Nhập siêu khoảng 600 triệu USD trong 8 tháng

09:57, 27/08/2013

Công bố của Tổng cục Thống kê cho thấy,  8 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu đạt 84,8 tỷ USD trong khi nhập khẩu 85,4 tỷ USD.

Tính chung 8 tháng, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước. Khu vực kinh tế trong nước tăng 3,1% đạt 28,7 tỷ USD, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 56,1 tỷ USD, tăng cao ở mức 21,6%.

Trong đó, một số mặt hàng đạt mức kim ngạch xuất khẩu tăng cao là: Điện thoại các loại và linh kiện đạt 13,1 tỷ USD, tăng 76,2% so với cùng kỳ năm trước; hàng dệt may đạt 11,5 tỷ USD, tăng 17,3%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 6,8 tỷ USD, tăng 42,2%; giày dép đạt 5,5 tỷ USD, tăng 16,1%; túi xách, ví, va li, mũ, ô dù đạt 1,3 tỷ USD, tăng 25,7%; sắt thép đạt 1,2 tỷ USD, tăng 13,9%; rau quả đạt 721 triệu USD, tăng 33,8%.

Một số mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch tăng khá so với cùng kỳ năm trước như: Gỗ và sản phẩm gỗ tăng 12,6%; hạt điều tăng 12,1%; sản phẩm từ chất dẻo tăng 10,9%. Kim ngạch một số mặt hàng giảm so với cùng kỳ năm trước là: Xăng dầu giảm 39,3%; than đá giảm 26,3%; sắn và sản phẩm của sắn giảm 23,7%; cà phê giảm 21,8%; cao su giảm 14,3%; gạo giảm 14,2%; dầu thô giảm 10,7%.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, trong khi kim ngạch xuất khẩu giảm thì kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 8 tăng 5,2% so với tháng trước và tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2012. Tính chung 8 tháng, kim ngạch nhập khẩu đạt 85,4 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước.

Khu vực kinh tế trong nước tăng 4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài  tăng nhanh ở mức 25,1%. Điều này cho thấy sản xuất của khu vực trong nước còn gặp nhiều khó khăn. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu vẫn là nguyên, nhiên vật liệu và hàng gia công lắp ráp.

Trong 8 tháng năm nay, một số mặt hàng đạt mức kim ngạch nhập khẩu tăng so với cùng kỳ năm trước như: Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 11,8 tỷ USD, tăng 9,6%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 11,5 tỷ USD, tăng 41,6%; vải đạt 5,5 tỷ USD, tăng 20,2%; điện thoại các loại và linh kiện đạt 5,2 tỷ USD, tăng 71,3%; sắt thép đạt 4,5 tỷ USD, tăng 10%; chất dẻo đạt 3,7 tỷ USD, tăng 17%; nguyên phụ liệu dệt, may, giày dép đạt 2,5 tỷ USD, tăng 20,4%; thức ăn gia súc và nguyên phụ liệu đạt 2,1 tỷ USD, tăng 41,5%; kim loại thường khác đạt 1,9 tỷ USD, tăng 16%; sản phẩm hóa chất đạt 1,8 tỷ USD, tăng 11,3%; sản phẩm chất dẻo đạt 1,6 tỷ USD, tăng 20,6%; ô tô đạt 1,4 tỷ USD, tăng 6,1%, trong đó ô tô nguyên chiếc đạt 408 triệu USD, tăng 5,7%; tân dược đạt 1,2 tỷ USD, tăng 7,1%; phương tiện vận tải khác và phụ tùng đạt 1,2 tỷ USD, tăng 20,5%; phân bón đạt 1,1 tỷ USD, tăng 6,4%; giấy các loại đạt 861 triệu USD, tăng 12,5%; bông đạt 775 triệu USD, tăng 32,1%.

Một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước như: Xăng dầu đạt 4,6 tỷ USD, giảm 27,4%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 908 triệu USD, giảm 4,6%; cao su đạt 456 triệu USD, giảm 16,3%; thủy sản đạt 419 triệu USD, giảm 6,4%; lúa mỳ đạt 360 triệu USD, giảm 35,3%.