Sản xuất công nghiệp: Đối mặt với khó khăn thời “bão” giá

09:44, 15/08/2013

Chưa lúc nào giá nguyên, nhiên liệu đầu vào phục vụ sản xuất lại tăng mạnh mẽ như hiện nay. Điện, than, xăng dầu và các loại chất đốt khác đều đang ở mức giá có thể gây khó cho nhà sản xuất, khiến không ít đơn vị rơi vào cảnh “tiến thoái lương nan”. Lúc này, các doanh nghiệp đang phải căng mình thực hành tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, giải quyết hàng tồn đọng… để có thể trụ vững trên thị trường.

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Trưởng phòng Quản lý điện (Sở Công Thương): Hiện nay, giá điện dành cho sản xuất, nhất là đối với các ngành công nghiệp đặc thù như sắt thép, xi măng của chúng ta vẫn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Việc tăng giá điện là có lộ trình và tất yếu sẽ diễn ra. Bởi vậy, hơn lúc nào hết tiết kiệm điện là biện pháp tối ưu nhất mà các doanh nghiệp phải áp dụng hiện nay.  

 

 

Ông Nguyễn Văn Tùng, lãnh đạo Nhà máy luyện gang Trung Việt: Mặc dù biết nếu vận hành dây chuyền đủ các giờ trong ngày thì sản lượng gang sẽ tăng từ 600 tấn/tháng lên 750 tấn/tháng, nhưng sau tính toán, do giá điện cao nên chúng tôi vẫn quyết định ngừng sản xuất vào giờ cao điểm để tiết kiệm điện năng, giảm trừ chi phí.

 

 

 

Khi giá nguyên, nhiên liệu leo thang…

 

Trong thời điểm các loại nguyên, nhiên liệu đầu vào phục vụ sản xuất đang đua nhau tăng giá như hiện nay, nếu nói thị trường đang có “bão” giá cũng không sai chút nào. Thực tế thì từ ngày 1/8/2013, giá bán điện bình quân đã ở mức 1.508,85 đồng/kWh (chưa tính thuế VAT), tăng 71,85 đồng/kWh (tăng 5%)  so với giá bán bình quân trước đây. Đây được xem là mức tăng thấp nhất mà ngành Điện có thể áp dụng ở thời điểm này, bởi nhiều khả năng tháng 10, 11 tới ngành này sẽ tiếp tục tăng giá. Theo lộ trình đề ra của ngành Điện thì giá điện phải tăng từ 15% đến 20% mới đủ bù đắp chi phí sản xuất và cung ứng điện. Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc điều chỉnh giá điện tăng 5% vào thời điểm này được xem là khá nhạy cảm, bởi đây là lúc các hoạt động sản xuất, kinh doanh đang gặp rất nhiều khó khăn.
 


Đối với than, xăng dầu và một số loại chất đốt khác, giá bán hiện thời cũng đang rất cao. Riêng xăng dầu, từ đầu năm đến nay đã có ít nhất 6 lần thay đổi giá theo hướng tăng lên. Còn than cốc dùng cho luyện kim, dù giá trên thị trường thế giới đã giảm mạnh, song trong nước vẫn ở mức khá cao (từ 6 triệu đồng đến 9 triệu đồng/tấn). Theo nhận định chuyên môn thì lâu lắm rồi thị trường mới có “cơn bão” giá mạnh như hiện nay. Đáng lẽ khi thị trường khó khăn, hàng hóa tồn kho nhiều thì giá cả phải giảm xuống, nhưng thực tế lúc này đang ngược lại. Than, dầu cung cấp cho ngành Điện lại đang tăng giá đã khiến giá điện đội lên và điều đó khiến các ngành sản xuất khác phải hứng chịu.



Đối với Thái Nguyên, một địa phương có ngành công nghiệp luyện kim, cơ khí chế tạo và sản xuất vật liệu xây dựng phát triển, lượng tiêu thụ nguyên, nhiên liệu đầu vào rất lớn, thì tình trạng tăng giá các sản phẩm này có những ảnh hưởng lớn đến sản xuất. Trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều nhà máy, xí nghiệp có mức tiêu thụ điện năng mỗi tháng lên tới 20 đến 30 triệu kWh và hàng chục nghìn tấn than các loại với trị giá từ 20 đến 30 tỷ đồng.



Doanh nghiệp “tiến thoái lương nan”
 


Những ngày này, Ban lãnh đạo Nhà máy Luyện gang Trung Việt đang phải đau đầu để giải bài toán lỗ, lãi khi giá điện tăng. Dây chuyền luyện gang của Nhà máy chủ yếu sử dụng điện làm nhiên liệu nên mỗi tháng đơn vị phải thanh toán khoảng 3 tỷ đồng tiền điện. Hiện nay, khi giá điện tăng, số tiền điện phải trả mỗi tháng đã tăng thêm 150 triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Tùng, người trực tiếp phụ trách sản xuất của Nhà máy, trăn trở: Đơn vị hiện đang bán 8.300 đồng/kg gang thành phẩm. Với giá điện trước đây thì sản xuất còn có lãi, nhưng áp giá điện hiện tại thì chỉ hòa vốn, nếu không khéo sẽ bị lỗ. Bởi, để luyện được 1kg gang, chi phí điện đã ngốn khoảng 3.000 đồng, còn lại là quặng sắt, than, lương công nhân, khấu hao máy móc… Mà dừng sản xuất lúc này thì trên 100 công nhân sẽ phải nghỉ việc và khi sản xuất trở lại chúng tôi sẽ tốn khoảng 1 tỷ đồng để khởi động lò. Bởi thế, dù lỗ đơn vị vẫn phải cầm cự, duy trì sản xuất.



