Sau rất nhiều năm nỗ lực đầu tư cho phát triển rừng của các cấp, ngành và người dân trong tỉnh, độ che phủ rừng trên địa bàn đến nay đã đạt tỷ lệ 50,64% trong quỹ đất tự nhiên của tỉnh (thời điểm năm 1990 là 28%). Thành công này không chỉ đem lại nguồn lợi to lớn về kinh tế mà rừng còn đóng vai trò rất quan trọng về nhiều mặt trong đời sống xã hội.
Độ che phủ rừng liên tục tăng lên
Nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Thái Nguyên, ông Nguyễn Lê Sơn, một chuyên gia đầu ngành về lâm nghiệp của tỉnh, khi trao đổi với chúng tôi xung quanh vấn đề phát triển rừng đã chia sẻ: “Chính vì quan điểm rừng là tài nguyên vô tận nên có thời điểm, tỉnh ta đã khuyến khích các tổ chức, cá nhân khai thác lâm sản, phát nương làm rẫy một cách ồ ạt, dẫn đến hậu quả là diện tích rừng trên địa bàn tỉnh bị suy giảm, tàn phá nặng nề. Nhưng trong khoảng 20 năm trở lại đây, tỉnh ta đã rất kịp thời, quyết liệt trong việc triển khai các chính sách quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nhờ đó độ che phủ rừng liên tục được nâng lên”. Trong đó, phải kể đến sự tích cực của tỉnh trong triển khai chính sách hỗ trợ lương thực cho người trồng rừng - Dự án PAM do Tổ chức Lương thực thế giới tài trợ (FAO); giao cho các tổ chức kinh tế trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc (Dự án 327). Từ chủ trương đúng đắn này đã nuôi dưỡng ý thức trồng rừng kinh tế trong nhân dân, giúp tăng độ che phủ của rừng trên địa bàn tỉnh lên trên 39,08% (năm 1999). Đặc biệt từ khi triển khai Dự án 661 của Chính phủ về trồng mới 5 triệu héc-ta rừng, tỉnh ta đã có nhiều giải pháp toàn diện, đồng bộ hơn để khuyển khích, thu hút các thành phần kinh tế tham gia phát triển rừng. Do vậy, đến nay, toàn tỉnh đã trồng mới được trên 83,7 nghìn héc-ta rừng, bảo vệ được 95 nghìn héc-ta rừng tự nhiên, đưa độ che phủ của rừng đạt 50,64%, chiếm quá nửa diện tích đất tự nhiên của toàn tỉnh.
Còn đồng chí Hứa Đức Nhị, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT cho rằng: “Diện tích rừng của Thái Nguyên chưa phải là lớn so với các tỉnh khác trong nước, nhưng khi so sánh tỷ lệ giữa diện tích đất tự nhiên và diện tích đất có rừng mới thấy tỉnh ta khá thành công trong công tác phát triển rừng. Đặc biệt, tỷ lệ diện tích rừng do các hộ dân quản lý hiện chiếm tới 44% diện tích rừng trong tỉnh (bình quân cả nước là 27%) đã nói lên xu thế xã hội hóa nghề rừng khá rõ. Nếu tỉnh ta duy trì bền vững được độ che phủ rừng như hiện nay sẽ tạo ra nhiều nguồn lợi vô cùng giá trị cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”.
Một số chuyên gia lâm nghiệp khác khi trao đổi với chúng tôi đều đánh giá cao kết quả phát triển rừng của tỉnh, nhất là chính sách giao đất, giao rừng cho các hộ dân quản lý, sử dụng vào mục tiêu phát triển kinh tế rừng…
Nền tảng quan trọng để phát triển rừng
Qua câu chuyện với các chuyên gia về lâm nghiệp và làm việc với đại diện Chi cục Phát triển lâm nghiệp (Sở Nông nghiệp và PTNT), chúng tôi được biết, trên địa bàn tỉnh hiện còn khoảng 4 nghìn héc-ta đất lâm nghiệp còn trống, nhưng đây có phải là đất trống, đồi núi trọc hay không thì chưa rõ. Vấn đề này đã thôi thúc chúng tôi về các huyện có tiềm năng phát triển rừng (như: Võ Nhai, Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương, Đồng Hỷ) để tìm câu trả lời. Sau nhiều lần gặp gỡ với một số cán bộ địa phương và người dân trực tiếp trồng rừng kinh tế, chúng tôi mới vỡ lẽ: Đất trống ở đây không phải đất bị bỏ hoang mà do các tổ chức, cá nhân đã khai thác rừng trồng và đang chuẩn bị trồng rừng chu kỳ mới (theo quy định của ngành Lâm nghiệp thì rừng trồng dưới 2 năm tuổi vẫn coi là đất trống) hoặc là diện tích đồi núi có quá nhiều đá không quy hoạch phát triển lâm nghiệp. Anh Vũ Ngọc Quyết, xóm Long Giàn, xã Khe Mo (Đồng Hỷ) cho biết: “Chi phí bỏ ra để trồng 1ha rừng kinh tế từ khoảng 12 đến 16 triệu đồng nên hầu hết các hộ trong xóm tôi đều tận dụng quỹ đất lâm nghiệp để trồng cây keo lấy gỗ. Trước đây, đất rừng xa khu dân cư, có độ dốc lớn thường bị bỏ hoang, nhưng bây giờ những diện tích này cũng đã phủ kín…”.
