừng cũng đã được các chuyên gia lâm nghiệp đưa ra, như: Diện tích rừng tự nhiên của tỉnh lớn nhưng chất lượng lại thấp do nhiều năm bị xâm hại; diện tích đất rừng giao cho dân nhỏ lẻ (tỷ lệ hộ chỉ có từ 0,5ha đến 1ha đất rừng chiếm tới trên 70% số hộ được giao đất rừng), vì vậy kinh tế rừng chưa tạo đủ việc làm, thu nhập cho nhiều gia đình. Ông Nguyễn Lê Sơn, nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT chia sẻ: “Một gia đình chỉ đủ việc làm, đảm bảo thu nhập khi có tối thiếu 7ha rừng, vì chu kỳ khai thác cây lấy gỗ dài, theo vòng trồng, tỉa, khai thác rồi lại trồng... Vì vậy đối với những hộ chỉ có dưới 1ha rừng sẽ rất khó chuyên sâu phát triển kinh tế rừng, vì làm gì để sống trong khoảng thời gian chờ đợi đến ngày được khai thác lâm sản. Để kinh tế rừng thực sự phát triển, nội tại người dân sẽ tích tụ đất rừng theo nhu cầu, nhưng cơ quan quản lý nên khuyên khích các hộ tự chuyển nhượng để sở hữu hết định mức 30ha đất rừng/hộ và tiến tới cho phép hạn mức này cao hơn nữa”.
Còn đồng chí Hứa Đức Nhị, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT lại nhấn mạnh: “Để hỗ trợ cho người dân trồng rừng kinh tế, tỉnh nên có nhiều dự án đầu tư phát triển giao thông qua các vùng rừng nguyên liệu, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động khai thác, vận chuyển. Bên cạnh đó, quản lý chặt chẽ việc cấp phép khai thác, vận chuyện lâm sản có xuất xứ từ rừng trồng nhưng bảo đảm không rườm rà; tạo cơ chế để doanh nhân xây dựng cơ sở chế biến các sản phẩm từ rừng trồng ngay tại địa phương. Nguồn lợi gián tiếp của rừng như giữ nước, bảo vệ môi trường, cảnh quan cũng nên được tính toán cụ thể, từ đó có cơ chế thu phí đối với những tổ chức, cá nhân được hưởng lợi từ rừng để tạo quỹ phát triển rừng…
Từ những vấn đề trên phần nào cũng chỉ ra một số khuyết thiếu về cơ chế, chính sách hiện nay, đồng thời đặt ra nhiều vấn đề mới trong công tác quản lý, phát triển rừng trên địa bàn mà các cơ quan chuyên môn trong tỉnh nên sớm nghiên cứu, xem xét để đưa ra giải pháp phù hợp. Chỉ có như vậy thì công tác phát triển rừng trên địa bàn tỉnh mới bền vững và giá trị “vàng” của rừng sẽ được phát huy tốt về nhiều mặt cũng như được khai thác hiệu quả. Va, qua loạt bài này, chúng tôi hy vọng sẽ được góp phần vào quá trình đó. Để “rừng vàng, biển bạc” của chúng ta luôn được bảo vệ tốt, phát huy giá trị to lớn cho muôn đời…
Bà Trần Thị Duyên, Phó trưởng phòng Kế hoạch (Chi cục Phát triển lâm nghiệp tỉnh): “Vấn đề quản lý cây giống phục vụ trồng rừng cần sự phối hợp chặt chẽ của các ngành chức năng cấp tỉnh và chính quyền các huyện, thành, thị. Cùng với đó là chế tài xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm trong kinh doanh, vận chuyển cây giống lâm nghiệp cũng cần được hướng dẫn cụ thể để tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan chuyên môn trong quá trình xử lý”. Ông Nông Xuân Bắc, Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai: “Tôi đồng tình với quan điểm các ngành chức năng nên nghiên cứu để có chính sách hỗ trợ đặc biệt đối với những địa phương phải duy trì độ che phủ rừng cao vì mục tiêu bảo vệ môi trường, an ninh - quốc phòng. Ví dụ như ở huyện Võ Nhai, diện tích rừng phòng hộ, đặc dụng rất lớn nên người dân địa phương có thiệt thòi về tư liệu sản xuất so với các huyện khác trong tỉnh”. |