Không tiêu hao nhiều điện năng, nhưng Nhà máy Luyện gang Nam Son lại ngốn tới cả trăm tấn than các loại mỗi ngày. Mấy tháng đầu năm nay, khi giá than cốc đang ở mức 9 triệu đồng/tấn thì mỗi ngày Nhà máy phải tiêu tốn khoảng 900 triệu đồng tiền than. Hiện tại, giá than đã hạ hơn đôi chút, nhưng mỗi ngày Nhà máy cũng vẫn ngốn gần 700 triệu đồng. Theo lãnh đạo doanh nghiệp, với mức giá nhiên liệu còn cao như vậy thì sẽ đội giá thành sản phẩm lên vượt ngưỡng thị trường có thể chấp nhận. Bởi thế, nếu giữ nguyên giá bán sản phẩm như trước thì sẽ hoà vốn hoặc bị lỗ, còn tăng giá bán theo chi phí giá thành thì chắc chắn sẽ ế ẩm, hàng tồn kho nhiều.



Vậy nhưng những ảnh hưởng của 2 đơn vị trên còn quá nhỏ so với các nhà máy, xí nghiệp lớn trên địa bàn bởi lượng tiêu thụ điện năng của các đơn vị này là rất “khủng”, luôn ở mức từ 15 đến 35 tỷ đồng tiền điện mỗi tháng. Với Nhà máy Xi măng Quang Sơn, khi tăng 5% giá điện thì có nghĩa mỗi tháng đơn vị này phải trả thêm 750 triệu đồng. Với các chi nhánh sản xuất của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, số tiền điện tăng thêm mỗi tháng cũng ở mức 1,6 tỷ đồng. Còn với Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG thì mức tiền điện cũng tăng thêm khoảng 300 đến 400 triệu đồng. Thời gian qua, ở những lúc khó khăn, một trong ba đơn vị trên đã phải miễn cưỡng nợ lại một phần tiền điện. Phía Công ty CP Xi măng Quang Sơn đã có lúc phải kiến nghị với Công ty Điện lực Thái Nguyên cho nộp rải số tiền điện ra làm 3 lần trong tháng. Điều đó cho thấy những khó khăn không chỉ là tạm thời đối với các đơn vị sản xuất khi mà giá nguyên, nhiên liệu đầu vào vẫn tiếp tục leo thang.
 


Phải chủ động đối mặt



Trước những khó khăn đó, chủ động đối mặt và tìm cách hạn chế tác động xấu từ tăng giá đang là vấn đề mà các doanh nghiệp nghĩ đến. Hầu hết các nhà máy, xí nghiệp đã tiến hành điều chỉnh kế hoạch sản xuất, bố trí ca kíp hợp lý hoặc áp dụng biện pháp sử dụng máy phát điện dự phòng để bảo đảm một phần nhu cầu điện của đơn vị. Đối với Nhà máy Luyện gang Trung Việt, phản ứng đầu tiên của đơn vị này khi giá điện tăng chính là đẩy mạnh tiết kiệm sản xuất. Ngay từ khâu nguyên liệu đầu vào đã phải được tuyển chọn kỹ lưỡng, đảm bảo chất lượng tốt nhất vì nguyên liệu có chuẩn, lượng điện năng tiêu hao sẽ ít đi. Các thiết bị không quá cần thiết trong dây chuyền sản xuất cũng được đơn vị tiết giảm tối đa, đồng thời hạn chế chạy lò vào giờ cao điểm để tránh phải trả giá điện cao... Đối với Nhà máy luyện gang (Công ty CP Gang thép Thái Nguyên) các biện pháp được đưa ra gồm: giảm tiêu hao điện năng bằng cách hạn chế giờ máy ngừng, bởi mỗi lần khởi động lại lò cao, lượng điện năng sẽ tiêu thụ tốn gấp nhiều lần so với đang hoạt động. Cùng với đó, đơn vị cũng giảm tối đa thời gian chạy không tải của máy móc. Còn đối với các đơn vị có mặt bằng sản xuất lớn, biện pháp hạn chế tối đa dùng điện chiếu sáng bằng cách thay bóng đèn sợi đốt bằng bóng đèn compact. Để làm tốt điều đó, không ít đơn vị đã tiến hành giao khoán định mức về tiêu hao nguyên, nhiên liệu cho các phân xưởng, từ đó thực hiện thi đua trong toàn doanh nghiệp. Những đơn vị còn vận hành các dây chuyền, thiết bị lạc hậu, tiêu tốn nhiều nhiên liệu thì đang xem xét và lên kế hoạch nghiên cứu đầu tư mới nhằm thay thế bằng máy móc hiện đại hơn…