Theo tuyến đường liên xã từ La Hiên đi Sảng Mộc (Võ Nhai), chúng tôi nhận thấy những quả đồi bát úp hai bên đường trước đây là rừng tạp nghèo kiệt hoặc đất trống, nay đã bạt ngàn màu xanh của cây keo lai. Ông Lương Văn Hảo, xóm Phố, xã La Hiên (Võ Nhai) thông tin: “Các gia đình trong xóm tôi có từ 5ha tới 10ha đất rừng thì đều là những hộ có kinh tế khá nhờ bán lâm sản. Giờ ai muốn chuyển nhượng quyền sử dụng đất rừng là có người đến mua ngay, chứ tìm đâu ra đất trống bỏ hoang hóa”. Điều chúng tôi bất ngờ hơn là khi ngược núi lên vùng đồng bào dân tộc Mông ở xóm Mỏ Chì, xã Cúc Đường - nơi trước đây chỉ phát rừng làm rẫy, thì nay phong trào trồng rừng kinh tế lại khá sôi động. Ông Lý Văn Día, một hộ dân ở đây thông tin: “Hầu hết diện tích đất nương rẫy bị bạc màu, trồng ngô không cho nhiều hạt đã được bà con ở đây trồng cây keo thay thế. Riêng gia đình tôi từ năm 2011 đến nay đã trồng được khoảng 1,5ha keo và cây lên rất nhanh”…
Đến nay, mục tiêu nâng độ che phủ rừng lên trên 50% diện tích đất tự nhiên của tỉnh đã về trước kế hoạch và đây là nền tảng quan trọng đối với công tác phát triển rừng trên địa bàn trong những năm tới. Tuy nhiên, trong lĩnh vực này cũng còn có vấn đề đáng bàn. Ông Phạm Quang Cánh, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển lâm nghiệp cho rằng: “Độ che phủ rừng của tỉnh ta đã đạt trên 50% quỹ đất tự nhiên nên muốn tăng độ che phủ rừng lên cao hơn thì buộc phải chuyển đổi các loại đất khác sang đất lâm nghiệp. Mà nếu làm như vậy sẽ ảnh hưởng tới phát triển kinh tế. Do vậy theo tôi chỉ nên duy trì diện tích rừng như hiện nay và điều cần làm là từng bước nâng cao chất lượng rừng trồng, rừng tự nhiên hiện có để đạt hiệu quả cao nhất về kinh tế, cũng như bảo vệ môi trường”…
Ông Dương Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Định Hóa: “Huyện Định Hóa quy hoạch 23 nghìn héc-ta đất để trồng rừng kinh tế và diện tích đất này đã được giao cho các hộ gia đình quản lý, sử dụng. Địa phương đã và đang có nhiều chính sách khuyến khích kinh tế rừng phát triển, như hỗ trợ cho người trồng rừng, do đó độ che phủ rừng trên địa bàn đã đạt 56% diện tích đất tự nhiên”. |
Ông Trần Quyết Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ: “Công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Đồng Hỷ những năm qua đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra một phần là nhờ vào thành công trong phát triển kinh tế rừng ở vùng sâu, vùng xa. Quan điểm của huyện là diện tích đất lâm nghiệp đã giao cho các tổ chức, cá nhân quản lý mà không phát huy hiệu quả hoặc để bị hoang hóa thì địa phương sẽ kiến nghị với tỉnh thu hồi, sau đó giao cho các hộ dân thiếu tư liệu sản xuất để bà con trồng rừng kinh tế”. |