Cho đến nay, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD) đã có hiệu lực hơn 2 năm (từ ngày 1-7-2011), song, theo đánh giá tại nhiều cuộc Hội thảo của các tỉnh, thành thì Luật đi vào cuộc sống mức độ chưa cao. Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và nạn hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn gia tăng, đang trở thành mối quan tâm lo lắng, bức xúc của người tiêu dùng (NTD). Vì vậy, để bảo vệ quyền lợi của mình, mỗi người hãy là người tiêu dùng thông thái khi mua hàng.
Chị Nguyễn Thị Hằng ở phường Phan Đình Phùng, T.P Thái Nguyên tâm sự: “Nhiều khi đi chợ mua được vài lạng thịt, về nhà cân lại thấy thiếu khoảng 1/2 lạng, tôi nghĩ nó chẳng đáng kể. Với lại, có mang hàng đi trả, chắc chắn cũng chẳng đòi lại được, có khi còn cãi nhau nên đành "ngậm bồ hòn làm ngọt". Còn anh Hà Anh Thái ở phường Trưng Vương cho biết: “Thường thì mua phải món hàng có giá trị lớn như mua xe máy, ti vi, máy tính, tủ lạnh mà bị “trục trặc” mới trả lại. Nhưng nhiều khi đến một số đại lý, cửa hàng mua hàng, lúc mua thì chủ cửa hàng “ngon ngọt” mời chào quảng cáo hay lắm và có bảo hành hàng hoá đến 1 năm, song khi hàng hóa có “vấn đề” mang đi trả lại thì tha hồ ngồi đợi. Chủ cửa hàng cứ lấy hết lý do nọ sang lý do kia là phải đợi. Vì không có đồ dùng nên đành phải bỏ tiền ra mua đồ thay thế là có ngay”. Trong khi đó, Luật BVQLNTD quy định rất rõ 8 quyền lợi và 2 nghĩa vụ của NTD, đi kèm là Nghị định quy định chế tài xử lý (ví dụ: phạt từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá có trách nhiệm bảo hành hàng hoá khi vi phạm một trong những nghĩa vụ như: không cung cấp cho NTD hàng hoá, linh kiện tương tự để sử dụng tạm thời hoặc hình thức khác được NTD chấp nhận trong thời gian bảo hành). Không riêng gì Luật BVQLNTD mà một số văn bản, luật đã ban hành cũng quy định rất rõ chế tài xử lý, ví như hiện nay, Nhà nước đã ban hành 50 văn bản luật, nghị định, thông tư quy định cụ thể trách nhiệm về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) nhưng các hành vi vi phạm về ATVSTP vẫn diễn ra phổ biến ở khắp nơi. Điều đó cho thấy, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe; hoặc có phát hiện ra quyền lợi của mình bị xâm hại nhưng nhiều người cho rằng “thiệt hại không đáng kể” nên thường "dễ tính" bỏ qua; hoặc nếu có khởi kiện thì thủ tục phức tạp, tốn kém thời gian công sức, tiền bạc đến khi “được vạ thì má cũng sưng” nên đa số NTD lựa chọn cách bỏ cuộc là “an toàn” nhất.
