Chỉ số cạnh tranh tăng nhưng vẫn thấp trong khu vực

16:10, 05/09/2013

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vừa có báo cáo công bố Chỉ số cạnh tranh toàn cầu (GCI), theo đó Việt Nam đã tăng 5 bậc trong bảng xếp hạng cạnh tranh toàn cầu so với năm 2012. Đây là bản báo cáo xếp hạng năng lực cạnh tranh của 148 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.

Quốc gia đứng đầu là Thuỵ Sỹ được 5,67 điểm, trong khi quốc gia đứng cuối cùng bảng xếp hạng là quốc gia thuộc châu Phi (Chad) được 2,58 điểm. Với những tiến bộ về chính sách, môi trường thu hút đầu tư…, hiện năng lực cạnh tranh của Việt Nam đang đứng thứ 70, năm 2012 đứng thứ 75.

 

Nhóm các nước đứng đầu về năng lực cạnh tranh toàn cầu năm nay do WEF công bố là: Thuỵ Sỹ, Singapore, Phần Lan, Đức, Mỹ; các quốc gia đứng nhóm cuối cùng trên bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh là: Chad, Guinea, Burundi, Yemen, Sierra Leone. GCI được WEF công bố từ năm 1979, dựa trên 70 % dữ liệu khảo sát từ các doanh nghiệp tư nhân trên thế giới, 30 % dữ liệu từ thống kê. Có 141 tiêu chí được sử dụng để thực hiện đánh giá các quốc gia và vùng lãnh thổ.

 

Theo thông tin của Vne Economy thì báo cáo của WEF đánh giá tiến bộ năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 5 bậc là do kết quả của sự cải thiện trong xếp hạng của môi trường kinh tế vĩ mô (hạng 87, tăng 19 bậc) và sự cải thiện của cơ sở hạ tầng giao thông, năng lượng, dù vẫn còn ở mức độ thấp (hạng 82, tăng 13 bậc).WEF cũng đánh giá rõ tiến bộ của Việt Nam trong lĩnh vực thị trường hàng hoá (hạng 74, tăng 17 bậc). Tuy nhiên theo tổ chức này thì nền móng của nền kinh tế Việt Nam còn yếu, trong đó Việt Nam bị tụt ở một số yếu tố đánh giá như hiệu quả thị trường lao động, phát triển tài chính, mức độ sẵn sàng của công nghệ.

 

Tỉnh Thái Nguyên trong thời gian qua cũng đã có nhiều nỗ lực, cải thiện và nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư vào tỉnh và hiện tại đã thuộc các địa phương có môi trường thu hút đầu tư tốt của cả nước. Những tiến bộ đó của tỉnh ta cũng đã góp phần làm tăng năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong bảng xếp hạng của WEF.

 

Trên cơ sở GDP bình quân đầu người của các quốc gia và vùng lãnh thổ, WEF cũng phân loại các quốc gia và vùng lãnh thổ vào 3 giai đoạn phát triển gồm: tăng trưởng dựa vào nguồn lực như lao động, tài nguyên thiên nhiên; tăng trưởng dựa vào hiệu suất sản xuất; tăng trưởng dựa vào công nghệ đột phá. Việt Nam hiện được xếp ở giai đoạn đầu tiên.

 

Cũng theo kết quả công bố của WEF thì mặc dù năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 5 bậc, nhưng vẫn thuộc loại thấp so với các nước trong khu vực. Singapore xếp thứ 2, Malaysia xếp thứ 24, Brrunei thứ 26, Thái Lan thứ 37, Indonesia thứ 38, Philippines thứ 59; các nước xếp sau Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á là Lào, Myanma và Campuchia. Điều này cho thấy Việt Nam còn phải nỗ lực hơn nữa để tiếp tục năng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu trong những năm tới.