Đổi mới, phát triển kinh tế tập thể: Nhân tố quan trọng góp phần bảo đảm an sinh xã hội

08:56, 11/09/2013

Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (NQTW5 khóa IX), khu vực kinh tế tập thể của tỉnh đã có chuyển biến tích cực. Nhiều mô hình kinh tế tập thể được củng cố, đổi mới về tổ chức và hoạt động, trong đó xuất hiện một số điển hình tiên tiến, hỗ trợ tốt hơn kinh tế hộ, tạo việc làm và thu nhập ổn định, thường xuyên cho người lao động. Các mô hình kinh tế tập thể đã từng bước khẳng định là nhân tố quan trọng góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội từ cơ sở.

Doanh thu của các HTX năm 2012 đạt 4.109 tỷ đồng, tăng 26,8 lần so với năm 2002; thực hiện nghĩa vụ ngân sách Nhà nước năm 2012 đạt 36,8 tỷ đồng, tăng 13,6 lần so với năm 2002.

 

Kết quả bước đầu

Tính đến ngày 31-12-2012, tổng số tổ hợp tác (THT) toàn tỉnh là 498 với 3.554 thành viên (tăng 130 tổ so với năm 2002). Trong đó có: 427 THT dịch vụ nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; 71 THT hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau như sản xuất chè an toàn, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất, vay vốn tín dụng, dịch vụ môi trường… Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 322 HTX hoạt động trong các lĩnh vực với 36.714 xã viên và người lao động. Trong đó lĩnh vực nông nghiệp có 148 HTX; lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có 95 HTX; thương mại dịch vụ có 6 HTX, giao thông vận tải 14 HTX, xây dựng và khai thác vật liệu xây dựng có 14 HTX, 2 Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở, 37 HTX dịch vụ điện, 6 HTX vệ sinh môi trường.

THT được hình thành từ nhu cầu và lợi ích của các thành viên nên đã khắc phục được một số mặt yếu kém của kinh tế hộ, góp phần tạo việc làm, khuyến khích tinh thần tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng dân cư. Đây là mô hình phổ biến và phù hợp với điều kiện thực tế, là tiềm năng để phát triển HTX ở các địa phương. Một số HTX có quy mô lớn đã cố gắng huy động vốn đổi mới thiết bị, công nghệ sản xuất, tạo ra sản phẩm chất lượng cao. Mặc dù còn khó khăn về năng lực tài chính và công tác quản lý nhưng nhìn chung các HTX đã có nhiều cố gắng, từng bước khắc phục những khó khăn, đẩy mạnh liên doanh, liên kết, huy động các nguồn lực mở rộng sản xuất, kinh doanh. Một số chính sách hỗ trợ của Trung ương và địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi cho các THT, HTX ra đời và phát triển, đóng góp tích cực vào thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia như: Giải quyết việc làm cho người lao động, xóa đói giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và ổn định chính trị, an ninh quốc phòng, nhất là khu vực nông thôn. Ngoài việc tổ chức sản xuất, kinh doanh dịch vụ, nhiều THT, HTX đã tích tham gia các hoạt động xã hội, nhân đạo và từ thiện, tạo nên sự đoàn kết, gắn bó, quan tâm giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng dân cư.

Những khó khăn cần tháo gỡ

Mặc dù đạt được những kết quả bước đầu rất đáng trân trọng, song hoạt động của các mô hình kinh tế tập thể hiện nay còn gặp rất nhiều khó khăn: Vốn góp của các thành viên ít, khó tiếp cận với các tổ chức tín dụng; cơ sở vật chất nghèo nàn; một số nơi chính quyền địa phương chưa chú trọng đến phát triển thành phần kinh tế này. Khi đánh giá về kinh tế tập thể, nhiều địa phương, đơn vị mới chỉ chú trọng đến hiệu quả kinh tế mà chưa thấy được hiệu quả xã hội, an ninh, quốc phòng của khu vực kinh tế tập thể đem lại cho cộng đồng. Bên cạnh đó, một số cơ chế chính sách ban hành chậm, thiếu đồng bộ và chưa phù hợp với thực tiễn; sự hỗ trợ của Nhà nước chưa đủ mạnh để thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển; vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành trong tổ chức thực hiện chưa được thể hiện rõ. Một bộ phận cán bộ làm công tác quản lý, chuyên môn về kinh tế tập thể nhưng lại chưa được qua đào tạo, thiếu hiểu biết, năng lực trình độ hạn chế, cá biệt có cán bộ còn thiếu ý thức trách nhiệm trong công việc.