Chính sự “dễ tính” của NTD đã vô tình làm cho nạn làm hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng ngày càng gia tăng và tinh vi hơn. Đa số các loại hàng làm nhái, hàng giả chủ yếu là các mặt hàng: thực phẩm, thuốc men, hàng kim khí điện máy, vì mức độ tiêu dùng nhiều và khó phân biệt thật - giả. Tình trạng xâm hại quyền lợi NTD diễn ra ở khắp nơi: không chỉ trong lĩnh vực mua bán hàng hóa, dịch vụ, vệ sinh an toàn thực phẩm mà còn ở cả lĩnh vực ký kết hợp đồng mua bán nhà cửa, vật liệu xây dựng, ngân hàng (tiền giả). Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn cả nước đã phát hiện nhiều vụ làm hàng giả, đặc biệt là các vụ vi phạm VSATTP, trong đó có những vụ nổi tiếng như: sữa nhiễm khuẩn; bún có chất tẩy gây ung thư; rau củ quả dùng thuốc kích thích tăng trưởng quá dư lượng cho phép; có “sinh vật lạ” trong bát mỳ tôm... làm tổn thất rất lớn đến kinh tế của toàn xã hội cũng như sức khoẻ người tiêu dùng; gây tâm lý lo lắng, bức xúc trong nhân dân. Chỉ tính riêng trên địa bàn tỉnh 7 tháng đầu năm 2013, lực lượng QLTT đã kiểm tra và xử lý 65 vụ vi phạm về hàng giả với tổng số tiền phạt (gồm phạt vi phạm hành chính, bán hàng tịch thu, trị giá tiêu huỷ hàng hoá) trên 233 triệu đồng.Trong đó có một số vụ vi phạm về giả nhãn hiệu hàng hoá nhưng giá bán tương đương với sản phẩm cùng loại như: xe đạp điện do Trung Quốc sản xuất, giả nhãn hiệu Honda; bóng điện Compact sản xuất ở Trung Quốc giả nhãn hiệu Rạng Đông; mỳ chính chất lượng kém do Trung Quốc sản xuất giả nhãn hiệu của Công ty Ajinomoto Việt Nam sản xuất. Về hàng kém chất lượng, đã phát hiện một số cơ sở sản xuất trong nước và cơ sở kinh doanh mũ bảo hiểm thời trang không đạt quy chuẩn; một số cơ sở sản xuất nước uống đóng chai có hành vi gian lận về định lượng; một số cửa hàng kinh doanh xăng dầu không bảo quản tốt để nước ngấm vào vẫn bán cho khách hàng. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh Thái Nguyên, trong 6 tháng đầu năm nay, Chi nhánh cũng đã thu giữ 176 tờ tiền giả các loại với tổng mệnh giá 34 triệu đồng. Riêng ngành Y tế, kiểm tra về lĩnh vực ATVSTP 4.246 lượt, phát hiện 909 vụ vi phạm, cảnh cáo nhắc nhở 879 cơ sở, xử lý 30 cơ sở với số tiền xử phạt vi phạm hành chính 64 triệu đồng…
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh cũng đã có Hội Bảo vệ người tiêu dùng Thái Nguyên, có Văn phòng đặt tại Sở Công Thương, trong đó một trong những nhiệm vụ của Hội: “Là cầu nối giữa doanh nghiệp và NTD trong việc cung cấp thông tin chính xác về sản phẩm, hàng hoá, hướng dẫn sử dụng hàng hoá an toàn…Nơi thu thập yêu cầu, nguyện vọng của NTD để thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển”. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, Hội cũng mới chỉ tiếp nhận 2 khiếu nại của NTD và tư vấn một số khiếu nại qua điện thoại cho NTD về xuất xứ, tem nhãn hàng hoá; giá bán không đúng với giá niêm yết. Điều đó cho thấy, còn nhiều NTD chưa quan tâm đến quyền lợi của mình, trong khi trên thực tế hàng giả, hàng kém chất lượng đang diễn ra khá phức tạp. Vì vậy, để bảo vệ quyền lợi của mình hơn ai hết mọi người hãy trở thành những NTD thông thái, nắm bắt được nghĩa vụ của mình khi mua hàng (phải kiểm tra hàng hoá trước khi nhận; lựa chọn hàng hoá, dịch vụ có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Thông tin cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan khi phát hiện hàng hoá, dịch vụ không bảo đảm an toàn, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản của người tiêu dùng; hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng). Đối với nhà sản xuất đã có thương hiệu cũng cần phải bảo vệ thương hiệu của mình tránh để lợi dụng làm hàng giả, đây cũng là cách bảo vệ người tiêu dùng. Bên cạnh đó các cơ quan chức năng cũng cần tiếp tục tăng cường kiểm tra hàng hoá để ngăn chặn các hành vi vi phạm.
Tóm tắt 8 quyền lợi của người tiêu dùng được quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 1. Được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khoẻ, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hoá, dịch vụ. 2. Được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hoá, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hoá; được cung cấp hoá đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hoá, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng. 3. Lựa chọn hàng hoá, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ theo nhu cầu; quyết định tham gia hoặc không tham gia giao dịch với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ. 4. Góp ý kiến với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ về giá cả, chất lượng hàng hoá, dịch vụ, phong cách phục vụ, phương thức giao dịch và nội dung khác liên quan đến giao dịch giữa hai bên. 5. Tham gia xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. 6. Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hoá, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết. 7. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan. 8. Được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kiến thức về tiêu dùng hàng hoá, dịch vụ. |