Theo ước tính của ngành Nông nghiệp và PTNT, mỗi năm, các cơ sở chế biến lâm sản trong và ngoài tỉnh sử dụng 600 nghìn m3 gỗ các loại từ rừng trồng với giá trị kinh tế đem lại trong năm 2012 là 278 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2013 là 170 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, xóm 3, xã Phúc Tân (Phổ Yên): “Cơ sở sản xuất của gia đình tôi một tháng thu mua khoảng 200m3 gỗ từ rừng trồng của các hộ dân trong xã để bán cho các cơ sở chế biến răm gỗ và làng nghề mộc ở Từ Sơn của tỉnh Bắc Ninh. Gia đình tôi còn tự bỏ chi phí, công lao động để trồng gần 10ha rừng và nhận khoán trồng khoảng 30ha rừng của Chi nhánh Lâm trường Phúc Tân. Với nguồn lợi từ rừng đem lại như hiện nay, tôi tin sẽ có nhiều thành phần kinh tế đầu tư phát triển rừng”. |
Ông Hoàng Minh Thông, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Giấy Hoàng Văn Thụ: “Sản xuất giấy từ gỗ rừng trồng đòi hỏi số vốn đầu tư rất lớn và chi phí xử lý ô nhiễm môi trường khá tốn kém nên chúng tôi mới dừng ở công đoạn sản xuất dăm gỗ xuất khẩu, rồi nhập bột giấy thành phẩm về sản xuất bao bì. Tiến tới chúng tôi sẽ đầu tư dây chuyền sản xuất ván ép siêu cứng tại huyện Định Hóa để tận dụng vùng rừng nguyên liệu ở địa phương này”. |
Nhiều hộ dân vươn lên làm giàu
Tính đến nay, trên toàn tỉnh đã có hơn 38,5 nghìn hộ nông dân được chính quyền các huyện, thành, thị giao đất, giao rừng (với khoảng 63,5 nghìn héc-ta), tạo ra nguồn lực mạnh mẽ trong đầu tư phát triển rừng kinh tế. Người dân được giao quyền sử dụng đất, được hưởng lợi trực tiếp từ rừng nên đã mạnh dạn tham gia vào toàn bộ chuỗi các hoạt động phát triển kinh tế rừng (như: nhân giống cây, trồng rừng, nhận khoán bảo vệ rừng, đầu tư chế biến lâm sản...). Theo ước tính của ngành Nông nghiệp và PTNT, mỗi năm, các cơ sở chế biến lâm sản trong và ngoài tỉnh sử dụng 600 nghìn m3 gỗ các loại từ rừng trồng với giá trị kinh tế đem lại trong năm 2012 là 278 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2013 là 170 tỷ đồng.
Từ phong trào trồng rừng, trong tỉnh đã xuất hiện nhiều tỷ phú nông dân ở các huyện có tiềm năng, như: Phú Lương, Định Hóa, Đại Từ, Đồng Hỷ... Ông Phạm Văn Long, một người có thu nhập tiền tỷ nhờ trồng 35ha rừng kinh tế ở xóm Vân Hán, xã Khe Mo (Đồng Hỷ) cho biết: “1ha rừng trồng keo từ 7 năm tuổi trở lên cho thu hoạch từ 85m3 đến 100m3 gỗ và giá bán tại chỗ là 50 triệu đồng, người mua tự khai thác, vận chuyển. Như vậy, một hộ nông dân có từ 20ha rừng trở lên sẽ trở nên giàu có khi biết phát huy lợi thế của kinh tế rừng”. Còn bà Giang Thị Tươi, ở xóm Gốc Mít, xã Phúc Trìu (T.P Thái Nguyên) chia sẻ: “Những gia đình có diện tích đất rừng lớn thì nên phân thành nhiều khoảnh: phần thì trồng keo để nhanh có sản phẩm bán, phần thì trồng trám đen lấy quả, hoặc trồng lim, lát lấy gỗ chất lượng cao. Như vậy sẽ có nguồn thu liên tục và giá trị kinh tế đem lại cũng cao hơn chỉ trồng mỗi loại cây keo”.
Được biết, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 2 nghìn hộ đang có từ 10ha đến 30ha đất đồi rừng và đây sẽ là những hộ nông dân có cơ hội trở thành tỷ phú nhờ chuyên phát triển rừng kinh tế hoặc gắn phát triển gia trại, trang trại với trồng rừng…
Doanh nghiệp chọn hướng kinh doanh là rừng
Bên cạnh những hộ nông dân đang có nguồn thu nhập lớn từ kinh tế rừng, trên địa bàn tỉnh hiện có gần 200 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đăng ký ngành nghề kinh doanh liên quan đến các lĩnh vực như: cung ứng cây giống, vật tư phục vụ trồng rừng; thuê đất trồng rừng; thu mua, chế biến lâm sản… Trong đó, đã có những doanh nghiệp chuyên sâu về kinh tế rừng như xây dựng các cơ sở chế biến gỗ, bến cảng để xuất khẩu sản phẩm từ rừng trồng. Ông Đặng Văn Hiệu, Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển rừng Thái Nguyên cho biết: “Hiện nay, Nhật Bản đang có nhu cầu rất lớn về sản phẩm dăm gỗ phục vụ nhu cầu sản xuất giấy và yêu cầu chủng loại gỗ không quá cao. Cùng với đó là phong trào trồng rừng kinh tế trong tỉnh đang rất phát triển nên chúng tôi quyết định chuyên kinh doanh lĩnh vực này…”. Doanh nghiệp này hiện giờ có cơ sở thu mua gỗ nguyên liệu và Nhà máy chế biến dăm tại xã Quang Sơn (Đồng Hỷ), Yên Ninh, Giang Tiên (Phú Lương) và hệ thống kho bãi, bến cảng tại Đa Phúc (Phổ Yên) để vận chuyển dăm tới cảng Cái Lân (Quảng Ninh) phục vụ xuất khẩu.