Hiện nay, các HTX hầu hết đều rất ít vốn so với nhu cầu sản xuất kinh doanh. Số HTX có vốn trên 10 tỷ đồng chỉ có 6 đơn vị; 56 HTX có vốn từ 1 đến 10 tỷ đồng; 188 HTX có vốn từ 100 triệu đến dưới 1 tỷ đồng; 75 HTX có vốn dưới 100 triệu đồng. Có 105/322 HTX có trụ sở riêng (chiếm 32,6%). Số còn lại, đa số văn phòng giao dịch của các HTX là nhờ nhà của chủ nhiệm HTX, nhà văn hóa thôn, bản hoặc đi thuê.

Việc phát triển các THT, HTX đã gắn kết chặt chẽ với chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong số 35 xã điểm về xây dựng nông thôn mới đã có 32 xã với 45 HTX đang hoạt động; 3 xã chưa có THT, HTX là Tân Khánh (Phú Bình), Bản Ngoại (Đại Từ), Đồng Thịnh (Định Hóa). 108 xã không thuộc xã điểm đã có 73 xã với 152 HTX hoạt động; còn 35 xã chưa có HTX. Đây là mục tiêu đặt ra cho việc phát triển mô hình THT, HTX của tỉnh từ nay đến năm 2015 và giai đoạn tiếp theo nhằm hoàn thành tiêu chí về hình thức tổ chức sản xuất ở các xã theo chương trình xây dựng nông thôn mới.

Mới đây, Tỉnh ủy đã tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện NQTW5 khóa IX. Mục tiêu tổng quát đã được khẳng định: Đẩy mạnh việc củng cố và phát triển các loại hình kinh tế hợp tác, HTX; từng bước khắc phục những yếu kém, hạn chế; nâng cao chất lượng hoạt động của các THT, HTX trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc, giá trị của HTX và các quy định của pháp luật; tạo sự chuyển biến tích cực trong kinh tế tập thể, góp phần xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của các thành viên và cộng đồng dân cư. Các giải pháp mang tính khả thi cũng đã được đề ra về cả nhận thức cũng như công tác tuyên truyền, vận động, cơ chế chính sách, xây dựng đội ngũ. Công việc còn lại là sự đồng tâm hiệp lực của tất cả các cấp, các ngành, các cơ quan đoàn thể để NQTW5 khóa IX của Đảng tiếp tục được đẩy mạnh thực hiện. Vị thế của kinh tế tập thể sẽ ngày càng được khẳng định trong tiến trình hội nhập và phát triển.

 

Ông Đinh Khắc Hiển, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công Thương: Trong thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển kinh tế tập thể ở địa phương; thường xuyên rà soát, xây dựng các chính sách phát triển công thương phù hợp, có tác động tích cực đến phát triển các loại hình kinh tế tập thể, đặc biệt là tiểu thủ công nghiệp và làng nghề…

 

 

 

Ông Trần Quyết Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ: Các THT, HTX hoạt động chủ yếu ở khu vực nông thôn nhằm phát triển kinh tế hộ gia đình, đối tượng phục vụ mang tính cộng đồng rất cao. Đề nghị Trung ương, Tỉnh tiếp tục ban hành chính sách riêng đầu tư, hỗ trợ cho các mô hình kinh tế tập thể này để xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ mua máy móc, thiết bị kỹ thuật, vay vốn lãi suất thấp…, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần thực hiện thành công Chương trình xây dựng nông thôn mới…

Ông Nguyễn Văn Hợp, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn: Người dân đã thể hiện rất rõ tinh thần phát huy nội lực thông qua mô hình HTX nông nghiệp, mô hình này có thể kết hợp với các tổ chức tín dụng, thông qua dịch vụ tín dụng ngân hàng để phát triển kinh tế, góp phần xây dựng nông thôn mới ở địa phương...