Ngành chăn nuôi - nhiều nỗi lo: Các trang trại hụt hơi (Bài 1)

09:26, 07/08/2013

Từ nhiều tháng nay, vấn đề khó khăn của ngành chăn nuôi cả nước, trong đó có Thái Nguyên (đặc biệt là chăn nuôi lợn) đang là chủ đề nóng được nhiều người quan tâm. Không chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng tình trạng thua lỗ trong chăn nuôi đã và đang kéo theo hàng loạt vấn đề cần giải quyết, từ khâu sản xuất, cung ứng vật tư, đến nợ xấu, nợ quá hạn ngân hàng và hơn thế là nỗi lo giá cả thị trường dịp cuối năm tăng cao do nguy cơ khan hiếm nguồn thực phẩm từ chăn nuôi.

Trên địa bàn tỉnh hiện đang có 272 trang trại chăn nuôi lợn, trong đó chủ yếu là các trang trại có quy mô từ 100 đến 300 con, một số trang trại lớn nuôi tới gần 1.000 con. Hiện tại, tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh là khoảng trên 540 nghìn con (năm 2012 là gần 545 nghìn con), trong đó có gần 92 nghìn con lợn nái, còn lại là lợn thịt.

 

Có thể nói, chưa bao giờ giá thịt lợn hơi xuất chuồng lại xuống thấp trong một thời gian khá dài như giai đoạn vừa qua. Suốt từ cuối năm 2012 đến nay, người chăn nuôi lợn hầu như chỉ biết đến hai từ “thua lỗ”. Bởi thế, thu hẹp quy mô chăn nuôi hoặc ngừng tái đàn đang được nhiều hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh lựa chọn làm giải pháp tình thế. 

 

Giá thịt lợn thấp, giá vật tư cao

 

Phú Bình là một huyện trọng điểm của tỉnh về chăn nuôi lợn, với tổng số 57 trang trại. Trong đó, riêng xã Tân Kim đã có gần 20 trang trại quy mô lớn và nhiều gia trại, hộ chăn nuôi nhỏ. Về Tân Kim, chúng tôi đã tiếp xúc với ông Vũ Thạch Tứ, ở xóm La Đuốc, một trong những chủ trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn và lâu năm nhất huyện. Hiện trang trại của ông được chia thành hai khu, một khu lợn nái, một khu lợn thịt, trung bình mỗi lứa có khoảng 200 đầu lợn. Tuy nhiên khi tiếp chúng tôi, ông Tứ buồn rầu nói: Suốt từ năm 2012 đến giờ, giá thịt lợn hơi xuất chuồng liên tục xuống thấp, có lúc xuống tới 32 nghìn đồng/kg. Với giá bán như thế, thời gian qua hầu như lứa lợn nào gia đình tôi cũng bị thua lỗ, thỉnh thoảng giá nhích lên trên 40 nghìn đồng/kg thì mới hoà vốn. Gia đình tôi vừa xuất chuồng hơn 50 con lợn thịt với giá 37 nghìn đồng/kg, tính ra mỗi đầu lợn bị lỗ khoảng 600 nghìn đồng.

 

Tại T.P Thái Nguyên, địa phương có 12 trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn, thì tình hình cũng không khác so với Phú Bình. Ông Trần Thanh Hưng, chủ trang trại lợn ở xóm Trung Thành, xã Quyết Thắng, tỏ ra ngán ngẩm: Giá thịt lợn hơi nhiều tháng nay ở mức trên dưới 40 nghìn đồng/kg, trong khi chi phí chăn nuôi tối thiếu đã là 43 nghìn đồng/kg. Mỗi con lợn thương phẩm xuất chuồng ở thời điểm hiện tại, gia đình tôi lỗ khoảng 200 nghìn đồng. Như vậy, mỗi tháng cả trang trại lỗ khoảng 30 triệu đồng. Trong khi đó, giá cám chăn nuôi lợn tăng khoảng 10% so với cùng kỳ, giá thuốc thú y cũng tăng đáng kể.

 

Phổ Yên cũng là địa phương trọng điểm về chăn nuôi lợn của tỉnh với 51 trang trại, có tổng số trên 40 nghìn con. Anh Trần Văn Phẩm, một chủ trang trại lợn ở xóm Giữa, xã Nam Tiến, cho biết: Thời điểm này năm ngoái, giá thịt lợn hơi ở địa phương là 43 nghìn đồng/kg, còn hiện giờ chỉ được khoảng 35 nghìn đồng/kg. Trong khi đó, giá vật tư chăn nuôi lại ngày một leo thang. Ví dụ, năm ngoái, giá một bao cám 25kg là 290 nghìn đồng, nhưng năm nay đã lên tới 326 nghìn đồng. Tính đi tính lại các trang trại chăn nuôi như chúng tôi chủ yếu là thua lỗ, may mắn lắm thì mới hoà vốn.

 

Người chăn nuôi lao đao

 

Nếu năm 2010, dịch bệnh làm ngành chăn nuôi của tỉnh điêu đứng thì năm nay giá cả thị trường lại là nguyên nhân chính khiến chăn nuôi gặp trở ngại. Và như chúng tôi đề cập ở phần trên, tình trạng thua lỗ xảy ra khá phổ biến. Theo lãnh đạo Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT - Chi nhánh Thái Nguyên thì hiện tại đã xuất hiện nợ quá hạn, nợ xấu của khách hàng là các chủ trang trại chăn nuôi lợn. Trong đó có không ít trang trại vay ngân hàng từ 1 đến 14 tỷ đồng.