Trong nhóm doanh nghiệp phát đạt nhờ kinh doanh các sản phẩm từ rừng trồng còn có Công ty cổ phần Giấy Hoàng Văn Thụ với khả năng thu mua, chế biến khoảng 3 nghìn m3 gỗ keo/tháng để chế biến dăm xuất khẩu. Ông Nguyễn Thái Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty cho biết: “Để thuận tiện trong quá trình thu mua gỗ keo chế biến dăm, chúng tôi đã xây dựng 10 cơ sở chế biến tại những vùng có nhiều rừng trồng như Định Hóa, Võ Nhai, Phú Lương, Đại Từ và một số tỉnh phụ cận. Với nhu cầu thị trường lớn như hiện nay thì diện tích rừng nguyên liệu có bao nhiêu cũng tiêu thụ được…”.
Ngoài các đơn vị chuyên chế biến lâm sản, còn xuất hiện 22 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chuyên ươm cây giống để xuất bán cho các chủ đầu tư dự án trồng rừng hoặc bán trực tiếp cho người trồng rừng trong và ngoài tỉnh. Ông Dương Lượng, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Linh Lượng, ở xã Hóa Trung (Đồng Hỷ) cho biết: “Cơ sở của tôi mỗi năm xuất bán khoảng 5 triệu cây giống các loại như keo Úc, lim, lát cho các tổ chức, cá nhân trồng rừng trên địa bàn tỉnh. Nhờ có phong trào trồng rừng kinh tế phát triển mạnh mẽ, lượng cây giống của chúng tôi sản xuất ra hàng năm đều được tiêu thụ hết”. Mô hình liên kết các nhà trong phát triển kinh tế rừng ở tỉnh ta tuy chưa thực sự chặt chẽ nhưng quan hệ tương tác này bước đầu đã đem lại lợi ích cho tất cả các bên, phù hợp với xu thế phát triển kinh tế rừng hiện nay.
Giá trị lớn hơn kinh tế
Đến nay, chưa có đề án khoa học hay báo cáo chi tiết nào của cơ quan chuyên môn hoặc các nhà khoa học đánh giá về tác dụng của rừng trên địa bàn đối với công tác bảo vệ môi trường, chống xói mòn, giữ nước, cải tạo đất. Tuy vậy, khi chúng tôi trao đổi với các chuyên gia về lâm nghiệp, nhà quản lý, nhà khoa học hay người dân ở vùng nông thôn miền núi, họ đều khẳng định vai trò trên của rừng rất cụ thể.
Ông Lâm Thịnh, một người dân ở xóm Trúc Mai, xã Lâu Thượng (Võ Nhai) nói: “Từ khi diện tích rừng ở núi Trúc Mai được khoanh nuôi, bảo vệ tốt và diện tích đồi trọc quanh xóm được trồng kín cây keo lai, cánh đồng canh tác nông nghiệp của xóm đã có nước tưới thường xuyên, giếng nước của các gia đình cũng không còn bị cạn kiệt về mùa khô. Chính rừng đã đem lại cuộc sống no ấm hơn cho chúng tôi”. Tìm hiểu thực tế tại xã Minh Tiến (Đại Từ), chúng tôi được lãnh đạo địa phương này thông tin cách đây khoảng 5 năm, người dân ở các xóm Tân Lập 4, Tân Lập 5, Lưu Quang 1, Lưu Quang 2, Lưu Quang 3 thường xuyên bị thiếu nước sinh hoạt, sản xuất. Nhưng từ khi 1.900ha đất rừng của xã Minh Tiến được khoanh nuôi, bảo vệ và trồng kín các loại cây lấy gỗ thì vấn đề nêu trên đã từng bước được giải quyết. Quả đúng là ngoài nguồn lợi lâm sản, nước là tài sản quý dễ thấy nhất sau khi độ che phủ của rừng trên địa bàn tỉnh được nâng lên.
Ông Đinh Khắc Tĩnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT đánh giá, nhờ độ che phủ của rừng được nâng lên, lưu lượng nước của các sông, suối trên địa bàn tỉnh đến nay đã tăng hơn khoảng 15% so với cách đây 10 năm. Đối với một tỉnh diện tích đất canh tác nông nghiệp bị phân chia nhỏ, xếp thành hình bậc thang, nguồn nước tưới phụ thuộc rất nhiều vào khe lạch, do vậy khi độ che phủ rừng càng lớn, chất lượng rừng càng cao thì lượng nước ở khe lạch càng nhiều, sẽ phục vụ hiệu quả hơn sản xuất nông nghiệp. Và đây chính là hiệu quả rất lớn, khó có thể đo đếm được. Cùng với đó là lợi ích bảo vệ môi trường cực kỳ quan trọng của rừng.