Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2015, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 10 nghìn tỷ đồng, trong đó công nghiệp địa phương đạt 4 nghìn tỷ đồng, từ năm 2011, T.P Thái Nguyên tập trung đầu tư xây dựng phát triển các cụm công nghiệp địa phương. Với 3 cụm công nghiệp được quy hoạch trên tổng diện tích gần 120ha đã thu hút được 15 dự án, qua đó góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động...
Đồng chí Vũ Thị Bích Thủy, Phó Chủ tịch UBND T.P Thái Nguyên cho biết: Sau khi điều chỉnh quy hoạch 3 cụm công nghiệp gồm Cụm công nghiệp số 1, 2 Tân Lập, Cụm công nghiệp Cao Ngạn, thành phố đã tăng cường công tác thu hút đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp vào đầu tư để nhanh chóng "lấp đầy" các cụm công nghiệp này. Trong thu hút đầu tư, thành phố nghiêm túc thực hiện theo các cơ chế, chính sách của Luật Đầu tư, nghị định của Chính phủ và các quy định của UBND tỉnh. Ngoài ra, thành phố cũng đã xây dựng được cơ chế, chính sách ưu đãi riêng để "trải" thảm đỏ thu hút các nhà đầu tư vào hoạt động trên địa bàn như: Lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 các cụm công nghiệp; quy hoạch, xây dựng khu tái định cư để thực hiện tái định cư đối với các hộ phải di dời để giải phóng mặt bằng; hỗ trợ 100% kinh phí lập quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp và làm đường trục chính từ đường giao thông tới chân hàng rào cụm công nghiệp, xây dựng hạ tầng ngoài hàng rào, phía trước cụm công nghiệp (đường gom, vỉa hè, hệ thống thoát nước...), hỗ trợ lao động nông thôn học nghề.
Ông Lê Quang Hòa, Giám đốc Công ty cổ phần Đúc Thái Nguyên cho biết: Dự án xây dựng Nhà máy sản xuất bao bì cát tông của Công ty được triển khai với quy mô hơn 1ha, vốn đăng ký đầu tư trên 13 tỷ đồng. Chúng tôi lựa chọn Cụm công nghiệp Cao Ngạn để xây dựng Nhà máy vì tại đây hội tụ đủ các điều kiện thuận lợi về giao thông, cơ sở hạ tầng, ưu đãi về giá thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp. Thủ tục hành chính thì được các phòng chức năng giải quyết nhanh, gọn, tránh đi lại phiền hà cho doanh nghiệp. Vậy nên chỉ trong một thời gian ngắn đầu tư xây dựng, năm 2012, Nhà máy chúng tôi đã đi vào hoạt động, đóng góp cho ngân sách Nhà nước.
Không chỉ có thu hút đầu tư bằng nhiều cơ chế, chính sách riêng, Thành phố còn đẩy mạnh công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, coi đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm thu hút các dự án vào đầu tư trên địa bàn. Trong công tác giải phóng mặt bằng, Thành phố thực hiện công khai, dân chủ, nâng cao trách nhiệm của tập thể, cá nhân và các cơ quan có liên quan để thực hiện nhiệm vụ một cách đồng bộ và thống nhất. Các cấp ủy, chính quyền phường, xã trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng ở địa phương. Khi có vướng mắc, cả hệ thống chính trị từ thành phố đến các phường, xã, tập trung tháo gỡ, tổ chức đối thoại với nhân dân để tìm được tiếng nói chung, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các bên. Nhờ vậy, hơn 2 năm qua, 3 cụm công nghiệp của thành phố đã có 15 dự án vào đăng ký và được chấp thuận đầu tư với diện tích trên 31ha, chiếm 25,1% tổng diện tích. Trong đó, Cụm công nghiệp số 1 có diện tích trên 34ha đến nay đã có 3 doanh nghiệp đăng ký thực hiện đầu tư 8,7ha, vốn đăng ký 88 tỷ đồng, đã thực hiện đầu tư trên 20 tỷ đồng. Cụm công nghiệp số 2 có diện tích 5,9ha đến nay có 4 doanh nghiệp đăng ký thực hiện, đạt 100% diện tích lấp đầy, vốn đăng ký đầu tư 60 tỷ đồng, đã thực hiện trên 55 tỷ đồng. Cụm công nghiệp Cao Ngạn có diện tích 79ha, có 8 doanh nghiệp đăng ký thực hiện đầu tư 16,93ha, vốn đăng ký 269,23 tỷ đồng, đã thực hiện đầu tư trên 100 tỷ đồng. Các doanh nghiệp đi vào hoạt động đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố trong năm 2012 lên 7.400 tỷ đồng, tăng 2,5% so với năm 2011, dự ước năm 2013, riêng giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp địa phương đạt khoảng 3 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, hàng năm, các cơ sở này còn giải quyết việc làm với thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động trực tiếp và gián tiếp.
Trong thời gian tới, để nhanh chóng "lấp đầy" các cụm công nghiệp đã quy hoạch, T.P Thái Nguyên tiếp tục tăng cường công tác thu hút đầu tư, kêu gọi các dự án phát triển công nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường theo hướng ưu tiên các ngành công nghiệp công nghệ cao như điện, điện tử, lắp ráp; duy trì sản phẩm có lợi thế như luyện kim, chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng. Cùng với đó, Thành phố ban hành, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư đi tham quan, khảo sát, lựa chọn địa điểm đầu tư, cung cấp tài liệu, văn bản ưu đãi cho các nhà đầu tư. Đặc biệt, trong công tác xúc tiến đầu tư, Thành phố dự kiến mở hội thảo gặp mặt các doanh nghiệp để tiếp thu ý kiến, lắng nghe đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp, nắm bắt tình hình thị trường và các hoạt động sản xuất, kinh doanh để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp…