Để ngành chè phát triển bền vững

09:11, 03/09/2013

Việt Nam là một trong năm quốc gia sản xuất chè hàng đầu thế giới. Sản phẩm trà của Việt Nam đã xuất khẩu sang hàng trăm quốc gia và vùng lãnh thổ, với giá trị kim ngạch gia tăng ngày càng cao. Tuy nhiên, làm thế nào để ngành chè phát triển bền vững đang là vấn đề đặt ra hiện nay.

Từ lâu, người Việt Nam đã trồng chè và uống trà. Trà là thức uống truyền thống, không những bổ dưỡng cho sức khoẻ, mà còn mang đậm nét văn hóa giao tiếp của người Việt. Cây chè có tuổi thọ cao, nhanh cho thu hoạch và có khả năng cho thu hoạch quanh năm nên hiệu quả kinh tế cao. Chè trồng một lần, có thể cho thu hoạch từ 30-40 năm hoặc lâu hơn nữa. Nước ta có nhiều vùng chè nổi tiếng chất lượng cao như Tân Cương (Thái Nguyên), Mộc Châu (Sơn La), Bảo Lộc (Lâm Đồng),… Các giống chè shan bản địa cho năng suất cao, chất lượng tốt có thể chế biến thành những sản phẩm như chè vàng, phổ nhĩ và sản xuất chè hữu cơ giá trị cao. Hiện, cả nước có khoảng 130.000 ha chè các loại, năng suất bình quân đạt trên 77 tạ/ha; sản lượng chè đạt gần 824.000 tấn búp tươi.

 

Sản phẩm của chè có thị trường rộng, ổn định cả trong và ngoài nước. Trà Việt Nam đã được xuất khẩu sang 110 quốc gia và vùng lãnh thổ, với giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 200 triệu USD/năm. Tuy nền kinh tế thế giới còn gặp nhiều khó khăn, nhưng hoạt động xuất khẩu chè vẫn đạt kết quả tích cực. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 8 tháng năm 2013, Việt Nam đã xuất khẩu được 90.000 tấn với giá trị kim ngạch đạt 142 triệu USD. Nếu so với cùng kỳ năm 2012, xuất khẩu chè của Việt Nam tuy giảm về khối lượng, nhưng lại tăng về giá trị (năm 2012, con số tương ứng là 97,5 nghìn tấn và 102,5 triệu USD). Điều này cho thấy, ngành chè Việt Nam đã từng bước nâng cao được giá trị gia tăng và hiệu quả sản xuất.

 

Điểm nổi bật của ngành chè Việt Nam, đó là thương hiệu chè Việt đã được đăng ký và bảo hộ tại 70 thị trường quốc gia và khu vực. Một số thị trường lớn của chè Việt Nam như Nga, Đức, Trung Quốc, Pakistan,… Với trên 160 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu chè, Việt Nam đã xuất khẩu nhiều loại sản phẩm trà, trong đó trà đen chiếm chủ yếu (khoảng 78% tổng sản lượng xuất khẩu), còn lại là trà xanh và các loại sản phẩm trà khác từ chè. Ngoài tính kinh tế, cây chè còn mang tính xã hội. Cây chè Việt Nam là cây trồng gắn với vùng trung du và vùng núi với trên 400.000 hộ nông dân tham gia sản xuất; giá trị sản xuất bình quân đạt bình quân là 68 triệu đồng/ha, có nơi đạt 90 - 100 triệu đồng/ha.  Vì vậy, cây chè có ý nghĩa xoá đói, giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân ở vùng cao.

 

Tuy năng suất chè Việt Nam đã đạt mức bình quân của thế giới, nhưng giá bán thấp, chỉ bằng 60-70% giá bình quân trên thế giới. Nguyên nhân chủ yếu là do sản phẩm chè của Việt Nam còn nghèo nàn về chủng loại (chẳng hạn, trà đen xuất khẩu chiếm tới 78%); chất lượng, mẫu mã chưa hấp dẫn nên sức cạnh tranh thấp; giữa chế biến và sản xuất nguyên liệu chưa gắn kết với nhau…

 

Để ngành chè khắc phục được những tồn tại, phát triển bền vững, mạnh mẽ hơn nữa, đòi hỏi người trồng chè, các nhà khoa học, nhà quản lý và các doanh nghiệp cần tiếp tục có những đóng góp cho sự nghiệp phát triển chè Việt Nam. Tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ. Chú trọng hơn nữa phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đối với các vùng trồng chè nói chung và trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, góp phần xoá đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập của người dân, tạo mọi điều kiện cho ngành chè góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

 

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người trồng chè, các doanh nghiệp nâng cao nhận thức, thực hiện tốt các tiêu chuẩn, kỹ thuật đối với ngành chè; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để nâng cao chất lượng chè. Tăng cường tuyên truyền vệ sinh an toàn thực phẩm tới tất cả người sản xuất và người tiêu dùng; tập trung phát triển thị trường nội địa với tiềm năng lớn. Khuyến khích các doanh nghiệp và các vùng đăng ký chỉ dẫn địa lý, tăng cường xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế thông qua văn hoá để người dân thế giới có thêm hiểu biết về trà xanh Việt Nam, đồng thời cũng gia tăng giá trị văn hoá của trà xanh, thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ trà xanh đối với người dân trong nước. Tăng cường áp dụng giống mới vào sản xuất, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm để nâng cao chất lượng và hiệu quả trong sản xuất chè./.