Nỗi niềm người trồng mía ở Huống Thượng

08:25, 06/09/2013

Khoảng 10 năm trước, cây mía được coi là một trong những cây trồng chủ lực, giúp người dân xã Huống Thượng (Đồng Hỷ) nâng cao thu nhập, ổn định đời sống. Nhưng 3 năm nay, đầu ra của cây mía rất bấp bênh nên nhiều người trồng mía ở Huống Thượng đang tính đến chuyện chuyển đổi sang loại cây trồng khác.

Chúng tôi đến xã Huống Thượng vào một ngày đầu tháng 9, mặc dù thời điểm này đang được coi là vụ thu hoạch mía chính trong năm nhưng các cánh đồng mía ở đây vẫn đang trong tình trạng chờ thương lái đến thu mua.  Ghé vào một ruộng mía ở xóm Già, chúng tôi được chị Nguyễn Thị Dinh (chủ ruộng) cho biết: 5 năm trước, 6 sào đất ruộng của gia đình tôi đều trồng mía nhưng 2 năm nay, tôi chỉ trồng hơn 1 sào do đầu ra của cây mía ngày càng bấp bênh, có năm, gia đình tôi gần như thất thu bởi giá mía quá thấp. Năm nay chắc cũng không khả quan bởi lẽ ra thời điểm này, mía đã được thu hoạch xong nhưng hiện tại, vẫn chưa có ai hỏi mua. Nếu để thêm 1-2 tháng nữa cây mía sẽ bị bấc, giá chắc chắn sẽ không cao.

Hiện tại, ở xã Huống Thượng có không ít nhà trồng mía cũng đang rơi vào tình trạng như nhà chị Dinh. Nhiều diện tích mía sớm đã cho thu hoạch cách đây khoảng 1 tháng nhưng do khó đầu ra nên đến nay vẫn nằm trên ruộng. Để thu hoạch mía đúng thời điểm, một số hộ đã phải mang mía sang T.P Thái Nguyên bán hoặc đầu tư máy ép mía về quay lấy nước rồi đóng chai đi bán dạo. Với cách làm này, trung bình mỗi cây mía sẽ có giá khoảng 7 nghìn đồng, lãi 1-2 nghìn đồng so với bán mía cây nhưng lại mất nhiều thời gian hơn. Chúng tôi đến nhà chị Nguyễn Thị Tuyết, ở xóm Gò Chè đúng lúc chị đang cùng chồng ép nước mía. Đón cốc nước mía tươi ngon từ tay chủ nhà, chúng tôi được thưởng thức thứ nước giải khát tuyệt vời có vị ngọt đậm của mía và mùi thơm thoang thoảng của quất xanh. Chị Tuyết cho biết: Nhà tôi trồng hơn 1 sào mía, đến ngày thu hoạch vẫn chưa bán được nên tôi đã đầu tư một máy ép mía trị giá 6 triệu đồng về ép nước, đóng chai để bán dạo ở các chợ bên thành phố. Dù biết là mất nhiều nhân lực và thời gian nhưng tôi vẫn phải dùng cách này để tiêu thụ mía.

Theo những người có kinh nghiệm trồng mía ở đây thì để có được một cây mía "đạt tiêu chuẩn" phải mất khá nhiều thời gian và công chăm sóc bởi chu kỳ của loại cây này từ lúc trồng đến lúc được thu hoạch kéo dài đúng 1 năm. Người trồng mía thường phải có mặt ngoài đồng để tỉa lá, phun thuốc trừ muội cho cây. Trong khi việc chăm sóc mía vất vả như vậy nhưng đầu ra lại bấp bênh nên người dân ở Huống Thượng thường ví việc trồng mía như một trò cá cược. Nếu được mùa, được giá thì sẽ "phất" lên nhanh chóng, còn nếu mất giá thì coi như trắng tay.
 
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, do phù hợp với thổ nhưỡng nên cây mía ở Huống Thượng phát triển rất tốt, cây cao, có gióng dài, ít bị sâu bệnh và rất ngọt. Vì vậy, từ năm 2005 đến năm 2008, diện tích mía trên địa bàn xã liên tục tăng, lúc cao điểm nhất toàn xã có đến gần 30ha mía. Thời bấy giờ, mỗi lần đến vụ thu hoạch là thương lái ở các nơi lại đưa ô tô về tận xã để thu mua. Trung bình mỗi sào có khoảng 2.500 cây mía, bán với giá 4.000 đồng/cây thì người nông dân cũng thu về được chục triệu đồng/sào, trừ chi phí còn được lãi 6-7 triệu đồng, cao gấp 2-3 lần so với trồng lúa. Đến năm 2010, giá mía bắt đầu  bấp bênh, có năm, người thu mua chỉ trả từ 500 đồng đến 1.000 đồng/cây, nhưng cũng có năm giá mía được mua với giá 5.000 - 6.000 đồng/cây. Chính vì sự thay đổi thất thường đó mà đến nay, nhiều hộ đã bỏ mía để trồng màu. Toàn xã hiện chỉ còn 9ha mía, tập trung tại các xóm: Đảng, Gò Chè và Già.

Nói thêm về những khó khăn trong việc tiêu thụ mía, ông Vương Xuân Bằng, Phó Chủ tịch UBND xã Huống Thượng cho biết: Từ trước đến nay, địa phương chưa có doanh nghiệp hay nhà máy đường nào đến thu mua mía, do đó đã làm hạn chế đầu ra của sản phẩm. Hơn nữa, mía ở đây chủ yếu được thương lái giao cho các cửa hàng giải khát nên việc tiêu thụ mía còn phụ thuộc vào cả thời tiết. Năm ngoái trời nắng nóng thì cây mía bán rất nhanh, những cây to còn bán được với giá 8.000 đồng/cây tại vườn, sang năm, nay thời tiết mưa nhiều thì việc tiêu thụ mía lại gặp nhiều khó khăn. Nhiều nhà có mía quá lứa còn phải chặt về làm thức ăn cho trâu, bò.

Có thể thấy, nếu xét về quy mô và năng suất của việc trồng mía thì Huống Thượng có thể trở thành một vùng chuyên canh mía của huyện Đồng Hỷ. Tuy nhiên, do không có đầu ra ổn định nên giá trị của cây trồng này không được phát huy hiệu quả. Thiết nghĩ, để cây mía phát triển bền vững, tránh tình trạng người dân bị thương lái ép giá thì chính quyền xã cần quan tâm, chủ động hơn nữa trong việc liên kết với các doanh nghiệp để hỗ trợ tổ chức thu mua cho nông dân.