Khó quản lý chất lượng sản phẩm nông, lâm, thủy sản

10:09, 12/09/2013

Theo nhận định của ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT thì việc quản lý chất lượng sản phẩm nông, lâm sản và thủy sản trên địa bàn không hề giản đơn, nhất là khi nhận thức của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng  vẫn còn nhiều hạn chế…

Nhận định của ông Dũng là hoàn toàn có cơ sở khi mà các hộ chăn nuôi vẫn sử dụng một số chất kích thích tăng trưởng, tạo nạc như Ractopamine, Clenbuterol và Salbutamol thuộc nhóm Beta-Agonist là các chất thuộc danh mục chất cấm sử dụng trong thức ăn chăn nuôi. Theo đó, nhiều hộ sản xuất chè, rau, củ quả sử dụng thuốc bảo vệ thực vượt ngưỡng cho phép rất nhiều lần. Tồn dư của chất hóa học trong các loại sản phẩm nông sản ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người tiêu dùng, có thể gây ra một số bệnh nguy hiểm như ung thư, suy thận.... Trong khi đó, công tác quản lý chất lượng sản phẩm nông, lâm sản và thủy sản trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn do sản xuất nông nghiệp ở các địa phương chủ yếu với quy mô nhỏ, phân tán, chưa hình thành mối liên kết chặt chẽ trong chuỗi sản phẩm. Đặc biệt, khi cung cấp ra ngoài thị trường, các sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm khó có thể truy xuất nguồn gốc và xử lý vi phạm. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực và trang, thiết bị phục vụ công tác quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu công việc; kinh phí cấp cho chương trình kiểm tra giám sát hạn chế nên số lượng mẫu lấy đi phân tích kiểm tra chất lượng chưa nhiều, còn ở phạm vi hẹp...

Nhằm từng bước siết chặt công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản, thời gian qua, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản đã đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra, đánh giá, phân loại điều kiện đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm tại một số cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản. Qua đó, đơn vị cấp tỉnh đã thống kế được 80 cơ sở sản xuất giống chè; 23 cơ sở, sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp; 4 cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi công suất 30 đến 70 nghìn tấn/năm; 21 cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi cấp 1 và 1.287 cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi cấp 2; 495 cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật; 430 cơ sở sản xuất kinh doanh thuốc thú ý… Trong năm 2012, Chi cục đã thành lập 11 đoàn thanh, kiểm tra, giáp sát tại 69 cơ sở; tiến hành lấy 51 mẫu (27 mẫu chè búp khô, 4 mẫu thịt lợn, 10 mẫu rau, 5 mẫu thức ăn chăn nuôi, 5 mẫu nước tiểu lợn chuẩn bị xuất chuồng) để phân tích các chỉ tiêu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng (chì, a sen), dư lượng nhóm chất cấm Beta-agonist…

Cùng với đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các đơn vị gồm: Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản; Chi cục Thú y; Chi cục Bảo vệ thực vật; các phòng chuyên môn tăng cường phổ biến, giáo dục, truyền thông các cơ chế chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm nhằm nâng cao nhận thức, ý thức cho người sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Thông báo công khai các cơ sở sản xuất, kinh doanh không đảm bảo điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm để người tiêu dùng biết.

Ông Lê Đắc Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Thú y cho rằng: Các ngành chức năng cũng cần hướng dẫn, khuyến cáo người tiêu dùng lựa chọn các sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đã qua kiểm dịch, kiểm soát an toàn thực phẩm. Trên thực tế, vẫn còn tình trạng người tiêu dùng vì hám rẻ mà sử dụng các sản phẩm nông sản (các loại thịt, rau, củ, quả…) kém chất lượng, có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài. Đơn cử như đối với mặt hàng gà thịt sẵn, nếu người tiêu dùng không ham rẻ thì gà lậu với lượng kháng sinh tồn dư cao, có nguy cơ mắc cúm H5N1 sẽ không có “đất” để tiêu thụ trên thị trường.

Cùng với việc nâng cao nhận thức cho người sản xuất, người tiêu dùng thì các ngành chức năng, nhất là Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản cũng cần tiếp tục đẩy mạnh các chương trình kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm nông, lâm sản và thủy sản; lấy mẫu sản phẩm của các cơ sở sản xuất phân tích kiểm tra, giám sát ô nhiễm vi sinh vật, tồn dư hóa chất, chất cấm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Đồng thời phân tích, đánh giá nguy cơ, đưa ra các giải pháp quản lý hiệu quả đối với các cơ sở, vùng sản xuất nông, lâm sản tập trung là nơi cung cấp khối lượng lớn sản phẩm nông, lâm sản ra thị trường. Khi phát hiện các sai phạm, phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Theo chúng tôi, để thực hiện nhiệm vụ được giao một cách hiện quả, ngành Nông nghiệp nên nghiên cứu ứng dụng mô hình quản lý chất lượng sản phẩm theo chuỗi. Hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến theo quy trình VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt)… Kéo theo đó là xây dựng liên kết chuỗi giữa sản xuất ban đầu (sơ chế, chế biến) với việc phân phối và hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản an toàn. Tổ chức đánh giá chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến gắn với xây dựng, quảng bá nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm nhằm gia tăng giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản, tiếp cận thị trường tiêu thụ; tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm, phổ biến nhân rộng mô hình...