Gom rơm làm mùa “vàng trắng”

09:24, 10/09/2013

Những năm gần đây việc trồng nấm ăn, nấm dược liệu đã trở thành nghề có thu nhập ổn định đối với nhỉều nông dân trong tỉnh. Mỗi năm, nghề này tạo việc làm cho khoảng 18.000 lao động nông thôn, tạo ra một lượng sản phẩm nấm khá lớn, khoảng 2.000 tấn/năm, tương đương với khoảng 50 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Văn Mậu, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh: Sở dĩ nghề trồng nấm ở Thái Nguyên phát triển thuận lợi bởi tỉnh đã có nhiều chính sách ưu đãi, tạo cơ hội thuận lợi cho người trồng nấm đầu tư vốn vào sản xuất ở quy mô lớn. Như việc cơ quan chức năng tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng, chăm sóc nấm cho nông dân; tổ chức cho nông dân đi thăm quan các mô hình trồng nấm trong và ngoài tỉnh. Từ năm 2011, UBND tỉnh cũng đã có quyết định công nhận nhãn hiệu tập thể Nấm Thái Nguyên và đã thực hiện hỗ trợ hơn 1,3 tỷ đồng cho một số cơ sở sản xuất nấm có quy mô lớn như: HTX Nấm Hùng Sơn; Công ty Cổ phần Tiên Trường (Tiên Hội, Đại Từ); Công ty Cổ phấn Nhật Sơn (Phú Lương), Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Tân Đô (Hòa Bình, Đồng Hỷ) để mua máy móc thiết bị và giống để sản xuất giống các loại. Nhờ vậy nghề trồng nấm ở Thái Nguyên dần đi vào phát triển bền vững, tạo ra nguồn nguyên liệu ổn định cung cấp cho thị trường và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn.

Ông Nguyễn Đình Thử, Chủ nhiệm HTX Nấm Hùng Sơn (Đại Từ), một trong những nông dân có nhiều trải nghiệm trong nghề trồng nấm ở Thái Nguyên cho biết: Mùa trồng nấm được bắt đầu từ tháng 8 trong năm, kéo dài đến hết tháng 4 năm sau. Liên tục hái lộc liền 9 tháng, song nấm ra rộ nhất là các tháng 9, 10, 11.

Trong "làng nấm" ở Thái Nguyên, ông Thử không phải là người đi tiên phong. Nhưng ông là người mê nấm, dám mạnh dạn đầu tư lớn cho nghề trồng nấm. Bản thân ông cũng phải trả học phí bằng tiền tỉ mới nên nghề. Đó là khoảng thời gian cuối năm 2009, ông đứng ra thành lập HTX Nấm Hùng Sơn. Hưởng ứng "lời vận động" của ông, 18 bà con trong xã Hùng Sơn đăng ký tham gia làm xã viên HTX. Trên diện tích 10.000 m2 đất thuê được ở Đội 16, xã Hùng Sơn, HTX đầu tư xây dựng nhà trồng nấm, nhà ươm sợi và các kho bãi để nguyên liệu trồng nấm. Để có vốn hoạt động, mỗi xã viên tự nguyện đóng góp từ 20 triệu đồng trở lên, riêng bản thân ông đóng góp 700 triệu đồng. Vì HTX Nấm Hùng Sơn là mô hình tạo việc làm cho các hộ dân thuộc diện tái định cư của Dự án Núi Pháo (Đại Từ), nên HTX được Dự án cử cán bộ kỹ thuật về trực tiếp giúp xã viên khâu kỹ thuật. Song vì thiếu kinh nghiệm, khu nhà trồng nấm của HTX bị ruồi lưng gù phá và hàng vạn bịch nấm bị nấm dại xâm nhập không cho sản phẩm. Anh em trong HTX ngồi cộng dồn sổ sách, mất gần 1,5 tỷ đồng, ông Thử thờ dài: Đau xót lắm nhưng không lẽ bỏ cuộc.

Chuyện ông Thử cùng các xã viên HTX thua lỗ tiền tỷ, người "làng nấm" Thái Nguyên đều biết. Song ai cũng khâm phục vì sau liên tiếp mấy "cú ngã" mất bạc tỷ, ông đã đứng dậy bằng chính nghề trồng nấm. Ông cho biết: Tôi đã trồng các loại nấm: sò, mộc nhĩ, linh chi, mỡ, kim châm và nấm đùi gà, tổng kết lại thấy nấm sò và mộc nhĩ được người tiêu dùng chấp nhận và có giá bán cao hơn. 1 kg nấm sò tươi có giá bán 25.000 đồng/kg; 1 kg mộc nhĩ đã sấy khô bán được 80.000 đồng/kg. năm 2012, do nhu cầu của bạn hàng ở Hà Nội, HTX chỉ sản xuất nấm sò, sản lượng đạt 85 tấn, đạt hơn 2,1 tỷ đồng, lương xã viên đạt 4,5 triệu đồng/người/tháng. Năm 2013, ngoài nấm sò, HTX sản xuất thêm mộc nhĩ, phấn đấu sản lượng nấm sò đạt 120 tấn, tương đương 3 tỷ đồng; mộc nhĩ sấy khô 8 tấn, được 640 triệu đồng, lương xã viên dự kiến đạt hơn 5 triệu đồng/người/tháng.


