Ngành công nghiệp hướng đến mục tiêu lớn

15:23, 27/08/2013

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XVIII đã xác định: “Phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp hàng năm (giai đoạn 2011-2015) tăng 20% trở lên…, tạo tiền đề vững chắc để Thái Nguyên trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại trước năm 2020”. Tuy vậy, sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết, mặc dù đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, song kết quả chưa đạt được như kế hoạch đề ra. Vậy, giải pháp nào để có thể cải thiện tình hình, hoàn thành mục tiêu lớn theo đúng lộ trình?

Trong Nghị quyết cũng chỉ rõ, muốn đạt được mục tiêu đưa Thái Nguyên trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại trước năm 2020 thì cần khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp; ưu tiên phát triển mở rộng ngành công nghiệp hỗ trợ, phát triển năng lượng điện, công nghiệp ứng dụng công nghệ mới, cơ khí chế tạo, lắp ráp, công nghiệp nhẹ và sản xuất hàng tiêu dùng. Thực tế cho thấy, trong giai đoạn trước (2006-2010), Thái Nguyên thực hiện khá tốt chương trình phát triển công nghiệp với mức tăng trưởng bình quân cả giai đoạn là 18,7%, trong khi cả nước mới đạt 13,8%. Tuy nhiên, giá trị sản xuất công nghiệp (GTSXCN) của tỉnh từ năm 2011 đến nay có xu hướng chậm lại. Theo báo cáo của ngành Công Thương thì kết quả phát triển công nghiệp trong nửa nhiệm kỳ qua của tỉnh như sau: Năm 2011, tổng GTSXCN của tỉnh đạt trên 14.600 tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm trước. Năm 2012, GTSXCN đạt 15.400 tỷ đồng, tăng 16,3% so với năm 2011. 7 tháng đầu năm nay, GTSXCN tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước. Hiện tại, ngoài các dự án công nghiệp đã đi vào hoạt động ổn định, tỉnh ta đang chủ yếu trông vào những đóng góp tăng thêm của một số dự án lớn như: Dự án khai thác, chế biến khoáng sản Núi Pháo dự kiến trước mắt sẽ đóng góp vào GTSXCN của tỉnh khoảng 600 tỷ đồng. Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy cán thép thuộc Công ty cổ phần cán thép Thái Trung, đã đi vào sản xuất bước đầu từ quý I năm 2013, dự kiến đóng góp khoảng 1.750 tỷ đồng. Ngoài ra, một số dự án khác gồm: Mỏ chì kẽm Côi Kỳ, mỏ thiếc Đông Núi Pháo, mỏ thiếc bismut Tây Núi Pháo, mỏ sắt Cù Vân, mỏ quặng sắt mangan Đá Liền (Đại Từ); mỏ chì kẽm Bo Cây (Định Hoá), mỏ sắt Cây Thị (Đồng Hỷ); mỏ vàng Khau Âu, mỏ vàng gốc Tân Kim (Võ Nhai); mỏ than Giang Tiên (Phú Lương)... đóng góp khoảng 100 tỷ đồng. Như vậy, việc tăng mạnh GTSXCN của tỉnh hiện vẫn đang là vấn đề nan giải. Theo các chuyên gia phân tích, do tình hình kinh tế thế giới và trong nước có những suy thoái mạnh mẽ nên sản xuất công nghiệp của tỉnh mới khó khăn như vậy.

Ngành Công Thương của tỉnh đã chỉ ra rằng, tuy công nghiệp của Thái Nguyên thời gian gần đây có mức đóng góp cao hơn bình quân chung cả nước nhưng giá trị gia tăng của ngành vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Những điểm hạn chế mà ngành này chỉ ra là: Thứ nhất, nguồn vốn cho đầu tư phát triển công nghiệp còn ít. Là tỉnh có ngành công nghiệp luyện kim, cơ khí ra đời và phát triển từ rất sớm nên nhu cầu đổi mới công nghệ đang rất cấp thiết. Dù vậy, hiện mới chỉ có một số đơn vị sản xuất hàng xuất khẩu mới mạnh dạn đầu tư, trang bị đồng bộ máy móc, số còn lại chủ yếu có trình độ công nghệ ở mức trung bình yếu. Thứ hai, tỷ lệ tốc độ tăng giá trị tăng thêm (VA) so với tốc độ tăng GTSXCN (GO) của tỉnh còn thấp và có xu hướng giảm dần từ 23,55% năm 2005 xuống còn khoảng 20% năm 2012. Lý do giảm được xác định là bởi chúng ta vẫn đang chấp nhận cơ chế thông thoáng để thu hút đầu tư, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người lao động. Thứ ba, cơ cấu nội ngành công nghiệp chưa hợp lý. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản và luyện kim (ngành sử dụng nhiều tài nguyên và tạo nhiều sức ép đối với cơ sở hạ tầng, môi trường) hiện đang chiếm tỷ trọng cao trong toàn ngành. Trong khi đó, ngành công nghiệp phụ trợ và tỷ lệ nội địa hóa của chúng ta còn nhỏ về quy mô; hiệu quả, sức cạnh tranh của sản phẩm và doanh nghiệp công nghiệp chưa cao do sản xuất còn mang nặng tính chất gia công; nguyên vật liệu, linh kiện chủ yếu nhập khẩu, giá trị gia tăng thấp.

