Việt Cường, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ) không chỉ nổi danh với sản phẩm miến dong mà còn được nhiều người biết đến bởi miền quê này có sản lượng nhãn lớn nhất huyện, chất lượng quả cũng được liệt vào hàng “thượng hạng” của tỉnh, không thua kém gì nhãn lồng Hưng Yên. Trung bình mỗi năm, Việt Cường cung cấp cho thị trường trong tỉnh khoảng 100-150 tấn nhãn quả, những năm được mùa, lượng quả cung cấp cho thị trường có thể lên đến 200 tấn.
Những ngày này, về Việt Cường đâu đâu cũng thấy vườn nhãn quả sai trĩu. Nhiều cây nhãn cổ thụ, cành lá vươn xa tỏa bóng mát cả một khoảnh đất rộng. Hiện, trong xóm có gần 70 cây nhãn đã bước qua tuổi 50. Mặc dù những cây nhãn này không còn cho nhiều quả như hơn chục năm trước nhưng các hộ dân không ai phá bỏ mà vẫn chăm sóc bởi những cây nhãn cổ ấy thể hiện nét đặc sắc của vùng quê này, gắn bó với họ từ những ngày đầu dựng làng còn nhiều gian khó. Đưa chúng tôi đi tham quan vườn nhãn của gia đình, ông Đỗ Văn Đạt, Trưởng xóm Việt Cường cho biết: Giống như gia đình tôi, bà con trong xóm đã thu hoạch được khoảng 60% số cây nhãn, 40% còn lại sẽ được thu hoạch trong 2 tần tới. Dự kiến, số nhãn thu hoạch muộn này sẽ được bán với giá cao hơn so với lúc nhãn chín rộ khoảng 10-20% như hiện nay.
Cơ duyên để cây nhãn bén rễ trên đất Việt Cường là do những năm thập niên 60 của thế kỷ trước, người dân Hưng Yên khi tìm về đây xây dựng vùng kinh tế mới đã mang theo giống quả này về gây dựng trên quê mới. Hiện, trong xóm có 115 hộ dân thì 100% số hộ đều trồng nhãn, nhà ít có 60-70 cây, hộ nhiều có 100 hoặc hơn 100 cây như hộ anh Nguyễn Văn Việt, Nguyễn Tiến Việt… Nhãn Việt Cường ngon nay lại càng ngon hơn khi cách đây 3 năm, người dân trong xóm được tham gia Dự án Cải tạo cây nhãn bằng kỹ thuật ghép mầm (mắt) của Viện nghiên cứu Rau quả Trung ương (Bộ Nông nghiệp và PTNT). Tham gia Dự án, mỗi mắt nhãn có giá 6 nghìn đồng thì người dân được hỗ trợ 50% (một cây có thể ghép từ 30-40 mắt). Mặc dù đến nay Dự án đã kết thúc nhưng vẫn tạo được phong trào ghép nhãn, cải tạo vườn tạp diễn ra sôi động ở Việt Cường, giảm thiểu hiện tượng ra quả cách năm hoặc ra ít quả, góp phần năng cao năng suất cây nhãn. Thời điểm hiện tại, những cây nhãn ghép đang phát triển rất tốt, quả ngọt hơn, vỏ dày nên không bị chuột, dơi phá hoại như loại nhãn giống cũ. Năng suất của cây nhãn ghép cũng cao gấp 3-4 lần so với nhãn giống cũ, giá bán ra cũng cao hơn rất nhiều lần. Cụ thể, mỗi cây nhãn giống cũ một vụ cho 1 tạ quả, nhưng nhãn ghép có thể cho 3 tạ quả. Giá bán nhãn quả giống cũ cũng thấp hơn nhãn ghép khoảng 10-15 nghìn đồng/kg.
Mùa nhãn (bắt đầu từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 9 hằng năm), cứ sáng sớm là tư thương vào, ra tấp nập. Những hộ neo người, tư thương thường về tận nhà, ra vườn ăn thử quả, đánh giá chất lượng, ngã giá rồi thuê người vào thu hoạch quả và chất lên xe ô tô, xe máy mang đi tiêu thụ ở T.P Thái Nguyên, huyện Võ Nhai, Phú Bình… và các tỉnh bạn như Hà Nội, Lạng Sơn... Những hộ có nguồn nhân lực dồi dào thì tự tay thu hoạch rồi mang ra chợ Túc Duyên (T.P Thái Nguyên) bán buôn. Loại nhãn quả nhỏ (giống cũ) bán tại nhà với giá 6-8 nghìn đồng/kg, nhưng mang ra chợ có thể bán với giá 12-14 nghìn đồng/kg; loại quả to hơn (nhãn ghép) bán tại nhà với giá 20 nghìn đồng/kg nhưng mang ra chợ có thể bán với giá 25 nghìn đồng/kg. Trong vai những người đi mua hàng, chúng tôi tìm đến nhà Nguyễn Văn Việt, chủ nhân của hơn 100 cây nhãn lồng lấy giống từ Hưng Yên, trong đó gần 100% số cây đã được thực hiện công nghệ cấy ghép mô. Nhìn những cây nhãn trĩu quả, quả nào, quả nấy tròn căng, anh Việt nói: Nhãn to là vậy nhưng vẫn chưa chín. Khi nào vỏ quả nhãn chuyển sang màu vàng thì mới được thu hoạch. Khoảng 2 tuần nữa gia đình tôi mới thu hoạch, các chị muốn mua thì quay lại đây.
Chúng tôi biết anh nói cho vừa lòng khách hàng chứ 2 tuần nữa, khi nhãn được thu hoạch, tư thương đã xếp hàng chờ mưa nhãn quả của gia đình anh. Thấy vui vì điều đó bởi bao năm nay, chất lượng nhãn của Việt Cường ngày càng được nang lên và đầu ra luôn ổn định. Nhờ có cây nhãn mà cuộc sống của người dân Việt Cường khấm khá hơn. Có những gia đình như anh Việt, ông Đạt… mỗi năm cũng thu nhập trên dưới 50 triệu đồng từ nhãn. Đến nay, số hộ khá, giàu của xóm chiếm tới 40% và chỉ còn duy nhất 1 hộ nghèo; 3 năm liên tục xóm được công nhận làng văn hóa cấp huyện…