Thực trạng ngành chăn nuôi gặp khó khăn không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến nhóm đối tượng chăn nuôi mà còn tác động mạnh mẽ đến nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Các ngành chức năng lo ngại không chỉ sản phẩm thịt lợn có thể khan hiếm trong thời điểm cuối năm mà ngay cả nguồn giống cung cấp cho chăn nuôi thời gian tới cũng không tránh khỏi thiếu hụt…
Cảnh báo đáng quan tâm
Như chúng tôi đã đề cập ở phần trước, thời gian do giá thịt lợn hơi trên thị trường xuống quá thấp, người chăn nuôi thua lỗ nên không ít trang trại đã giảm số lượng lợn nuôi và ngừng tái đàn. Điều đáng nói là không ít trang trại nuôi lợn sinh sản cung cấp con giống cho người chăn nuôi đã phải hủy đàn bằng cách bán con nái để thịt. Một số công ty chuyên cung cấp giống lợn cũng đã hủy dần con giống vì thị trường tiêu thụ quá chậm. Theo các chuyên gia kinh tế, đây là vấn đề đáng lo ngại bởi khi thị trường cải thiện, ngành chăn nuôi phục hồi trở lại thì nguy cơ chúng ta phải nhập con giống từ nước ngoài là hoàn toàn có thể. Gần đây, thông tin về nhiều thương lái Trung Quốc đang đổ xô đi thu gom lợn thịt tại khu vực miền Đông Nam bộ của nước ta đã khiến nhiều người lo lắng. Những tháng cuối năm, nhất là vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc ta, nhiều khả năng thịt lợn sẽ rất khan hiếm. Cũng không loại trừ giá thịt lợn sẽ tăng đột biến, tạo ra cơn sốt làm sôi động thị trường thực phẩm.
Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Dũng Minh, một trong những nhà phân phối thức ăn chăn nuôi lớn nhất của tỉnh hiện nay, đồng thời là đơn vị “bao thầu” hàng chục trang trại lợn trên địa bàn cũng đang gặp phải những khó khăn nhất định. Ông Nguyễn Thế Dũng, Giám đốc Công ty chia sẻ: 7 tháng qua, doanh thu của đơn vị đã giảm trên 10% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận thì giảm tới 30%. Các trang trại lợn do đơn vị đứng ra quản lý cũng phải giảm đàn đáng kể. Qua theo dõi tình hình chăn nuôi hiện nay, tôi nhận thấy những cảnh báo về tình trạng khan hiếm lợn thịt và con giống trong thời gian tới là hoàn toàn có cơ sở…
Cần bản lĩnh và sự tỉnh táo
Theo khảo sát của các ngành chuyên môn thì hiện nay, hầu hết các chủ trang trại, gia trại chăn nuôi nói chung, chăn nuôi lợn nói riêng trên địa bàn tỉnh còn thiếu và rất yếu về trình độ quản lý. Gần như các chủ trang trại, gia trại chỉ biết dùng kinh nghiệm vốn có của mình trong chăn nuôi để vận hành cơ sở chăn nuôi chứ ít được qua đào tạo về quản lý, tổ chức sản xuất và hạch toán kinh tế. Có một trang trại ở huyện Phổ Yên chăn nuôi tới mấy trăm đầu lợn, nhưng khi chúng tôi hỏi chủ trang trại về phương thức quản lý, vận hành và hạch toán kinh tế thì được trả lời là “tự học”. Tự học ở đây chính là bắt chước nhau, người đi sau học lỏm người đi trước mà không biết rằng nuôi lợn trang trại đâu chỉ đơn giản như thế. Nó không chỉ đòi hỏi trình độ khoa học kỹ thuật mà còn rất cần những người quản lý có kiến thức về khâu quản lý, tổ chức sản xuất. Nếu nuôi vài ba con lợn thì quá đơn giản, nhưng nuôi tới vài trăm con với hệ thống chuồng trại quy mô lớn thì không dễ chút nào. Chỉ riêng việc hạch toán lượng thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y đầu vào với tỉ lệ xuất chuồng, doanh thu bán ra sao cho có lợi nhuận thôi cũng đã là cả một vấn đề. Cũng chính vì còn thiếu kiến thức quản lý nên mới có tình trạng khi nhà này thấy nhà kia tăng đàn, nuôi thêm nhiều lợn thịt thì cũng đổ xô đi mua con giống về nuôi mà không cần suy xét thị trường diễn biến thế nào và thực lực của gia đình mình ra sao. Có nhiều trường hợp đi vay lãi ngân hàng để tăng đàn trong khi thị trường lợn thịt đang xuống dốc, để rồi chịu thua lỗ nặng, mà lãi ngân hàng thì chưa thể trả đúng hẹn.