Bởi thế, để phát triển công nghiệp cần chuyển dịch mạnh cơ cấu nội ngành, trong đó chuyển dịch cơ cấu ngành từ công nghiệp khai khoáng, luyện kim, vật liệu xây dựng… sang công nghiệp chế biến ứng dụng công nghệ cao và các dạng công nghệ hỗ trợ. Chỉ thu hút đầu tư phát triển sản xuất trong các khu, cụm công nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển ngành theo hướng chuyển dịch cơ cấu hợp lý, nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành trong giai đoạn mới.
 
Giai đoạn 2011-2015, tỉnh tập trung phát triển mạnh ngành công nghiệp hỗ trợ với các giải pháp mang tính khả thi cao. Trong đó, sẽ quan tâm nhiều hơn đến chuyển dịch cơ cấu ngành theo hướng kêu gọi, ưu tiên, khuyến khích đầu tư vào các ngành công nghiệp hỗ trợ có kỹ thuật cao, các sản phẩm có hàm lượng chất xám, đạt giá trị gia tăng cao nhằm đưa công nghệ mới vào sản xuất. Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ để tăng tỉ lệ nội địa hoá gắn với các ngành sản xuất linh kiện, phụ liệu, sửa chữa, bảo dưỡng. Cụ thể, ngay trong năm 2013, chúng ta đã thu hút được một số dự án lớn về lĩnh vực này, trong đó lớn nhất là Dự án xây dựng Nhà máy điện tử Samsung và Nhà máy sản xuất các bộ vi xử lý và mạch tích hợp của Samsung với tổng mức đầu tư trên 3 tỷ USD. Cùng với đó, tỉnh cũng định hướng ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ có lợi thế sẵn có như sản xuất linh, phụ kiện ô tô, xe máy, thiết bị điện tử, may mặc, da giày. Hướng đầu tư vào các dự án sản xuất sản phẩm có trình độ công nghệ cao, không gây ô nhiễm môi trường và sử dụng ít lao động. Từ nay đến năm 2015, tiếp tục phát triển ngành công nghiệp mũi nhọn về xuất khẩu theo quy hoạch chung của cả nước. Đẩy mạnh việc chuyển từ hình thức gia công sang sản xuất, xuất khẩu trực tiếp nhằm gia tăng giá trị, nâng cao khả năng cạnh tranh ngành hàng. Khuyến khích, ưu tiên phát triển ngành dệt may đầu tư về địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.

Tuy đã có những giải pháp đề ra, song thực tế việc triển khai không phải dễ dàng. Điều quan trọng hiện nay là Nhà nước và doanh nghiệp cùng phải có trách nhiệm tháo gỡ khó khăn. Với Nhà nước, nên quan tâm cởi bỏ những nút thắt về vốn tín dụng cho doanh nghiệp (tiếp tục hạ lãi suất tiền vay cho phù hợp với tốc độ giảm lạm phát của nền kinh tế theo lộ trình phù hợp); cần nâng mức tăng trưởng hợp lý về tín dụng, kết hợp với cơ cấu lại nền kinh tế; có cơ chế xử lý nợ xấu, khoanh nợ cho một số ngành, nghề, doanh nghiệp có vị trí quan trọng trong nền kinh tế (thép, xi măng và các ngành chế biến khác); xây dựng hàng rào kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu những sản phẩm trong nước đã dư nguồn cung (thép xây dựng). Với doanh nghiệp, cần phải tổ chức lại sản xuất, tăng cường công tác quản lý để giảm chi phí đầu vào, chi phí gián tiếp, nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm, nâng cao hiệu quả sử dụng đồng vốn; rà soát, điều chỉnh phương án sản xuất phù hợp với tình hình thị trường xã hội; cơ cấu lại vốn sử dụng cho hoạt động sản xuất; tổ chức tốt hoạt động xúc tiến thị trường, mở rộng các kênh tiêu thụ sản phẩm và không ngừng liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp nhằm hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho nhau...