Đến thăm cơ sở sản xuất nấm Tiên Trường, chúng tôi được chị Trần Thị Ánh, người quản lý cơ sở sản xuất nấm Tiên Trường cho biết: Trước đây, tôi làm ở HTX Nấm Hùng Sơn. Từ năm 2010 đến nay, tôi đầu tư làm nấm tại xóm Tiên Trường 1. Để có khu đất rộng 3 ha này, tôi được chính quyền địa phương tạo thuận lợi trong việc mua, bán chuyển nhượng đất với các hộ dân. Ngay sau khi có mặt bằng sản xuất, cơ sở đầu tư xây dựng nhà xưởng và các thiết bị phục vụ cho cây nấm hết 2 tỷ đồng. Khi mới thành lập, cơ sở chúng tôi sang HTX Nấm Hùng Sơn lấy giống về chăm sóc, thu hái. Từ năm 2011 đến nay, cơ sở đã chủ động được toàn bộ các khâu sản xuất.

Được biết, với hơn 10 lao động thường xuyên, từ 3 năm nay, cơ sở sản xuất nấm Tiên Trường thu hoạch được gần 20 tấn nấm sò/năm, đạt gần 500 triệu đồng/năm, lương người lao động đạt 2,5 triệu đồng người/tháng. Năm 2013 cơ sở có kế hoạch sản xuất 25 tấn nấm sò, 5 tấn mộc nhĩ khô. Chị Ánh cho biết thêm: Năm 2013 nhờ có máy đóng bịch nấm nên việc sản xuất của cơ sở đã chủ động hơn. Trong tháng 8, mưa nhiều, thời tiết không thuận lợi cho cây nấm sò phát triển nên cơ sở chỉ cho đóng 7.000 bịch nấm sò. Đến cuối tháng 9, cơ sở chúng tôi sẽ có hàng vạn bịch nấm lên dây, nấm nở như hoa, rất đẹp mắt.

Cầm trên tay bịch nấm nguyên liệu đang thai nghén, chờ ngày khai hoa, anh Nguyễn Văn Nguyên, Trưởng ban Kinh tế - Xã hội, Hội Nông dân tỉnh cho chúng tôi biết thêm: Nấm dễ trồng nhưng lại cho hiệu quả kinh tế cao, người cao tuổi hoặc các cháu thiếu niên cũng có thể tranh thủ thời gian nhàn rỗi để trồng nấm, vì thế cây nấm đã giúp nhiều gia đình hội viên nông dân thoát nghèo.

Chuyện xoá nghèo nhờ cây nấm, chị Nguyễn Thị Nga, chủ cơ sở sản xuất nấm ở xóm Cây Châm, xã Động Đạt (Phú Lương) cho biết: Hiện cơ sở sản xuất nấm của tôi bảo đảm có việc làm thường xuyên cho 30 lao động ở các xóm Cây Châm, Đồng Nghè, Tân Lập, Làng Chảo của xã, trong đó có 5 lao động thuộc hộ nghèo, lương người lao động được trả theo sản phẩm, trung bình đạt 2,5 đến 3 triệu đồng/người/tháng. 

Nhìn từng đống nguyên liệu để gọn gàng, lò hơi nghi hút khói và trong các khu nhà nấm treo giàn nở trắng, mang một màu mịn màng như nhung, chị Nga cho biết thêm: Mới đầu vụ nên cơ sở chỉ có khoảng 2 tạ nấm sò xuất bán ra thị trường/ngày. Còn như năm 2012, cơ sở sản xuất được 50 tấn nấm sò, bằng 1,2 tỷ đồng; mộc nhĩ sấy khô hơn 2 tấn, bằng hơn 160 triệu đồng và hơn 8 tạ nấm Linh chi sấy khô (500.000 đồng/kg), hơn 400 triệu đồng, tổng cộng đạt gần 1,8 tỷ đồng/năm. Năm 2013, cơ sở có dự kiến sản xuất 3 tấn mộc nhĩ xấy khô, bằng 240 triệu đồng; 1 tấn nấm linh chi xấy khô, bằng 500 triệu đồng và hơn 60 tấn nấm sò, bằng 1,5 tỉ đồng, tổng doanh thu cả năm dự kiến đạt trên 2,2 tỷ đồng.


Để trở thành người nông dân hái tiền tỷ mỗi năm, trên diện tích đất rộng hơn 1,5 ha của ông bà nội cho, từ năm 2010 chị Nga cùng chồng đầu tư hơn 3 tỷ đồng để xây dựng trang trại nấm, trong đó có 784 triệu đồng chị được vay từ Quỹ hỗ trợ nông dân. Ngoài ra cơ sở sản xuất nấm của chị còn được Đề án phát triển nghề nấm của tỉnh hỗ trợ 40% số tiền mua sắm thiết bị sản xuất như lò hơi, sàn sắt, máy điều hoà, dụng cụ cấy nấm, tương đương với số tiền 400 triệu đồng.

Trồng nấm đã thật sự trở thành 1 nghề đối với nhiều nông dân Thái Nguyên. Tôi nghĩ thế bởi khi đến thăm các cơ sở trống nấm ăn, nấm dược liệu của tỉnh, được chứng kiến những nông dân làm việc bài bản, tuân thủ các quy trình kỹ thuật, họ trò chuyện ríu ran như đàn chim bên cọng rơm vàng, chỉ khác là đàn chim tha rơm về xây tổ, còn người nông dân gom rơm về để làm nên những mùa "vàng trắng".