Thời gian gần đây, khi thị trường lợn thịt gặp nhiều khó khăn, một số trang trại chăn nuôi lợn đã tỏ rõ sự chán nản, không cần suy xét mà đã ngay lập tức bán tháo hoặc hủy đàn. Đáng tiếc là có trường hợp hủy cả đàn lợn nái. Qua đây cho thấy, người chăn nuôi của chúng ta còn thiếu bản lĩnh và ít tỉnh táo trước mỗi diễn biến của thị trường. Đây cũng chính là một điểm yếu cần sớm được khắc phục.
Tác động của Nhà nước chưa nhiều
Tham gia chủ đạo vào hoạt động tín dụng cung cấp vốn cho các trang trại, gia trại chăn nuôi lợn trên địa bàn chính là Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT – Chi nhánh Thái Nguyên. Theo thống kê của đơn vị này thì hiện tổng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn của Ngân hàng đang ở mức 3.100 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay chăn nuôi chiếm khoảng 1/3. Hiện tại, đối với hoạt động chăn nuôi trang trại, gia trại đã xuất hiện nợ xấu với tổng số khoảng 2 tỷ đồng. Số nợ quá hạn cũng đã tăng dần do các trang trại phải giảm hoặc hủy đàn. Trước những khó khăn của ngành chăn nuôi, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT tỉnh đã tiến hành cơ cấu lại nợ (gia hạn hoặc kéo dài thời hạn) đối với những hộ, doanh nghiệp đang còn chăn nuôi nhưng gặp khó khăn chưa thể trả lãi khi đến hạn thanh toán. Cụ thể, đã cơ cấu lại số nợ 105 tỷ đồng của 168 khách hàng, trong đó có 22 doanh nghiệp và 146 trang trại, gia trại chăn nuôi. Mặt khác, Chi nhánh đã điều chỉnh lãi suất cho vay, giảm liên tục từ dưới 15%/năm vào tháng 5/2012 xuống dưới 13%/năm từ tháng 5/2013. Mức lãi xuất cho vay mới cũng liên tục giảm: Lãi suất vay trung, dài hạn với sản xuất nông nghiệp là 11%/năm; ngắn hạn là 9%/năm. Chi nhánh cũng đang xem xét huy động vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế nhằm kéo dài thời hạn cho vay đối với người nông dân, số lượng dự kiến huy động được trong năm nay là khoảng 100 tỷ đồng.
Những tác động từ phía Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT tỉnh trong thời điểm hiện tại là hữu ích đối với người chăn nuôi, song như thế vẫn chưa đủ. Theo các nhà quản lý thì để giải quyết kịp thời những khó khăn cho người chăn nuôi thì chỉ có một phương án tối ưu là Nhà nước đứng ra hỗ trợ kinh phí nhằm bình ổn giá vật nuôi và thực phẩm lợn thịt trên địa bàn. Tuy nhiên, điều đó là khó khả thi bởi từ nhiều năm nay chúng ta chưa làm được điều này do không có nguồn kinh phí. Ngay cả Trung ương cũng chưa từng bố trí được kinh phí để bình ổn thị trường lợn thịt giúp người chăn nuôi.
Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho rằng: Trong cơ chế thị trường hiện nay, người chăn nuôi cũng như các đối tượng khác đều phải cạnh tranh sòng phẳng và phải chấp nhận quy luật lỗ, lãi trong sản xuất kinh doanh, không vì lỗ mà buông, không vì lãi mà tăng trưởng nóng. Cũng như doanh nghiệp, người chăn nuôi phải biết hạch toán sản xuất, kinh doanh chứ không thể có chuyện cứ khó khăn, thua lỗ là lại trông chờ vào sự giải cứu nào đó.
Ông Lê Hồng Khanh, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Kim (Phú Bình): Trong lúc khó khăn hiện nay, đề nghị các ngành chức năng của tỉnh cần tăng cường công tác kiểm soát dịch bệnh và sản phẩm thịt lợn nhập lậu qua biên giới; đẩy mạnh các kênh lưu thông, phân phối hàng hóa trong nước; thực hiện chính sách kích cầu một số mặt hàng trong nước, trong đó có thịt lợn.
|
Ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT – Chi nhánh Thái Nguyên: Ngân hàng và người chăn nuôi luôn đồng hành. Những khó khăn của người chăn nuôi cũng là những khó khăn của chúng tôi, nên tháo gỡ cho chăn nuôi chính là tự tháo gỡ khó khăn cho ngân hàng.
|