Đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp ở Đồng Hỷ

07:56, 11/09/2013

Huyện Đồng Hỷ hiện có khoảng 5.000ha đất cấy lúa. Những năm gần đây, cùng với việc lựa chọn những giống lúa có năng suất cao vào gieo cấy, huyện còn chỉ đạo các địa phương tích cực đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trong khâu thu hoạch và làm đất, góp phần tăng hệ số sử dụng đất, đảm bảo khung thời vụ và giảm chi phí sản xuất.

Hòa Bình là một trong những xã đi đầu trong việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp ở Đồng Hỷ. Toàn xã hiện có trên 100 máy cày, 25 thiết bị gieo hạt, 16 máy kéo, 7 máy gặt đập liên hoàn… Số thiết bị này hiện đảm đương khâu làm đất được cho hơn 90% diện tích đất nông nghiệp trong xã. Vụ mùa vừa qua, toàn xã gieo cấy được 115ha thì có trên 30% diện tích lúa gieo xạ bằng máy kéo tay, hình thức này không những giảm chi phí lao động, bỏ được khâu gieo mạ và cấy lúa mà còn tiết kiệm được giống cho bà con. Hiện nay, diện tích lúa được thu hoạch bằng máy của xã chiếm khoảng 90%.

Ông Ngô Văn Chanh, xóm Đồng Cẩu là người đầu tiên đưa máy gặt đập liên hoàn về xã Hòa Bình cho biết: Gia đình tôi có 10 sào ruộng, trước chưa có máy, tôi phải thuê nhân công gặt trong 4 ngày mới xong. Năm 2011, tôi quyết định đầu tư 125 triệu đồng để mua máy gặt đập liên hoàn nên việc làm ruộng của gia đình nhẹ nhàng hơn hẳn. Chỉ trong 1 ngày, 4 lao động trong nhà tôi đã đưa được toàn bộ thóc về nhà. Thời gian còn lại, tôi đem máy đi gặt thuê cho các hộ trong và ngoài xã với giá 120 nghìn đồng/sào. Trung bình 1 ngày, máy gặt được 30 sào, tiêu tốn khoảng 40 lít dầu, trừ chi phí, tôi được lãi khoảng 1 triệu đồng.

Ngoài máy gặt đập liên hoàn, các loại máy làm đất hiện cũng đang được nhiều hộ dân huyện Đồng Hỷ đưa vào ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp bởi nó có ưu điểm thiết kế gọn nhẹ, khả năng làm đất nhanh, thao tác sử dụng đơn giản. Ngoài ra máy có thể liên hợp được với nhiều loại công cụ khác để phục vụ sản xuất nông nghiệp như: vận chuyển, xay xát… anh Lê Văn Nam, ở xóm Bờ Suối, xã Nam Hòa cho biết: Gia đình tôi có hơn 6 sào ruộng, những năm trước đây, do sử dụng lao động thủ công trong việc làm đất nên tốn rất nhiều công và thời gian, thậm chí có những vụ không làm đất kịp, tôi còn phải bỏ ruộng hoang. Nhưng 2 năm nay, gia đình tôi đầu tư một chiếc máy cày đa năng trị giá gần 20 triệu đồng nên khung thời vụ luôn được đảm bảo. Trung bình một buổi, máy có thể làm được từ 2-3 sào đất, nhanh gấp 4-6 lần so với sức kéo của trâu.

Hiện nay, do phần đông số lao động trẻ ở các vùng quê đều đi làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp hoặc đi làm ăn xa nên việc đồng áng thường do những người lớn tuổi đảm nhận, vì vậy việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp càng trở nên cần thiết. Các loại máy nông nghiệp không chỉ giải phóng sức lao động cho người nông dân mà còn đáp ứng tính khẩn trương của thời vụ, góp phần làm tăng năng suất và chất lượng nông sản. Theo tính toán của nông dân, việc đưa máy móc vào sản xuất nông nghiệp đã giúp cho bà con có thêm điều kiện và thời gian để tăng gia sản xuất, nâng cao thu nhập cho gia đình.

Xác định được tầm quan trọng trong việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, huyện Đồng Hỷ đã khuyến khích các hộ dân đầu tư mua các thiết bị, máy móc nông nghiệp bằng cách khai thác tối đa những cơ chế, chính sách của Nhà nước để hỗ trợ bà con nông dân mua máy móc. Đồng thời, chỉ đạo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tạo cơ chế vay thuận lợi và điều chỉnh giảm lãi suất cho vay theo đúng quy định, qua đó giúp các hộ nông dân có điều kiện vay vốn để phát triển sản xuất. Từ đầu năm đến nay, tổng dư nợ cho vay của Ngân hàng đạt 291 triệu đồng, trong đó, dư nợ vốn vay phục vụ chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên 270 tỷ đồng. Bên cạnh đó, huyện còn phối hợp với Trung tâm Khuyến nông và các doanh nghiệp tổ chức trình diễn các loại máy nông nghiệp có ưu điểm nổi bật để hướng dẫn bà con cách sử dụng và tuyên truyền vận dụng tại địa phương. Hiện nay, trên địa bàn huyện cũng đã bắt đầu xuất hiện những cơ sở bảo hành, sửa chữa máy nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu thay thế, sửa chữa và bảo dưỡng các loại máy nông nghiệp cho người sử dụng.

Ông Nguyễn Thanh Phương, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đồng Hỷ cho biết: Toàn huyện hiện có 150 máy gặt, đập liên hoàn; trên 2.000 máy làm đất các loại (tăng gần 20% số thiết bị so với năm 2008). Trong tổng số 5.000ha đất trồng lúa của huyện thì có gần 60% diện tích đất và 30% diện tích lúa được gặt, làm bằng máy. Bước đấu, số máy móc này đã góp phần tích cực trong việc đây nhanh tiến độ sản xuất, đảm bảo khung thời vụ. Cụ thể, khoảng 5 năm trở lại đây, diện tích cấy lúa hàng năm của huyện đều vượt so với kế hoạch từ 10-20%; diện tích lúa gieo xạ bằng máy tăng từ hơn 10% lên 30%; năng suất bình quân của lúa tăng từ 49 tạ/ha lên 52 tạ/ha… Những xã làm tốt việc cơ giới hóa trên địa bàn huyện gồm: Hòa Bình, Tân Long, Minh Lập, Huống Thượng…

Đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và thực hiện cơ giới hóa trong nông nghiệp, chủ động khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai đang là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao đời sống của người dân, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của huyện Đồng Hỷ. Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, tận dụng cơ chế hỗ trợ của nhà nước để giúp nông dân có điều kiện mua sắm máy móc, đồng thời chú trọng đến làm đường giao thông nội đồng, kiên cố hóa kênh mương để việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp thuận lợi hơn.