Anh Lê Duy Trang, sinh năm 1970, ở xóm Xuân Minh, xã Tân Khánh (Phú Bình) đã làm giàu từ mô hình chăn nuôi rắn hổ mang bành đen. Đây là loài vật nuôi còn mới mẻ ở vùng quê này, nhưng thị trường tiêu thụ lại khá ổn định vì người tiêu dùng không chỉ có nhu cầu mua rắn để chế biến thành các món ăn đặc sản mà mua rắn về làm thuốc. Qua 4 năm nuôi, giá trị kinh tế mà loài bò sát này mang lại là phần thưởng xứng đáng cho sự táo bạo và quyết đoán của anh.
Cuối những năm 2000, kinh tế gia đình khó khăn, anh Trang lên Lai Châu chạy xe tải. Công việc này vừa phải xa nhà mà tiền kiếm cũng chẳng được bao nhiêu. Lúc bấy giờ ở Lai Châu có rất nhiều người nuôi rắn. Anh nghĩ người ta nuôi được không có lý gì mình không nuôi được và bắt đầu tìm hiểu. Anh thấy rắn ít bị dịch bệnh hơn các loại vật nuôi khác, lại cho giá trị kinh tế cao. Hơn nữa, ở quê anh có rất nhiều trại gà nên việc mua gà thải loại làm thức ăn cho rắn sẽ rất tiện. Sau khi tính toán, năm 2009, anh trở về nhà bán chiếc xe tải đầu tư xây chuồng nuôi rắn. Để có thêm kiến thức, anh đi tham quan nhiều mô hình nuôi rắn ở Hải Dương, Vĩnh Phúc và Phú Thọ. Lứa đầu tiên anh nuôi thí điểm 100 con rồi tăng dần lên 200, 300 con. Thời điểm nhiều nhất, năm 2012, anh có trên 400 con và bắt đầu nuôi thêm rắn sinh sản. Ban đầu không ít người tỏ ra lo lắng khi anh chọn rắn là con vật để nuôi, ngay đến vợ anh, một tháng trời không dám lại gần chuồng rắn. Chia sẻ về điều này anh bộc bạch: “Trước khi quyết định nuôi rắn, tôi đã nghiên cứu rất kỹ để nắm bắt được tập tính của loài vật nuôi này. Hằng tháng trời tôi “cắp tráp” đi ở nhờ nhà người quen có mô hình nuôi rắn ở Hải Dương và Lai Châu để tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm”. Bên cạnh đó, anh còn sưu tầm và dự phòng nhiều loài thuốc cả đông y và tây y chữa trị rắn cắn nên mọi thành viên trong gia đình luôn yên tâm.
Với anh Trang, ngoài học hỏi kinh nghiệm những người đi trước, kênh thông tin quan trọng nhất của anh là các loại sách hướng dẫn về kỹ thuật nuôi và phòng trừ bệnh cho rắn. Đặc biệt, gần đây anh còn có thêm một kênh thông tin hữu ích khác là xem truyền hình. Anh chia sẻ: “Tôi thường xuyên xem chương trình “Hãy hỏi để biết” trên kênh VTC16. Qua với kênh truyền hình này tôi có thể gọi điện hỏi trực tiếp những vấn đề mình quan tâm và được các chuyên gia đầu ngành trả lời, tôi thấy hiệu quả lắm. Như năm ngoái, đàn rắn nhà tôi có nhiều con bị nấm da, tôi gọi điện hỏi rồi sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn trên truyền hình, kết quả đàn rắn khỏi bệnh ngay lập tức.
Chị Nguyễn Thị Lan, vợ anh tâm sự: Trước tôi sợ rắn đến nỗi mỗi lần nhìn thấy là cả đêm mơ thấy rắn, nhưng nhìn chồng cứ một mình hết dọn chuồng trại, lại cho rắn ăn… tôi đã cố gắng vượt qua nỗi sợ hãi để cùng anh chăm sóc đàn rắn. Dần dần nhìn đàn rắn lớn lên từng ngày mình cũng không còn thấy sợ nữa.
Nhờ chịu khó tìm tòi, học hỏi nên đàn rắn của gia đình anh luôn lớn rất nhanh, không mấy khi bị mắc bệnh. Lứa rắn mới thường bắt đầu từ tháng 3, mỗi con giống nặng khoảng 1 kg, đến khoảng tháng 9, tháng 10 được xuất bán, mỗi con nặng từ 3-4 kg. Anh Trang cũng cho biết, nuôi rắn nhàn hơn chăn lợn hoặc gà vì ngoài việc vệ sinh chuồng trại ra, một tuần mới phải cho rắn ăn một lần. Ngoài mua gà thải loại của các gia đình lân cận làm thức ăn cho rắn, anh Trang còn mua hoặc đi bắt thêm cóc, nhái, chuột về cho rắn ăn. Anh Trang tính, cứ ăn hết 6kg thức ăn, rắn sẽ tăng được 1kg. Từ năm 2009 đến 2011, giá rắn thương phẩm là 1,5 triệu đồng/1kg, bình quân mỗi con rắn anh Trang được lãi trên 1 triệu đồng. Thời điểm hiện tại, giá có giảm đôi chút, chỉ khoảng gần 1 triệu đồng/kg. Theo tính toán của của anh Trang, với mức giá này nếu được giữ ổn định thì nuôi rắn vẫn cho lợi nhuận cao, bởi giá rắn giống cũng đã giảm xuống còn khoảng 700 nghìn đồng/1kg, so với 1,5 triệu đồng như trước.
Ngoài mô hình nuôi rắn hổ mang bành, vợ chồng anh Trang còn kết hợp làm máy xay xát và xẻ gỗ. Bình quân tổng thu nhập mỗi năm của gia đình đạt gần 200 triệu đồng. Không chỉ là hội viên nông dân tiêu biểu của địa phương, anh Trang còn được bà con tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ và Trưởng ban Công tác Mặt trận của xóm.