Nỗi lo tăng giá

14:23, 27/08/2013

Thông thường chỉ số gia tiêu dùng (CPI) nếu tăng trong tháng 8 sẽ dẫn tới sự biến động gía tăng trong những tháng tiếp theo vào cuối năm. Theo Tổng cục Thống kê chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 năm nay đã tăng 0,83% so với tháng 7 và tăng 7,5% so với cùng tháng năm trước; tính từ đầu năm, CPI đã tăng 3,53%. Mức tăng CPI 0,83% được cho là cao hơn nhiều so với dự báo của các tổ chức tín dụng theo báo cáo của Vụ Dự báo và Thống kê tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (5,4%).

Theo VnEconomy thì những năm gần đây, CPI tháng 8 thường mang tính bản lề khởi đầu cho diễn biến tăng giá khác do những sự điều chỉnh của các mặt hàng được quản lý cũng như tăng yếu tố mùa vụ. Trong những tháng tới một số nhân tố tăng giá đã được báo trước như: tăng học phí tạị các tỉnh, thành phố; mức tăng viện phí của Hà Nội và một số địa phương …Trong số các nhóm hàng tính CPI, nhóm thuốc và dịch vụ y tế trong tháng 8 có mức tăng 4,11 so với tháng 7. Đây là những nhân tố đẩy biến động tăng giá trong tháng 8 và ảnh hưởng đến tăng giá những tháng tiếp theo.


Ảnh hưởng của tăng giá xăng dầu, tăng giá điện là những nhân tố quan trọng làm tăng CPI. Theo tính toán thì việc giảm giá xăng đợt 22-8 chưa tác động đến chỉ số CPI của tháng 8. Chỉ tính riêng tăng giá xăng dầu đã làm chỉ số giá nhóm giao thông tăng 1,11%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm trong mức tăng CPI chung của cả nước. Cũng thep VnEconomy phân tích thì các quyết định hành chính để tăng giá chỉ ảnh hưởng một lần đến CPI những sẽ tác động lâu dài đến cuộc sống, chi tiêu người dân.
 

Cũng như các địa phương khác trong cả nước, mức tăng chỉ số giá tiêu dùng của tỉnh ta cũng chịu diễn biến tăng, nhất là tăng giá xăng dầu, giá điện đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất, nhất là trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải… Những yếu tố tăng giá tiêu dùng trong 8 tháng đầu năm và tháng 8 năm 2013 cũng đã ảnh hưởng đến sức mua và đời sống nhân dân trong tỉnh. Tình hình đó đang là những trở ngại mà các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh cần có chính sách, giải pháp để tăng cường tiết kiệm, giảm chi phí đầu vào cho sản xuất, kiểm soát thị trường để hạn chế đầu cơ, tăng giá, kiềm chế chế lạm phát; hỗ trợ cho cho sản xuất và đời sống người dân, thực hiện có hiệu quả các chương trình an sinh xã hội để bảo đảm hoàn thành tốt các chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội năm 2013 đã đề ra, trong đó có các chỉ tiêu chủ yếu liên quan đến sản xuất và đời sống dân sinh như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 11%; thu ngân sách tăng 18-20% so với năm 2012; giá trị sản xuất công nghiêp - TTCN tăng 16%; giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng 20% ; tạo việc làm mới cho 16 nghìn lao động; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 15% (giảm 2,1%) … Trên cơ sở sản xuất phát triển, bảo đảm việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, sản xuất và đời sống nhân dân sẽ bớt ảnh hưởng do chỉ số giá tiêu dùng biến động tăng.