 

Chị Chu Thị Vinh, chủ trang trại lợn tại xóm Đình, xã Nam Tiến (Phổ Yên) cho biết: Trung bình trong chuồng lợn của gia đình tôi lúc nào cũng có trên 100 con lợn thịt và 10 con lợn nái. Gần 2 năm nay, chăn nuôi ế ẩm đã khiến gia đình thực sự rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Do đã đầu tư chuồng trại nên cực chẳng đã tôi vẫn phải duy trì chăn nuôi để trả lãi ngân hàng, lấy phân bón ruộng, lấy khí gas để đun nấu. Ông Vũ Thạch Tứ, chủ một trang trại khác ở huyện Phú Bình thì cho rằng: Dù có thua lỗ lớn, nhưng gia đình vẫn quyết định vay ngân hàng 180 triệu đồng để đầu tư bởi nếu không tiếp tục chăn nuôi là đồng nghĩa với vỡ nợ, phá sản. Hai lứa lợn đầu năm nay gia đình tôi đã lỗ gần 60 triệu đồng. Cứ đà này không biết phải trả lãi ngân hàng như thế nào? Anh Vũ Thạch Vượng, từng là chủ trang trại lợn quy mô lớn ở xã Tân Kim (Phú Bình) cũng trăn trở: Năm 2010, gia đình vay ngân hàng 200 triệu đồng đầu tư chăn nuôi lợn. Thời gian đầu giá cả ổn định nên chăn nuôi có lãi, nhưng bước sang năm 2012 giá thịt lợn liên tục lao dốc khiến gia đình phải chuyển sang chăn nuôi gà, vịt. Toàn bộ hệ thống chuồng trại nuôi lợn giờ đã bỏ không, rất lãng phí. Hiện nay, hạn trả nợ ngân hàng đã sắp đến mà gia đình tôi không biết phải xoay sở ra sao? Còn với ông Nguyễn Văn Ngữ, chủ trang trại thường xuyên nuôi trên 200 đầu lợn ở xóm Pha, xã Lương Sơn (T.P Thái Nguyên) thì thở dài: Chưa lúc nào người chăn nuôi lợn lại phải tham gia một cuộc chơi đầy may rủi như thời gian gần đây. Kết quả, không ít người đã phải bở dở cuộc chơi vì hụt hơi…

 

Tổng đàn sụt giảm

 

Theo số liệu thống kê định kỳ của Cục Thống kê tỉnh thì tổng đàn lợn trên địa bàn tính đến hết tháng 4 năm nay đã giảm so với năm ngoái khoảng trên 4 nghìn con.

 

Anh Trần Văn Phẩm, chủ trang trại lợn ở huyện Phổ Yên cho biết, trước đây gia đình nuôi trung bình 150 con/lứa, nhưng hiện đã giảm xuống dưới 100 con/lứa. Các hộ chăn nuôi lợn có quy mô dưới 50 con/lứa ở Phổ Yên cũng không dám đầu tư tăng đàn vì chi phí đầu vào cao, giá bán ra lại thấp. Hơn nữa, do thua lỗ từ cuối năm ngoái đến nay nên có nhiều hộ cạn kiệt nguồn vốn, không thể tái sản xuất, nhiều chuồng trại phải bỏ trống. Hiện tại toàn huyện có 100 nghìn con lợn, giảm khoảng 20% so với trước.

 

Phó Chủ tịch UBND xã Tân Kim (Phú Bình), ông Lê Hồng Khanh không khỏi lo ngại trước thực trạng khó khăn của ngành chăn nuôi: Thời kỳ cao điểm (vào cuối năm 2011), toàn xã có trên 10 nghìn đầu lợn, nhưng nay do nhiều trang trại phải thu hẹp quy mô hoặc dừng chăn nuôi nên chỉ còn trên 9 nghìn con. Còn ông Vương Sỹ Tạo, Chủ tịch UBND xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên) thông tin: So với cùng kỳ năm trước thì tổng đàn lợn trên địa bàn xã đã giảm khoảng 20%, tức là còn khoảng 8 nghìn con. Một số trang trại đã buộc phải giảm đàn, thậm chí dừng chăn nuôi…

  

 

Ông Phạm Đăng Ninh, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Bình: Là huyện có nhiều trang trại chăn nuôi lợn, nên khi chăn nuôi gặp trở ngại đã ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý sản xuất của người dân. Có thể nói, chưa có thời điểm nào, chỉ vì thị trường khó khăn mà tổng đàn lợn lại sụt giảm mạnh như hiện nay.

 

 


 

 

 


 

Ông Trần Xuân Dân, hộ chăn nuôi lợn ở xóm Giữa, xã Nam Tiến (Phổ Yên): Chúng tôi mong muốn hệ thống ngân hàng tiếp tục có chính sách giảm lãi suất để những hộ chăn nuôi nhỏ có thể vay vốn sản xuất. Những hộ chăn nuôi đang thua lỗ cũng nên có chính sách ưu đãi riêng để tháo gỡ khó khăn cho họ.